kho khan trien khai day hoc truc tuyen tren dia ban vung cao
Em Ma Hồng Lê học bài trực tuyến tại nhà

Em Ma Hồng Lê hiện đang học lớp 9, trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Thượng Nung, Võ Nhai. Trong thời gian nhà trường cho nghỉ học để ngăn ngừa dịch Covid-19 lan rộng, Lê vẫn tích cực tham gia vào nhóm học trực tuyến của cô giáo tổ chức. Được gia đình tạo điều kiện, em cũng có thể tiếp cận kiến thức từ các chương trình dạy học từ xa trên truyền hình và Internet. Em Ma Hồng Lê chia sẻ: "Bố mẹ em có thể đáp ứng đầy đủ các điều kiện như có điện thoại di động thông minh, có máy tính, có đường truyền Internet ổn định, nhưng các bạn em có hoàn cảnh khó khăn hơn như không có điện thoại thông minh, cũng không có máy tính có kết nối Internet. Lớp em có 37 bạn nhưng chỉ có 8 bạn có thể đáp ứng tham gia học tập". Hồng Lê chỉ là một trong số rất ít học sinh ở xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai có điều kiện tham gia các chương trình dạy học từ xa.

kho khan trien khai day hoc truc tuyen tren dia ban vung cao
Em Nguyễn Thu Hà gặp nhiều khó khăn trong việc học tập trực tuyến

Còn đối với em Nguyễn Thu Hà, khi mà chiếc tivi đã cũ của gia đình luôn trong tình trạng lúc thì sóng chập chờn, lúc lại bị hỏng, thì việc học trực tuyến phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc điện thoại của mẹ. Em Nguyễn Thu Hà, lớp 9, trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Thượng Nung tâm sự: "Trong thời gian nghỉ dịch này, nhà em có điều kiện khó khăn, không có máy tính kết nối Internet, truyền hình không sử dụng được, điện thoại thì bố mẹ thường xuyên đem đi làm, nên em cũng không tiếp cận được nhiều với học trực tuyến".

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ, Sở và Phòng Giáo dục và Đào tạo Võ Nhai về dạy học từ xa, trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Thượng Nung đã triển khai cho giáo viên thực hiện việc dạy học trực tuyến thông qua phần mềm zoom, mạng xã hội zalo, facebook... Tuy nhiên, đến nay, trong số 164 học sinh của trường mới chỉ có hơn 20 em tham gia vào các nhóm học trực tuyến. Cô giáo Ma Thị Luyến, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Thượng Nung cho biết: "Ban đầu, chúng tôi thống kê có 7/164 học sinh có điện thoại, máy tính để học qua các phương tiện công nghệ thông tin, nhưng sau khi tuyên truyền tới phụ huynh học sinh ở các xóm, thì hiện nay toàn trường có 23/164 học sinh đăng ký vào các nhóm của các lớp học, lớp nhiều nhất có 7 em, lớp ít nhất có 1 em, thậm chí có lớp chưa có em nào đăng ký. Nhà trường cũng rất băn khoăn với thực tế này, việc dạy học trực tuyến của nhà trường rất khó khăn, đặc biệt là đối với học sinh cuối cấp".

kho khan trien khai day hoc truc tuyen tren dia ban vung cao
Võ Nhai là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn của tỉnh Thái Nguyên

Võ Nhai là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn của tỉnh Thái Nguyên, với địa thế mà đồi núi cao chiếm phần lớn diện tích, mạng Internet còn hạn chế, nhiều khu vực không có sóng điện thoại, sóng truyền hình không ổn định, phần lớn số học sinh là người dân tộc thiểu số...Đây chính là những rào cản khiến việc dạy học trực tuyến ở Võ Nhai thêm “khó chồng khó”. Tính đến nay, số học sinh tham gia học trực tuyến mới chỉ đạt tỷ lệ trên 37% ở cấp tiểu học và trên 40% ở cấp THCS. Bà Phan Thị Phương, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Võ Nhai thông tin: "Việc triển khai dạy học trực tuyến đối với một số trường của huyện gặp nhiều khó khăn như: một số giáo viên tuổi cao nên ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế; đồng thời, nhiều gia đình học sinh không có máy tính, không có điện thoại thông minh và không có mạng Internet, một số vùng chưa có sóng điện thoại, sóng 3G, 4G; việc triển khai từ xa chỉ thực hiện tốt nhất vào buổi tối vì ban ngày thì phụ huynh học sinh đi làm, tuy nhiên, dạy vào buổi tối gặp một số khó khăn như: thời lượng không nhiều, dễ bị nghẽn mạng".

Trong thời gian qua, bên cạnh việc dạy học trực tuyến, Võ Nhai đã triển khai thêm một số biện pháp khác như: giao bài qua mạng xã hội, giao bài thông qua trưởng xóm… để đảm bảo việc học cho học sinh không bị gián đoạn trong điều kiện toàn dân chung sức phòng, chống dịch bệnh Covid-19./.