Gắn mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới
Đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra Vùng quy hoạch rau an toàn tại thị xã Phổ Yên |
Trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên cũng xác định XDNTM chỉ thành công và bền vững khi thực hiện tốt Đề án TCC ngành Nông nghiệp, với mục tiêu cốt lõi là sản xuất và thu nhập của người dân được nâng cao; xây dựng cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ... Sản xuất nông nghiệp (NN) của tỉnh không ngừng phát triển, năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi không ngừng tăng cao. Tuy vậy, sản xuất NN của tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, bình quân diện tích đất nông nghiệp của mỗi hộ gia đình chỉ khoảng 0,2ha, không liền khu, liền mảnh nên khó áp dụng cơ giới hóa; ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) cao vào sản xuất, thu hoạch, chế biến chậm phát triển. Cùng với đó là việc sản xuất hàng hóa tập trung kém phát triển; giá đầu ra sản phẩm không ổn định, sản phẩm thương hiệu còn ít; chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh sản phẩm còn thấp. Vai trò chủ thể của người nông dân chưa được phát huy đầy đủ, chậm tạo ra những chuyển biến, toàn diện; thu nhập và đời sống của người sản xuất NN chưa cao…
Để khắc phục tồn tại, hạn chế trên, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo ngành NN & PTNT, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng Đề án TCCNN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Đề án phát triển NN ứng dụng công nghệ công nghệ cao; Đề án thành lập khu NN ứng dụng công nghệ cao tại T.X Phổ Yên, quy mô diện tích 154,36 ha, với mục tiêu tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển sản xuất NN, tạo liên kết chuỗi giá trị và sản phẩm từ sản xuất đến chế biến tiêu thụ sản phẩm.
Cụm từ “Tái cơ cấu nông nghiệp” có thể hiểu đó là: “Quá trình tiếp tục phát triển NN gắn với bố trí, sắp xếp lại các chuyên ngành sản xuất theo nguyên tắc sử dụng tối đa lợi thế so sánh và sử dụng tối ưu các nguồn lực đầu vào để tạo ra hiệu quả kinh tế, năng lực cạnh cao hơn, bền vững hơn cho toàn ngành. Đồng thời, đó là quá trình phát triển gắn với thay đổi quy mô sản xuất của các chuyên ngành nhằm tạo ra các nông sản phẩm có chất lượng và giá trị cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước, nâng cao thu nhập cho nông dân và đảm bảo tính bền vững”.
Vùng chè sông Cầu, Đồng Hỷ (Thái Nguyên) |
Do đó, việc TCC ngành NN của tỉnh Thái Nguyên trên cơ sở quan điểm là một phần của TCC nền kinh tế, phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh; gắn với XDNTM bền vững. Bởi vậy, quy hoạch, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung trong TCC phải phù hợp, thống nhất với quy hoạch chung và quy hoạch phát triển sản xuất trong XDNTM. Thực hiện TCCNN phù hợp theo cơ chế thị trường, vừa phải đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng; nâng cao chất lượng, hiệu quả. Có cơ chế hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho sự tham gia của các thành phần kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia thực hiện TCC. Nội dung, giải pháp thực hiện TCCNN căn cứ tiềm năng thế mạnh, các địa phương chủ động phát huy mọi nguồn lực, lựa chọn nội dung để từng bước tăng thu nhập cho người sản xuất NN. Trong quá trình thực hiện cần được đánh giá, điều chỉnh để phù hợp với thực tế.
Từ những định hướng cơ bản trên, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung khai thác và tận dụng tiềm năng, lợi thế trong NN; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại, khu nông nghiệp công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết nối sản xuất NN với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, với chuỗi giá trị đối với các sản phẩm có lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, duy trì quy mô và phương thức sản xuất đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, địa phương đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm có nhu cầu nội địa lớn... Trong những sản phẩm có thế mạnh của Thái Nguyên phải kể đến chè - cây trồng và sản phẩm chủ lực nông nghiệp của địa phương. Đối với TCC cây chè, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, áp dụng quy trình VietGap hoặc Gap khác, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến chè cũng như sử dụng giống mới để trồng mới, trồng lại chè. Phấn đấu, đến năm 2020 trồng mới, trồng lại thêm 5.000 ha, nâng diện tích chè giống mới đạt 18.000 ha; có 16.800 ha chè (80% diện tích chè kinh doanh) đủ điều kiện chứng nhận sản xuất an toàn. Hình thành vùng sản xuất chè an toàn, tập trung quy mô lớn, trọng điểm ở các huyện (Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ, Định hóa), TX. Phổ Yên, TP. Sông Công; sản xuất sản phẩm chè xanh, chè xanh chất lượng cao khoảng 80% trở lên...
Đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh và đơn vị tài trợ trong buổi trao bê giống sinh sản cho một số hộ nghèo của 3 huyện (Võ Nhai, Định Hóa, Phú Bình) |
Từ chủ trương gắn TCC ngành NN với thực hiện Chương trình XDNTM, Thái Nguyên đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tính đến hết năm 2016, toàn tỉnh đã có 56 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 16 xã so với năm 2015. Các xã còn lại đều tăng từ 2 tiêu chí trở lên. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện việc tích tụ ruộng đất triển khai một số dự án như: Xây dựng vùng sản xuất lúa tập trung theo mô hình cánh đồng lớn, vùng sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao và nhiều dự án phát triển chăn nuôi trang trại tập trung quy mô lớn, sử dụng hàng trăm ha đất trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, Thái Nguyên tiếp tục xác định TCCNN là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và muốn thực hiện thành công phải gắn kết chặt chẽ với Chương trình XDNTM, phải tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành và vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Sự nỗ lực của các thành phần kinh tế và hộ nông dân với các chính sách hỗ trợ cụ thể, đặc biệt cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào các khâu, từ kỹ năng canh tác, chăm sóc, nuôi trồng đến thu hoạch, bảo quản, chế biến… Từ đó giúp người nông dân khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, phát triển bền vững từ nông nghiệp.