Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số, lao động nông thôn
Trung tâm GDNN – Hợp tác và Phát triển nguồn nhân lực Thái Nguyên đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động DTTS, lao động nông thôn |
Thời gian qua, công tác này được các cấp, ngành, chính quyền các địa phương của tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm triển khai, đáp ứng tốt nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, đồng bào DTTS và yêu cầu của thị trường lao động hiện nay.
Một buổi học Sơ cấp Điện dân dụng với 35 học viên là đồng bào DTTS, lao động nông thôn được học lý thuyết và thực hành ngay trên các mô hình, thiết bị điện thực tế. Sau khóa học các học viên có thể tự chủ động sửa chữa, xử lý các sự cố, thiết bị điện hỏng hóc, áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình.
Anh Lý Văn Tuấn, xóm Trại Vải, xã Đức Lương, Đại Từ, Thái Nguyên |
Anh Lý Văn Tuấn, xóm Trại Vải, xã Đức Lương, Đại Từ, Thái Nguyên cho biết: Trung tâm Giáo dục nghiệp đã phối hợp với UBND xã tổ chức lớp học nghề này cho tôi và tất cả các học viên, qua lớp học này mang lại lợi ích cho tất cả các học viên để biết thêm nhiều kiến thức về điện, sửa chữa tất cả các thiết bị trong gia đình và giúp cho bà con dân trong xã đảm bảo việc sử dụng điện an toàn hơn.
Một buổi trải nghiệm thực tế lớp Công nghệ chế biến chè xã Tức Tranh, Phú Lương tại HTX Chè Hảo Đạt. Tại đây, giảng viên trực tiếp truyền đạt cho bà con về giống, cách chăm bón, thu hoạch chè ngay tại vườn. Các học viên cũng được tham quan khu vực xao, sấy, đóng gói, tiếp thị và bán sản phẩm trà của HTX. Thông qua đó giúp học viên có thêm kiến thức bổ ích để thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao giá trị cây chè và sản phẩm trà, góp phần tăng thu nhập.
Chị Đàm Thị Mùi, xóm Đồng Lường, xã Tức Tranh, Phú Lương, Thái Nguyên |
Chị Đàm Thị Mùi, xóm Đồng Lường, xã Tức Tranh, Phú Lương, Thái Nguyên cho biết: Sau lớp học này thì bà con sẽ áp dụng được nhiều hơn từ kiến thức mình được học và sẽ cố gắng làm theo để làm sao đưa được sản phẩm của mình có giá trị cao hơn, mở rộng ra thị trường và vươn xa hơn.
Ông Hoàng Ngọc Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Tức Tranh, Phú Lương, Thái Nguyên |
Ông Hoàng Ngọc Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Tức Tranh, Phú Lương, Thái Nguyên cho biết: Đối với những năm tới, chúng tôi cũng mong muốn việc đào tạo nghề về ngành chè nói riêng và các cái ngành khác của Trung tâm nói chung đối với địa phương thì cũng sẽ được nhiều hơn và có sự lan tỏa hơn, đặc biệt là có sự mà hợp tác giữa Trung tâm và các hộ dân, cũng như là nhân dân ở trong xã.
Đào tạo nghề cho lao động người DTTS, lao động nông thôn nằm trong Kế hoạch công tác GDNN năm 2024 và giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Bên cạnh tăng cường công tác truyền thông, tư vấn học nghề, hướng nghiệp, khởi nghiệp cho người lao động, phân luồng đối tượng, việc đổi mới phương pháp đào tạo gắn với thực nghiệm trực quan, sản xuất trực tiếp là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả đào tạo, kỹ năng tay nghề cho người dân.
Ông Mông Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm GDNN - Hợp tác và Phát triển nguồn nhân lực Thái Nguyên |
Ông Mông Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm GDNN - Hợp tác và Phát triển nguồn nhân lực Thái Nguyên cho biết: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả đào tạo nghề trong thời gian tới, đặc biệt là hướng tới người lao động là các đối tượng yếu thế, các đối tượng đặc thù, Trung tâm sẽ tiến hành rà soát các ngành nghề ngành nghề đào tạo để tạo điều kiện về trang thiết bị đào tạo cũng như đội ngũ nhà giáo, cập nhật xây dựng chương trình đào tạo, giáo trình đào tạo làm sao phù hợp với nhu cầu đào tạo của các địa phương và trực tiếp là người lao động
Đẩy mạnh đào tạo nghề cho đồng bào DTTS, lao động nông thôn gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh, từng vùng, từng ngành, từng địa phương, từ đó nâng cao chất lượng lao động nông thôn, vùng đồng bào DTTS, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay.