Nông dân vẫn thiếu kiến thức làm nông nghiệp công nghệ cao
Tại hội thảo “Nông nghiệp công nghệ cao: Các vấn đề và giải pháp” do Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 7/4 ở Hà Nội, các đại biểu đề xuất, ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường kết nối trong chuỗi giá trị là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam.
Điểm nhấn của hội thảo đề cập đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong tiếp cận và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đây được coi là phương pháp cung cấp nông sản, thực phẩm minh bạch, đồng thời tạo mối liên kết giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phải gắn với nông dân. |
Theo ông Đào Ngọc Nam, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và dịch vụ Nông nghiệp An Việt, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam có khả năng cung ứng khối lượng lớn với chất lượng ổn định. Tuy nhiên, hệ thống phân phối hiện còn nhiều bất cập như nông dân hay người sản xuất luôn phải đối mặt với tình trạng “được mùa, mất giá”; người tiêu dùng phải chi trả quá cao so với giá thực tế trong khi thiếu sự đảm bảo về chất lượng của sản phẩm….
Vì vậy việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm được coi là yếu tố không thể thiếu trong xây dựng các kênh phân phối tiêu thụ nông sản, nhất là khi chuỗi phân phối nông sản hiện nay ở Việt Nam còn chưa áp dụng nhiều nền tảng công nghệ thông tin kết nối.
“Công ty xây dựng Trung tâm dữ liệu tập hợp các dữ liệu của nhà sản xuất, các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà phân phối sản phẩm trong hệ thống thường xuyên được cập nhật thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Để tiếp cận những dữ liệu này, người nông dân chỉ cần điện thoại thông minh hoặc máy vi tính kết nối mạng có thể tìm hiểu, học hỏi những thông tin về thị trường, kiến thức sản xuất trên hệ thống. Ngược lại, với hệ thống này nông dân cũng như các doanh nghiệp có thể theo dõi quy trình, chất lượng và số lượng các nông sản ngay từ khi trồng đến khi thu hoạch qua đó liên kết lại với nhau để tiêu thụ nông sản”, ông Nam cho biết.
Các đại biểu cũng cho rằng, để đáp ứng những yêu cầu trong việc tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao, vấn đề mấu chốt là phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để nắm bắt và làm chủ những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đối với mỗi vùng, miền có lợi thế về phát triển nông nghiệp phải có chiến lược riêng về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, trong đào tạo nguồn nhân lực không chỉ đào tạo các chuyên gia, cử nhân là tri thức trẻ để giúp nông dân nắm bắt các công nghệ trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao mà còn phải đổi mới cách tiếp cận, lồng ghép các chương trình, mô hình thực tiễn hướng đến nông dân – chủ thể trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
“Muốn chuyển giao được công nghệ người nông dân phải có kiến thức. Cần phải đào tạo, giúp nông dân tiếp cận những công nghệ mới, qua đó áp dụng để triển khai trên thực tế. Học viện đang liên kết với Liên minh hợp tác xã phối hợp các chương trình đào tạo cho nông dân, đưa tri thức trẻ về tham gia các chương trình phát triển nông nghiệp ở địa phương”, bà Lan cho biết.
Cũng theo bà Lan, trong bối cảnh hiện nay, Học viện cũng thay đổi chương trình đào tạo cho nông dân, đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Học viện đang rà soát lại các chương trình đào tạo, trong đó tăng cường bổ sung các kiến thức, kỹ năng tay nghề cho nông dân. Đồng thời cập nhật các kiến thức tổng hợp để nâng cao năng lực cho nông dân về kinh nghiệm quản lý, kinh doanh, tìm kiếm thông tin thị trường, các tiến bộ khoa học kỹ thuật./.