Giáo hội Phật giáo Thái Nguyên đồng hành cùng sự phát triển của xã hội
Với tinh thần "Dân tộc - Đạo pháp và Chủ nghĩa xã hội", Phật giáo Thái Nguyên trở thành 1 trong 4 tỉnh trên cả nước phát triển ổn định

Trong quá trình phát triển, Phật giáo đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Phật giáo càng phát triển và bén rễ sâu trong đời sống xã hội thì sự gắn bó dân tộc càng sâu sắc hơn. Sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981 chính là thành quả kết tinh hàng nghìn năm Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc và là kết quả tất yếu trong dòng chảy lịch sử Việt Nam.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đánh giá: “Tinh thần là Dân tộc - Đạo Pháp và Chủ nghĩa xã hội, trải qua 4 kỳ đại hội Phật giáo Thái Nguyên đã chứng tỏ là 1 trong 4 tỉnh có Phật giáo phát triển và phát triển ổn định”.

Kế thừa, kết tinh và phát huy những giá trị đặc biệt của Phật giáo, Phật giáo tỉnh Thái Nguyên trong nhiều năm qua đã có những bước chuyển biến không ngừng, đóng góp không nhỏ vào công tác an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xuân mới an vui đến mọi nhà, Xây dựng nhà đại đoàn kết, Xây dựng khu vệ sinh cho các trường học, hỗ trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng do lũ lụt năm 2020 và mới đây nhất là chương trình Hỗ trợ bà con vùng dịch COVID-19 đã trở thành điểm sáng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên trong suốt nhiệm kỳ qua.

Ông Đàm Quang Tuyến, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên khẳng định: “Có thể nói, Phật giáo Thái Nguyên là một tổ chức hoạt động rất hiệu quả. Đặc biệt là tham gia các chương trình phong trào thi đua yêu nước, an sinh xã hội, góp phần giúp tỉnh Thái Nguyễn giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn”.

Đại đức Thích Nguyên Thành, Ủy viên thường trực Hội đồng trị sự, Trưởng ban Trị sự giáo hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Thái Nguyên là mảnh đất thiêng liêng, giàu truyền thống. Chúng tôi rất tự hào được về mảnh đất Thái Nguyên để hành đạo. Trong hành đạo luôn xác định 2 vai. Một vai là chức sắc Phật giáo. Một vai là một công dân thật sự là tốt”.

Phát huy truyền thống yêu nước, “Hộ quốc an dân”, tinh thần hòa hợp, giá trị nhân văn, “tốt đời, đẹp đạo”, cùng toàn dân đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết Đại hội lần thứ XX của Đảng bộ tỉnh đi vào cuộc sống. Đồng thời chuẩn bị tốt về mọi mặt để tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX trong năm 2022, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, qua đó thực hành giáo lý của Đức Phật trong cuộc sống vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.