Ứng xử với di sản hát Then vùng Việt Bắc - tâm và tầm văn hóa
Then vốn là một hình thức thực hành tín ngưỡng dân gian của đồng bào Tày, Nùng |
Di sản Then vốn là một hình thức thực hành tín ngưỡng dân gian của đồng bào Tày, Nùng. Vai trò của Then là đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ và nhu cầu cân bằng trong đời sống tín ngưỡng của con người. Vì thế, trong đời sống hiện nay, chúng ta thường gặp 2 hình thức là then sân khấu và thực hành nghi lễ then. Tuy nhiên, trong thực tế đang có rất nhiều sự hiểu nhầm về Then.
Nghệ sĩ Nguyễn Xuân Bách, Giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc cho rằng: "Có nhiều người ở các nơi khác họ nghĩ rằng Then đơn thuần chỉ là một hình thức hát Giao Duyên của người Tày thôi. Các chàng trai cô gái cầm đàn tính hát bên bờ suối như vậy là có sự nhầm lẫn trong nhận diện. Thứ hai là ngay trong bản thân Then nghi lễ cũng đã có sự nhầm lẫn trong nhận diện, đặc biệt là sự nhầm lẫn giữa thực hành nghi lễ Then và thực hành nghi lễ lên đồng của đạo Mẫu tứ phủ. Chúng tôi thấy nhiều cuộc hầu đồng có cả những hình giá hầu như là chúa then... Đấy là có thể là một sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc nhưng mà chúng ta cũng cần phải nhìn nhận bởi vì phân tách hai cái ra, nếu không sau này chúng ta sẽ rất dễ nhầm lẫn giữa tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ và tín ngưỡng thực hành tín ngưỡng then".
Không chỉ vậy, quá trình bảo tồn di sản còn cho chúng ta biết, ở vùng Việt Bắc, điệu Then ở mỗi tỉnh đều có sự đặc sắc riêng có. Tuy nhiên, tôn vinh vẻ đẹp ở nơi khác mà quên mất làn điệu Then ở quê hương mình là một thực tế mà việc bảo tồn Then ở Thái Nguyên - nơi trung tâm vùng Việt Bắc đang gặp phải.
Còn theo Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Thị Bích Hồng, TP Thái Nguyên: "Then Định Hóa của mình cũng rất là đặc trưng, ở trong âm nhạc của đàn then thôi mà đánh khác hẳn... Không phải là giống Cao Bằng, Lạng Sơn khác mà Bắc Cạn cũng khác. Định Hóa rõ ràng là có khác nhưng mà các bạn chư cảm nhận được".
Những thực tế trên có thể coi là hệ quả của sự giao lưu, tiếp biến văn hóa trong đời sống. Do vậy, trong quá trình bảo tồn cần có nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể. Và khi bảo tồn sát với bản sắc nguyên gốc nhất không chỉ giúp chúng ta giữ được nền tảng căn bản của di sản mà còn có thể khai thác giá trị di sản Then vào các loại hình sáng tác mới, góp phần phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc trước yêu cầu của thời đại.
Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Thị Bích Hồng, TP Thái Nguyên: "Trách nhiệm của lớp trẻ cũng phải tiếp cận, chứ không dần dần Then sẽ mai một..." |
Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Thiện Thực, Trưởng khoa Múa, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc: "Phải khẳng định là giá trị của then ảnh hưởng rất là nhiều đối với nghệ thuật múa và sự đồng hành giữa múa và Then thì bao giờ cũng rất song hành với nhau, tôi mừng về điều đó. Bởi vì đó là sự gắn kết giá trị văn hóa, đặc biệt là giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên ở đây đặt ra là làm thế nào để cái giá trị truyền thống của Then nói riêng cũng như là múa trong Then hoặc là sự pha trộn giữa múa và Then có được giá trị của nó để tôn vinh cái giá trị truyền thống thì đấy l là một lĩnh vực khác. Tôi hy vọng một ngày gần đây giá trị đó sẽ được càng ngày nâng lên".
Nghệ sĩ Nguyễn Xuân Bách, Giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc chia sẻ thêm: "Theo tôi giải pháp để chúng ta thực hiện việc nhận diện then trong cộng đồng thì chúng ta cần phải tăng cường quảng bá, bởi vì hiện nay chúng ta trọng nhiều về quảng bá then mới chứ những trích đoạn thực hành nghi lễ then cổ thì chưa thấy có đưa lên truyền hình... Đấy là cái chúng ta cần phải quan tâm, quảng bá để cho cộng đồng và những người ngoài cộng đồng hiểu rõ hơn về di sản Then, đã tồn tại ở trong cộng đồng Tày - Nùng - Thái như thế này, và nên chăng những địa phương mà có hiện diện thực hành di sản then thì cần có những bài giảng đưa vào những bộ môn như là giáo dục lịch sử địa phương hoặc là văn học địa phương để cho các em học sinh, sinh viên nhận diện được".
Còn theo Nghệ nhân Nhân dân Hoàng Thị Bích Hồng, TP Thái Nguyên: "Bây giờ các cụ mất hết rồi, mình cũng phải truyền dạy thôi, tức là truyền dạy dần dần thì mọi người là cảm nhận được... Trách nhiệm của các lớp trẻ cũng phải tiếp cận, chứ không dần dần sẽ mai một, sẽ không còn then của Định Hóa, của Thái Nguyên nữa. Lớp trẻ bây giờ là phải khai thác, phải bảo tồn, phải học".
Sự tồn tại của di sản Then phụ thuộc vào thế hệ kế cận và hành động của chính thế hệ này. Vì thế, cách ứng xử với di sản văn hóa luôn cần 2 chữ tâm và tầm. Bảo tồn di sản Then không chỉ “nở cành xanh ngọn” tại nơi nó “đâm sâu bén rễ” mà vấn đề then chốt để bảo tồn và có thể phát triển Then chính là phải chú trọng đào tạo đội ngũ kế cận. Then sẽ chỉ thật sự trường tồn khi các thế hệ nghệ nhân và không gian văn hóa Tày, Nùng được bảo tồn bền vững./.