Nghiên cứu, học tập và vận động sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước (*)
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phát biểu tại Đại hội |
Kính thưa các quý vị đại biểu cùng đồng bào, đồng chí tỉnh Thái Nguyên!
Hoà chung không khí cả nước đang hăng hái thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2020, hôm nay, tôi rất vui mừng thay mặt Đảng, Nhà nước về dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Thái Nguyên lần thứ V (2020 - 2025).
Lời đầu tiên tôi xin gửi tới các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các quý vị đại biểu, khách quý, cùng toàn thể các đồng chí lời chúc sức khoẻ; chúc Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Thái Nguyên lần thứ V thành công tốt đẹp!
Kính thưa quí vị đại biểu!
Thưa toàn thể các đồng chí!
Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc mở đầu cho phong trào thi đua hành động cách mạng của toàn dân tộc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam, lời kêu gọi đó được truyền đi như một lời thúc giục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, ý chí quyết tâm của toàn dân tộc, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Hơn 70 năm qua, trải qua những chặng đường lịch sử, dưới những tên gọi, nội dung và hình thức biểu hiện khác nhau như: Phong trào “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến”; “Sóng duyên hải” “Gió đại phong”, “Cờ 3 nhất”, “Trống Bắc lý”, “Thanh niên ba sẵn sàng, Phụ nữ ba đảm đang”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì Miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”…Phong trào thi đua ái quốc vẫn phát triển theo một dòng chảy liên tục của lịch sử, đã cổ vũ, động viên cả dân tộc nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, không ngại hy sinh gian khổ, lập nên những chiến công hiển hách và những thành tích to lớn trong hai cuộc kháng chiến cứu quốc vĩ đại trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Kế thừa và phát huy truyền thống thi đua ái quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, trong những năm qua, phong trào thi đua yêu nước đã có bước phát triển mới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Cùng với các phong trào thi đua của toàn quốc, ở ngành nào, địa phương nào cũng có những phong trào thi đua, với hình thức tổ chức phong phú, nội dung thiết thực, động viên, lôi cuốn đông đảo quần chúng nhân dân tham gia… Từ những phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua và các tấm gương điển hình tiên tiến, biểu hiện sinh động, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, phát huy sức mạnh và sức sáng tạo của con người Việt Nam; tạo động lực mạnh mẽ và góp phần thiết thực vào những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Sinh thời, Bác Hồ đã sống và làm việc tại Thái Nguyên nhiều năm trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, Bác Hồ đã 7 lần về thăm Thái Nguyên. Cách đây hơn 50 năm, ngày 01/01/1964, lần thứ 7 và cũng là lần cuối cùng Bác về thăm Thái Nguyên, Bác đã căn dặn: “Toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta” để sáng mãi địa danh An toàn khu - Thủ đô kháng chiến; là trung tâm kinh tế, giáo dục - đào tạo và y tế vùng trung du miền núi phía Bắc Việt Nam.
Phát huy truyền thống thi đua yêu nước theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, đoàn kết, sáng tạo, ra sức thi đua vượt qua mọi khó khăn, thách thức phấn đấu xây dựng quê hương Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Về dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thái Nguyên hôm nay, tôi rất vui mừng trước những kết quả trong phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng mà tỉnh nhà đã đạt được trong 5 năm qua. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, công tác thi đua, khen thưởng đã bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; phong trào thi đua yêu nước đã thực sự là động lực động viên, thu hút sự tham gia đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sỹ trong tỉnh, tạo sự đồng tâm, hiệp lực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020: Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân 11,1%/năm; giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng 13,1%/năm; thu ngân sách nhà nước trong cân đối tăng bình quân 16,3%/năm; tạo việc làm tăng thêm bình quân cho 21.500 lao động/năm; giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân 2,06%/năm; đến hết năm 2020 có 72% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 97,2% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 90 triệu đồng.
Công tác giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách dân tộc, miền núi, chính sách xã hội đối với người có công, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được triển khai thường xuyên, tỷ lệ hộ nghèo trong 5 năm giảm 10,03%; bình quân giảm 2,06%/năm. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo đà cho tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả nổi bật, với nhiều mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Nhiều cá nhân đã vượt lên khó khăn, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở địa phương. Phong trào đã tạo được sự đồng thuận cao của toàn xã hội, được các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tham gia góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong 5 năm qua.
Trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, các phong trào “Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, tiếp tục được triển khai hiệu quả và ngày càng đi vào chiều sâu được đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tích cực hưởng ứng. Các phong trào thi đua trong lĩnh vực giáo dục, y tế như: Phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”,“Thực hiện tốt 12 điều y đức”, “Thầy thuốc như mẹ hiền”, “Làm theo lời Bác, cán bộ y tế: Đoàn kết, năng động, sáng tạo, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ y tế”, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”,“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”;...cùng nhiều phong trào thi đua khác trong lĩnh vực văn hóa- xã hội đã góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh. Các đơn vị quốc phòng, an ninh đẩy mạnh phong trào “Thi đua quyết thắng”, phong trào "Vì an ninh tổ quốc", “Công an nhân dân học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”, “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”;các phong trào thi đua trong các cơ quan Đảng như “Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh”, “Dân vận khéo” cùng nhiều phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã phát huy sức mạnh tổng hợp khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất, làm giàu chính đáng; phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp.
Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, nhiều tập thể, cá nhân của tỉnh đã được khen thưởng kịp thời. Trong 5 năm qua, đã có 63 tập thể, 368 cá nhân được nhận các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cấp nhà nước. Tỉnh Thái Nguyên vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020. Năm 2016 tỉnh Thái Nguyên được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; năm 2018 được tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” trong phong trào thi đua của Cụm thi đua 7 tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc. Hằng nghìn tập thể, cá nhân được tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của các cấp, các ngành; thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc nhất trong các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua.
Tại Đại hội, tôi ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những kết quả trong phong trào thi đua yêu nước mà tỉnh Thái Nguyên đã đạt được trong 5 năm qua; chúc mừng các tập thể, cá nhân tiên tiến xuất sắc, đại diện cho các địa phương, đơn vị về tham dự Đại hội thi đua yêu nước hôm nay.
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Trong thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Phát huy những thành tích đã đạt được trong phong trào thi đua yêu nước thời gian qua, tôi xin trao đổi thêm và nhấn mạnh một số nhiệm vụ như sau:
Một là, cần tiếp tục nghiên cứu, học tập và vận động sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước với những nội dung, luận điểm cơ bản như lời Bác “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, “Đừng tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”. Thi đua là việc làm thiết thực, gắn với với công việc hàng ngày của mỗi người. Mỗi người cố gắng làm tốt và làm tốt hơn công việc của mình vì lợi ích của bản thân, của những người thân, của cộng đồng và của đất nước. Công tác thi đua khen thưởng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của cấp ủy gắn với trách nhiệm của người đứng đầu chứ không phải của bộ máy chuyên trách làm công tác thi đua khen thưởng.
Hai là, tiếp tục phát động các phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân. Các phong trào thi đua gắn với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TW về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; chú ý phát triển phong trào thi đua trong đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đi đôi với phát triển về bề rộng, cần chú ý đưa phong trào đi vào chiều sâu, trên cơ sở bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, địa phương, đơn vị, để tổ chức các phong trào thi đua phù hợp, thiết thực, hướng vào việc giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương như: Phát triển kinh tế hợp lý và bền vững, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách hành chính, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện đổi mới công tác thi đua, khen thưởng cả về nội dung, hình thức và phương thức tổ chức phong trào thi đua.
Ba là, trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác thi đua, khen thưởng cần chú ý gắn các phong trào thi đua với công tác khen thưởng, bởi vì “thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”; cần kiểm tra, đánh giá, sơ, tổng kết và khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, quan tâm việc khen thưởng thông qua phát hiện các điển hình, nhân tố mới, khen thưởng công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Có nhiều hình thức để biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.
Bốn là, thông qua các phong trào thi đua để phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Ngay sau Đại hội hôm nay, các cấp uỷ Đảng, chính quyền cần tiếp tục tuyên truyền, quan tâm, tạo điều kiện để các điển hình phát huy tác dụng và có sức lan tỏa rộng lớn trong toàn tỉnh. Phấn đấu trong 5 năm tới, ngành nào, cấp nào cũng có điển hình tiên tiến tiêu biểu, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Một tấm gương sáng có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".
Năm là, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy và lựa chọn những cán bộ có năng lực, có trách nhiệm cao, nhiệt tình, tâm huyết với phong trào để làm công tác thi đua, khen thưởng. Công tác thi đua, khen thưởng bao gồm nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Vì vậy, việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng là việc làm cụ thể để nâng cao chất lượng tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền trong tổ chức các phong trào thi đua và quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng.
Kính thưa các đồng chí!
Kế thừa thành tích và những kinh nghiệm, bài học trong suốt thời gian qua, tôi tin tưởng rằng Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp của tỉnh Thái Nguyên sẽ tổ chức tốt hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Phong trào thi đua yêu nước của Thái Nguyên sẽ tiếp tục có những bước chuyển biến mạnh mẽ, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Một lần nữa xin chúc các mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng, các đại biểu ưu tú về dự Đại hội cùng toàn thể các đồng chí luôn dồi dào sức khoẻ và hạnh phúc.
Chúc phong trào thi đua của tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phát triển và dành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa.
Xin trân trọng cảm ơn!
(*) Tiêu đề do Tòa soạn đặt