Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV
Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri |
Tại buổi tiếp xúc, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thông tin nhanh về chương trình Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Theo đó, dự kiến kỳ họp sẽ diễn ra trong 26 ngày, từ 20/5 đến 14/6. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến vào một số vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước. Tại buổi tiếp xúc, đã có 10 lượt cử tri của xã Tân Long, với gần 30 ý kiến, kiến nghị được gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề như: đề nghị nâng cao mức hỗ trợ theo Chương trình 135 cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tăng mức hỗ trợ cho học sinh bán trú vùng dân tộc thiểu số; cần có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là ở lĩnh vực đất đai; cần có cơ chế, chính sách thu hút đối với đội ngũ nhân lực ngành y tế ở tuyến xã; giải pháp đối với vấn đề ô nhiễm môi trường do khai thác khoáng sản trên địa bàn xã; chính sách đối với đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cơ sở;... Các cử tri cũng đề nghị Quốc hội cần giám sát chặt chẽ hơn nữa kết quả thực hiện những cam kết của người được chất vấn đã trả lời cử tri tại các kỳ họp trước, đồng thời có các biện pháp giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em; vấn đề bạo lực học đường và sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông cùng một số nội dung khác.
Một số ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được Đoàn đại biểu Quốc hội và lãnh đạo địa phương tiếp thu, giải trình, làm rõ ngay tại buổi tiếp xúc. Những ý kiến còn lại được Đoàn tiếp thu, tổng hợp, gửi đến các cơ quan liên quan vào kỳ họp tới của Quốc hội.
* Ngày 6/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri, đối thoại với Ngành Giáo dục và đào tạo. Dự hội nghị có đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, huyện, thành, thị và đông đảo cử tri ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri đã được nghe thông tin về dự kiến nội dung, chương trình của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV. Hội nghị cũng dành thời gian nghe lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo nhanh tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành từ năm 2015 đến nay và tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri ngành Giáo dục quan tâm gửi đến lãnh đạo tỉnh. Theo đó, những năm qua, công tác phát triển giáo dục và đào tạo luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của Trung ương và các cấp ngành trong tỉnh. Việc đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và hỗ trợ chế độ, chính sách cho giáo viên và học sinh được tăng cường. Tổng chi ngân sách hằng năm của tỉnh cho giáo dục và đào tạo đều cao hơn 20% theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và yêu cầu của Chính phủ. Đối với nội dung đối thoại, đã có 33 ý kiến, kiến nghị cử tri quan tâm được tổng hợp bằng văn bản gửi trước đến UBND tỉnh và 5 ý kiến trực tiếp tại hội trường đều tập trung vào các nhóm vấn đề liên quan đến phát triển giáo dục và đào tạo.
Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời thẳng vào những vấn đề cử tri quan tâm theo từng nhóm chủ đề, đảm bảo chặt chẽ về nội dung, đúng quy định, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc tổ chức đối thoại với cử tri ngành Giáo dục và đạo tạo là cơ hội để lãnh đạo tỉnh tiếp thu ý kiến, giải trình trực tiếp và có chỉ đạo kịp thời nhằm giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai các Nghị quyết của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đồng chí khẳng định, sự nghiệp giáo dục và đào tạo cần được ưu tiên và có chính sách phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.
Cũng tại hội nghị, thông qua Đoàn đại biểu Quốc hội, ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh cũng đề xuất, kiến nghị lên Quốc hội các nội dung như: đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung khái niệm “nhà giáo” trong Luật Giáo dục năm 2015 và Luật sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục theo hướng mở rộng; Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ củ nhà giáo.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã tiếp thu ý kiến, kiến nghị và trao đổi làm rõ thêm những nội dung thuộc thẩm quyền mà các cử tri quan tâm. Đối với 38 ý kiến, kiến nghị của cử tri quan tâm gửi đến lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, đồng chí yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan trả lời làm rõ bằng văn bản tới cử tri trước ngày 15/5. Những nội dung nào cần phải có thời gian nhất định để giải quyết mới xong thì cũng phải nêu rõ thời gian chậm nhất để cử tri biết, theo dõi.
Ngoài 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển giáo dục và đào tạo của ngành đã nêu, thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng và cả hệ thống chính trị trong tỉnh thực hiện tốt 8 nội dung trọng tâm để đinh hướng xây dựng, phát triển giáo dục và đào tạo xứng tầm, phù hợp với yêu cầu đặt ra.
Theo kế hoạch, sau các hội nghị đối thoại, tiếp xúc cử tri với Doanh nghiệp, ngành Y tế, lực lượng vũ trang, ngành Giáo dục và đào tạo…, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục xây dựng chương trình đối với các lĩnh vực đang được nhiều cử tri quan tâm. Qua đó nhằm giải quyết các tồn tại, hạn chế tạo sức bật cho sự phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh./.