Nâng cao giá trị cây chè Định Hóa
Nông dân xã Trung Lương (Định Hóa) thu hái chè đông |
Gắn bó với nghề trồng chè gần 30 năm nay, thế nhưng chưa bao giờ chị Đặng Thị Tuất, thôn Vũ Quý, xã Sơn Phú (Định Hóa) lại thấy cây chè cho thu nhập ổn định như hiện nay. Chị Tuất chia sẻ: “Gia đình tôi có 1,4 mẫu chè, mỗi lứa thu hái được khoảng 1,5 tạ chè búp khô các loại. Với giá bán từ 220-250 nghìn/kg, mỗi năm cây chè đã mang lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng. Nhờ đó mà cuộc sống gia đình tôi ngày càng khấm khá hơn...”.
Ông Vũ Văn Quảng, Trưởng thôn Vũ Quý cho biết: Những năm trước, bà con trong thôn chủ yếu trồng giống chè trung du nên năng suất và giá trị kinh tế thấp, đời sống của người làm chè gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại chè lai cho năng suất cao. Hiện nay, thôn có 15ha chè các loại, trong đó trên trên 90% diện tích chè đã được thay thế bằng những giống chè mới có năng suất, chất lượng cao như: LDP1, PH1, Bát Tiên, TRI 777... Đặc biệt, từ năm 2015, huyện đã hỗ trợ người dân trong thôn xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn theo theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, 45/52 hộ làm chè trong xóm đều đã áp dụng phương pháp sản xuất chè an toàn với diện tích trên 10ha. Nhờ thực hiện tốt các quy trình từ trồng, chăm sóc đến thu hái, sao vò và lấy hương nên chất lượng và giá trị sản phẩm chè của người dân ngày càng được nâng lên. Nếu như trước đây, sản phẩm chè của người dân thôn Vũ Quý chỉ bán được 100-120 nghìn đồng/kg, thì nay, thương lái đến tận nhà người dân thu mua với giá từ 200.000-250.000 đồng/kg. Nhờ đó, nhiều hộ trong thôn đã vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá từ cây chè.
Xác định chè là một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện, những năm gần đây, huyện Định Hóa đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu giống, đưa những giống chè lai chất lượng cao vào sản xuất. Từ năm 2011 đến nay, huyện đã ban hành cơ chế hỗ trợ 50% giá giống cho người dân khi tiến hành chuyển đổi từ diện tích chè trung du sang trồng các giống chè lai. Riêng đối với hộ nghèo và cận nghèo, ngân sách huyện sẽ hỗ trợ 100% giá giống, tương đương khoảng 13,5 triệu đồng/ha. Nhờ chính sách hỗ trợ thiết thực đó, từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã trồng mới và trồng thay thế được trên 1.020ha chè (chiếm gần 40% tổng diện tích chè của huyện) với chủ yếu là các giống chè lai cho năng suất và giá trị kinh tế cao như: LDP1, PH1, TRI 777, Long Vân, Kim Tuyên, Thúy Ngọc… Các xã có diện tích chè lai lớn như: Bình Thành, Phú Đình, Sơn Phú, Điềm Mặc…Trong đó, chè Điềm Mặc là vùng chè đặc sản, ngon nổi tiếng của huyện.
Bên cạnh chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu giống cây chè, huyện còn tích cực tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc và chế biến chè, hỗ trợ chuyển giao ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất, chế biến, bảo quản chè như: máy tưới chè bằng van xoay, máy sao chè bằng gas, máy hút chân không... Nhờ đó, năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm chè trong vài năm trở lại đây đã được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 2011, một ha trồng chè cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng, thì nay đã tăng lên 115 triệu đồng. Trên địa bàn huyện đã hình 17 làng nghề chè đặc sản nổi tiếng, tiêu biểu như: Làng nghề chè thôn Vũ Quý, xã Sơn Phú; Làng nghề chè thôn Phù Ninh, xã Phú Đình; Làng nghề chè xóm Song Thái, xã Điềm Mặc...Việc phát triển làng nghề chè cùng chính sách hỗ trợ của huyện đã tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa, toàn huyện hiện có trên 2.530ha chè, tăng gần 200ha so với năm 2016; sản lượng chè búp tươi năm 2017 đạt gần 24.000 tấn, tăng 1.500 tấn so với năm 2016; Nếu như năm 2011, năng suất chè bình quân của huyện thường chỉ đạt 70-80tạ/ha thì nay đã đạt 112 tạ/ha, tương đương với năng suất chè bình quân của tỉnh. Có thể thấy, diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế của cây chè Định Hóa những năm gần đây đã có những bước phát triển rõ rệt nhờ những chính sách phát triển hợp lý của huyện. Tuy nhiên, việc nâng cao giá trị cây chè ở Định Hóa đang gặp không ít khó khăn do chưa hình thành được mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè. Hầu hết người dân làm chè trên địa bàn huyện vẫn phải tự mang sản phẩm ra chợ để bán chứ chưa có doanh nghiệp đứng ra thu mua, bao tiêu sản phẩm ổn định cho bàn con. Bên cạnh đó, khâu sản xuất, chế biến chè an toàn vẫn chưa được người dân thực sự quan tâm. Toàn huyện mới chỉ có 5 mô hình chè được trồng và chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích khoảng 16ha.
Ông Nguyễn Anh Tấn, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa cho biết: Để nâng cao giá trị kinh tế của cây chè, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu giống cây chè; khuyến khích người dân tăng cường áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cơ giới hóa trong thu hoạch, chế biến chè. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất chè an toàn chất lượng cao và tìm những giải pháp hỗ trợ bao tiêu sản phẩm chè cho nông dân...