Khi phát triển điện than là tất yếu, làm gì để bảo vệ môi trường?
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2020 tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW (chiếm 49,3% lượng điện sản xuất); Đến năm 2030 công suất nhiệt điện than đạt 55.300 MW (chiếm 53,2% điện sản xuất). Như vậy, nhu cầu điện ở Việt Nam sẽ tăng thêm 10%/năm trong giai đoạn từ 2010 -2030.
Điều đáng chú ý là nhiệt điện than sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng cao, trong khi các nguồn khác như thủy điện, nhiệt điện chạy bằng dầu, khí hóa lỏng không tăng, thậm chí còn giảm. Riêng năng lượng tái tạo và thủy điện nhỏ chỉ tăng ít và dự kiến đến năm 2030 chiếm khoảng 10%.
Nhiều nghi ngại về ô nhiễm môi trường từ nhiệt điện than. (Ảnh minh họa: KT) |
Cũng theo quy hoạch, đến năm 2020 ngành điện phải sử dụng 39 triệu tấn than nội địa, chủ yếu là than Hòn Gai (Quảng Ninh) với chất lượng không cao, song lượng than này không đáp ứng đủ nhu cầu nên dự kiến phải nhập khoảng 25 triệu tấn và tăng lên 85 triệu tấn vào năm 2030.
Sở dĩ Việt Nam phải duy trì và phát triển nguồn nhiệt điện than bởi tính an toàn của hệ thống điện quốc gia, đảm bảo đủ nguồn cung năng lượng cho một đất nước đang phát triển.
Tối ưu là tăng công suất điện than
Để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng gia tăng, Việt Nam đã lựa chọn phương án tối ưu nhất là tăng công suất điện than. Các chuyên gia ngành năng lượng đánh giá, với các nước đang phát triển như Việt Nam, việc phát triển nhiệt điện than vẫn sẽ luôn chiếm ưu thế, đặc biệt là trong bối cảnh thuỷ điện đã phát triển gần hết và các nguồn năng lượng khác khó đáp ứng vì khá đắt đỏ, đơn cử như dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã phải huỷ bỏ.
Nhiệt điện than vẫn là phương án hợp lý hơn cả do chi phí cho nguồn này thấp. Tuy nhiên, công nghệ nhiệt điện than cho tới thời điểm này vẫn đang là một bài toán khó đối với ngành điện hiện nay.
Mặc dù thời gian qua, các nhà máy nhiệt điện đã có những động thái để cải thiện công nghệ nhằm đảm bảo tác động ít đến môi trường, thế nhưng theo con số mà Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đưa ra, trong số 26 dự án đã và đang vận hành vẫn có nhiều nhà máy nhiện điện đang có những vi phạm đến môi trường, thậm chí một số nhà máy còn để xảy ra sự cố môi trường đáng tiếc...
Phải áp dụng công nghệ mới
Theo nhận định của lãnh đạo Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các nhà máy nhiệt điện than đều đối mặt với ba vấn đề chính về môi trường là khí thải bụi, chất thải rắn và nước làm mát. Trong các nhà máy này, dù đã có thiết bị lọc bụi tĩnh điện song vẫn phát sinh lượng khói bụi lớn, gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Các bãi xỉ thải cũng có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước mặt.
Điểm đáng chú ý là hiện nay, nhiều nhà máy nhiệt điện than có thông số hơi mới ở mức cận tới hạn, nhiều nhà máy đã hoạt động 40 -50 năm, sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu.
Theo ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm sáng tạo xanh (Green ID), hiện nay các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam có công nghệ cận tới hạn, do đó nếu vẫn tiếp tục “theo đuổi” các dự án nhiệt điện than, chúng ta phải xây dựng công nghệ tiên tiến hơn, siêu tới hạn hoặc trên siêu tới hạn mới có thể mong giảm phát thải, không làm ảnh hưởng đến môi trường.
“Nếu như phát triển nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh thì phải áp dụng các công nghệ mới, trong đó phải sử dụng các thông số siêu cao, trên siêu cao để hạn chế tối đa các phát thải độc hại ra môi trường như khí, rắn, nước”, ông Sính nhấn mạnh.
Trước thực tế này, ông Sính cho rằng, để đảm bảo phát triển năng lượng bền vững, Việt Nam cần hết sức quan tâm đến điều hành, quản lý, phát triển và khai thác hợp lý các nguồn năng lượng. “Mục tiêu quy hoạch điện VII vào năm 2020 Việt Nam đạt 265 tỷ kWh, và đến năm 2030 đạt 572 tỷ kWh. Với mức độ tăng trưởng cao, ngoài việc phát triển nhiệt điện than thì cần nâng công suất của các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo, vì đây chính là yếu tố vừa đảm bảo cung ứng điện vừa không phương hại đến môi trường”, ông Sính lưu ý.
Còn theo quan điểm của ông Tô Quốc Trụ, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học năng lượng, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, vấn đề rất đáng lưu ý hiện nay chính là phải làm thế nào để nâng, đưa tỷ lệ năng lượng tái tạo cao lên, điện năng phát ra cao hơn mới có thể hạn chế được bớt nhiệt điện than.
Nhiều chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, phát triển năng lượng bền vững đang là xu thế chung của toàn cầu. Do đó, việc ban hành quy định bắt buộc các nhà đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao và ít phát thải các chất gây ô nhiễm môi trường là việc làm vô cùng cần thiết, vừa đảm bảo nguồn cung điện dồi dào cho phát triển đất nước, vừa đảm bảo hệ sinh thái xanh, bền vững./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN