EU cần thêm sự đảm bảo an ninh năng lượng từ phía Nga
Ukraine hôm nay (26/6) hối thúc Liên minh Châu Âu (EU) tìm kiếm thêm sự đảm bảo an ninh năng lượng từ phía Nga trước khi đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 được xây dựng, đồng thời cảnh báo dự án này có thể khiến EU bị lệ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga.
Trong khuôn khổ dự án Nord Stream 2, Nga dự kiến xây dựng hai đường ống dẫn khí đốt có công suất hằng năm tổng cộng là 55 tỉ mét khối. (Ảnh minh họa: Sputnik) |
Phát biểu với báo chí tại thủ đô Paris sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko với Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho biết: “Chúng tôi cho rằng toàn bộ dự án không xuất phát từ bất cứ nền tảng kinh tế nào. Nó sẽ gây ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của Liên minh Châu Âu, khiến EU phụ thuộc vào chỉ một nguồn cung duy nhất.
Ý tưởng về đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 chẳng đi đến đâu và cũng không giúp giải quyết vấn đề năng lượng của EU, không có lợi cả về kinh tế lẫn chính trị. Một số công ty của Đức có thể được hưởng lợi trước mắt song về lâu dài sẽ không thu được gì”.
Trong khuôn khổ dự án Nord Stream 2, Nga dự kiến xây dựng hai đường ống dẫn khí đốt có công suất hằng năm tổng cộng là 55 tỉ mét khối. Tuyến đường ống này sẽ được đặt dọc với tuyến đường ống Nord Stream 2 đầu tiên, bắt đầu từ bờ biển Nga, sau đó qua biển Baltic để cung cấp khí đốt trực tiếp cho Đức.
Do đường ống dẫn khí không đi qua phần đất liền của EU, nên nó sẽ không phải tuân theo tất cả các quy định của thị trường nội bộ EU dưới khuôn khổ Gói Năng lượng Thứ Ba.
Kế hoạch này đã gây chia rẽ trong nội bộ Liên minh Châu Âu. Các nước thành viên ở khu vực Đông Âu và Baltic lo sợ việc xây dựng Nord Stream 2 sẽ khiến EU gia tăng sự phục thuộc vào Nga, trong khi Đức và nhiều quốc gia khác ở Bắc Âu lại ủng hộ.
Tháng 3 vừa qua, Ủy ban Châu Âu đã chính thức tuyên bố từ bỏ sự phản đối của mình đối với Nord Stream 2, kết thúc những tranh cãi kéo dài về dự án. Động thái này của Ủy ban châu Âu đã đưa đến chiến thắng thuyết phục của Nga trong cuộc đấu tranh để đảm bảo vị thế của nước này là nhà cung cấp khí đốt chính của Châu Âu trong khi vẫn kiểm soát các nguồn năng lượng của mình./.