Cần tháo gỡ khó khăn cho các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên
Một tiết học tại Trung tâm GDNN - GDTX huyện Phú Bình. |
Trung tâm GDNN - GDTX huyện Phú Bình hiện có 24 lớp với gần 950 học viên. Những năm gần đây, số lượng học viên đăng ký vào trung tâm học ngày càng tăng, số giáo viên đứng lớp theo đó cũng tăng lên. Riêng trong năm học 2024 - 2025, Trung tâm chỉ có 28 cán bộ, giáo viên, nhân viên biên chế; hợp đồng theo Nghị định 111 là 12 người, trung tâm phải thuê 10 giáo viên thỉnh giảng. Mặc dù vậy, số lượng giáo viên thỉnh giảng này không ổn định, nhiều môn học không thuê được giáo viên. Nguồn nhân lực thiếu khiến việc dạy và học của Trung tâm theo đó cũng khó khăn.
Bà Đào Thị Khuyên, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Phú Bình cho biết: "Mặc dù năm vừa qua được hợp đồng 11 là 12 giáo viên nhưng so với số lượng học viên thị trung tâm vẫn đang thiếu nên trung tâm đang phải học 2 ca do đó việc ôn tập bổ sung kiến thức cho học sinh vẫn còn gặp nhiều khó khăn".
Hiện nay tỉnh Thái Nguyên có 9 trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện và trung tâm GDTX tỉnh. Trong đó, Trung tâm GDTX tỉnh là đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT. Từ khi sáp nhập đến nay, các trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện thực hiện hai nhiệm vụ chuyên môn là giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động, các trung tâm này vẫn gặp khó khăn, trong tuyển dụng giáo viên cũng như thiếu thốn về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo dành cho các hoạt động GDNN.
Tại Trung tâm GDNN - GDTX thành phố Thái Nguyên. |
Ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX thành phố Thái Nguyên cho biết: "Cơ sở vật chất của trung tâm hiện tại được sáp nhập từ 3 đơn vị dẫn đến việc học của học sinh không tập trung, chúng tôi đề xuất các cấp các ngành quan tâm bố trí một địa điểm cho trung tâm phù hợp để tập trung trong công tác giảng dạy".
Những bất cập khó khăn của các Trung tâm GDNN - GDTX cần được tháo gỡ là ý kiến được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Các đại biểu cũng kiến nghị các bộ, ngành cần có giải pháp quy định rõ vị trí pháp lý, cơ chế quản lý đối với các trung tâm này, để tháo gỡ những khó khăn về biên chế, chế độ chính sách cho các trung tâm và phù hợp với quy định của Luật giáo dục. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng thừa nhận thực tế khó khăn, vướng mắc hiện hữu của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên.
Trích phát biểu của Ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: "Chúng tôi cũng đang đề xuất với chính phủ sửa sửa đổi Nghị định 127 về quy định, trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục trong đó có xem xét việc trung tâm Giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp trực thuộc đầu mối nào, bộ phận nào thì hợp lý nhất, chúng tôi cũng đang cân nhắc phương án nếu như giao về Sở Giáo dục và đào tạo quản lý thì có lẽ nó sẽ phù hợp hơn".
Chủ trương sáp nhập, thành lập các đơn vị trung tâm GDNN - GDTX nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động là đúng đắn. Nhưng để đạt mục tiêu đề ra, các bộ, ngành và tỉnh cần có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các trung tâm. Từ đó đáp ứng yêu cầu học văn hóa, học nghề trong học sinh sau tốt nghiệp THCS, cũng như thực hiện thành công đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025"./.