Nét đẹp tục ăn Tết lại ở Phú Bình
Ăn Tết lại là dịp gia đình, làng xóm sum họp, là dịp củng cố tinh thần đoàn kết toàn dân, thể hiện sự gắn kết trong cộng đồng để cùng nhau bắt tay vào công việc trong một mùa xuân mới.

Từ sáng sớm 14 tháng Giêng âm lịch, các thành viên trong gia đình anh Dương Xuân Hoàng, xóm Làng, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình đã thức dậy, cùng nhau chuẩn bị mâm cơm với những sản vật đặc trưng của địa phương để cúng Tết và tổ tiên. Đây không chỉ là dịp thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên mà còn là dịp gặp mặt, sum vầy của các gia đình, bạn bè. Anh Dương Xuân Hoàng cho hay: "Từ khi lớn lên đã thấy có tục ăn Tết lại của địa phương. Tôi thường tổ chức từ 5-10 mâm với món ăn truyền thống là bánh chưng xanh, các món ăn truyền thống của địa phương, mời tất cả anh em, bạn bè thân thiết".

Với người dân xã Xuân Phương, cùng vào dịp ăn Tết lại, những gia đình có người trên 51 tuổi trở lên sẽ tổ chức lễ cầu khao. Các con, các cháu trong gia đình bác Dương Quang Xuân cùng nhau chuẩn bị mâm lễ cúng dâng lên tổ tiên. Gia chủ trong trang phục tươm tất và thành kính lễ bái, khao thọ và cầu cho mọi người trong gia đình bình an, mạnh khỏe.

Ông Dương Quang Xuân, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình cho biết: "Nhà tôi tổ chức ăn Tết lại và tổ chức khao lão, xắp mâm cơm cúng tổ tiên, sau đó con cháu đến chúc mừng".

Chị Dương Thị Thu, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình chia sẻ: "Trong những ngày này, gia đình tôi tập trung lại để chuẩn bị mâm cơm cúng ngày rằm tháng giêng và ăn Tết lại với gia đình".

Nét đẹp tục ăn Tết lại ở Phú Bình
Hàng năm, sau dịp Tết Nguyên đán, bà con làng Phương Độ đều dâng lễ để tưởng nhớ công ơn của anh hùng dân tộc Dương Tự Minh.

Ăn Tết lại là một nét văn hóa độc đáo không phải địa phương nào cũng có. Theo tài liệu cổ được lưu truyền từ xa xưa, tục lệ ăn Tết lại gắn với công lao của anh hùng dân tộc Dương Tự Minh, người đã có công đánh đuổi giặc xâm lược, giữ vững vùng biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Từ đó đến nay, hàng năm, sau dịp Tết Nguyên đán, bà con làng Phương Độ đều dâng lễ để tưởng nhớ công ơn của ông. Tục ăn Tết lại xuất phát từ chính các nghi lễ này.

Ông Dương Xuân Vận, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phương, huyện Phú Bình cho biết: "Tục lệ ăn Tết lại ở địa phương có từ khi ngôi đình được hình thành; đặc biệt, năm 1993 đình được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia thì người dân càng coi trọng đến nét đẹp văn hóa của đình làng. Cứ vào dịp 14, 15, 16 tháng Giêng hàng năm, nhân dân lại tổ chức mở hội cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. 100% các con em của các gia đình đến ngày này đều tập trung về với gia đình, với làng để trẩy hội".

Tục ăn Tết lại đã trở thành nét văn hóa tín ngưỡng - nét bản sắc độc đáo, ăn sâu vào tiềm thức của người dân nhiều địa phương ở vùng quê Phú Bình. Qua đó, góp phần tô thắm thêm bản sắc văn hóa của một vùng đất giàu truyền thống, góp sức cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Chính vì vậy, ăn Tết lại là một phong tục văn hóa cổ truyền, có giá trị nhân văn cao, mang đậm nếp sống của người dân lao động nông thôn cần được lưu giữ./.