PGS.TS, Nhà giáo ưu tú Lương Văn Hinh đã có hơn 40 năm gắn bó dưới mái trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên. Thầy giáo Hinh vẫn luôn nhớ những phòng học - nơi thầy cống hiến suốt những năm tháng của tuổi trẻ với tất cả niềm say mê, cùng phấn trắng, bảng đen và bao thế hệ học trò. 20/11 của những năm ấy không có hoa và quà, chỉ có tình thầy trò giản dị nhưng rất đỗi chân thành.

Thầy giáo Hinh chia sẻ: “Ngày 20/11 của chúng tôi hồi đó chỉ có những lời chúc tụng hoặc những cử chỉ tôn sư trọng đại với thầy thôi, chứ còn hoa hồi ấy rất ít, có khi chỉ mời nhau chén nước hoặc có những bó hoa đồng nội để tặng cô giáo, thầy giáo.”

Nghề cao quý nhất
PGS.TS, Nhà giáo ưu tú Lê Lương Tài

Về nghỉ chế độ đã hơn 5 năm nay, PGS.TS, Nhà giáo ưu tú Lê Lương Tài, nguyên giảng viên trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp, Đại học Thái Nguyên vẫn giữ liên lạc với các học trò của mình. Gieo nền tảng tri thức và cả niềm tin, động lực để học trò của mình trưởng thành, đó là niềm tự hào lớn lao đối với người thầy giáo đã có 43 năm gắn bó với bục giảng.

Thầy giáo Tài chia sẻ: “Không có ngày 20/11 nào mà không có những sinh viên thuở ấy, từng đoàn, từng đoàn đến thăm thầy và lúc đó không có quà tặng, hoa gì cả mà chỉ là những lời thăm hỏi, chúc mừng tình cảm. Thời ấy chỉ đơn giản như vậy thôi nhưng để lại cho chúng tôi ấn tượng rất sâu sắc và những kỷ niệm, tình thầy trò rất đầm ấm, làm cho tôi đến nay vẫn yêu nghề dạy học.”

Nghề cao quý nhất
GS.TS, Nhà giáo ưu tú Đặng Kim Vui trao đổi với phóng viên

Các thế hệ nhà giáo - những người đã lựa chọn một nghề cao quý để thực hiện sứ mệnh “trồng người”. Dù đã cao tuổi song đa số các thầy vẫn tận tụy với công việc giảng dạy, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nghề giáo cao quý cũng chính bởi bất cứ lúc nào, người thầy vẫn là người trao truyền tri thức.

GS.TS, Nhà giáo ưu tú Đặng Kim Vui, nguyên Giám đốc Đại học Thái Nguyên chia sẻ: “ Người thầy cũng là người đi học nhưng đồng thời người thầy có thể học nâng cấp lên, mình vẫn có thể tiếp tục theo đuổi sự nghiệp giảng dạy suốt đời. Còn sức thì còn có thể giảng dạy, học tập và nâng cao trình độ để bồi dưỡng cho thế hệ trẻ ở góc độ này, góc độ khác đều có thể giúp đỡ cho sự nghiệp giáo dục phát triển lên.”

Nghề cao quý nhất
Thầy, cô giáo luôn là người truyền cảm hứng, chắp cánh ước mơ cho bao thế hệ học trò.

Ngày nay, khi xã hội đã có nhiều thay đổi, các giá trị mới, cách thể hiện mới đã bổ sung vào quan niệm về người thầy và nghề dạy học. Song người thầy vẫn luôn là người truyền cảm hứng, chắp cánh ước mơ cho bao thế hệ học trò.

Thầy giáo Dương Duy Hưng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trưng Vương, TP Thái Nguyên chia sẻ: “Bản thân tôi cũng như những giáo viên khác, khi lựa chọn nghề là cũng xác định được tư tưởng của mình được yêu thương học sinh, được chăm lo cho học sinh, được đáp ứng những mong mỏi của phụ huynh học sinh trong việc giảng dạy, giáo dục học sinh cũng là một hạnh phúc. Và nhìn những thế hệ học sinh ra trường mà mỗi thế hệ có kiến thức, kỹ năng theo đúng yêu cầu; học sinh ngoan, học sinh lễ phép, đảm bảo những điều kiện chuẩn, với chúng tôi đó là hạnh phúc.”

“Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, bao đời này, tôn sư trọng đạo vẫn là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Và cho dù cuộc sống hiện đại có thay đổi đến đâu thì những chuẩn mực của đạo nghĩa thầy trò vẫn không hề đổi thay. Nghề giáo vẫn luôn được cả xã hội tôn vinh là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý./.