Sau 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nhiều vùng quê trên mảnh đất “Đệ nhất danh trà” đã đổi thay rõ rệt, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Với các giải pháp căn cơ, đồng bộ, sáng tạo, Thái Nguyên sẽ phấn đấu để trở thành điểm sáng xây dựng NTM của cả nước.

Phóng viên Thainguyentv.vn đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Nho Hưởng – Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh Thái Nguyên về những kết quả cũng như tồn tại trong xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên thời gian qua.

dien mao nong thon moi tren manh dat de nhat danh tra
Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đạt kết quả đáng ghi nhận

Phóng viên: Xin cảm ơn ông Trần Nho Hưởng đã nhận lời phỏng vấn của phóng viên Thainguyentv.vn. Thưa ông Hưởng, ông có thể đánh giá những kết quả trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2018 ?

Ông Trần Nho Hưởng: Năm 2018, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của Tỉnh uỷ đó là: “Xây dựng NTM là nhiệm vụ trung tâm, bao trùm”, do vậy đã sớm cụ thể hoá các mục tiêu gắn với nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp để tổ chức thực hiện. Đối với cấp tỉnh, sau khi phê duyệt danh sách xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2018, UBND tỉnh đã có quyết định phân bổ vốn ngân sách Trung ương, vốn ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM và hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn năm 2018; ban hành Kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ xây dựng NTM các cấp và cán bộ xóm thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2018-2020, Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến 2025”, hướng dẫn trình tự, thủ tục, hồ sơ xét công nhận đạt xóm NTM kiểu mẫu, hộ gia đình NTM tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020, Quyết định điều chỉnh một số nội dung trong Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2017-2020;

dien mao nong thon moi tren manh dat de nhat danh tra
Nhiều tuyến đường giao thông liên xóm, xã trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng từ chương trình NTM

Phóng viên: Những kết quả nổi bật đó là gì, thưa ông?

Ông Trần Nho Hưởng: Vâng, với sự vào cuộc, chỉ đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân đã tạo nên một bức tranh NTM hết sức tươi sáng. Cụ thể:

- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về kết quả thực hiện Chương trình tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là giới thiệu về những cách làm sáng tạo, hiệu quả, điển hình người tốt, việc tốt; cấp phát pa nô, áp phích, kẹp file để phục vụ công tác tuyên truyền tại các địa phương; phát hành Bản tin NTM, duy trì hoạt động Trang thông tin điện tử NTM Thái Nguyên, qua đó góp phần giới thiệu những thành tựu tiêu biểu trong xây dựng NTM, thúc đẩy phong trào thi đua Thái Nguyên chung sức xây dựng NTM đạt hiệu quả thiết thực.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các lớp đào tạo, tập huấn các nội dung về xây dựng NTM năm 2018, cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng các bài giảng, đã tổ chức cho học viên đi học tập kinh nghiệm tại các địa phương thực hiện tốt, để bổ sung thêm kiến thức thực tiễn, giúp cho công tác tham mưu, triển khai thực hiện đạt hiệu quả theo mục tiêu đã đề ra.

- Quan tâm hỗ trợ nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn. Ngay từ đầu năm 2018, các xã chủ động bố trí các nguồn vốn được giao kế hoạch, huy động vốn đối ứng của nhân dân để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, như: đường giao thông, kênh mương, hệ thống điện, nhà văn hoá và khu thể thao xã, xóm, điểm thu gom rác thải,...tạo điều kiện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là hoàn thành tiêu chí đối với các xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2018.

- Chú trọng định hướng, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Tổng nguồn vốn bố trí hỗ trợ các nội dung về phát triển sản xuất trong xây dựng NTM năm 2018 là 46.669 triệu đồng (gồm: 13.830 triệu đồng từ nguồn sự nghiệp Trung ương phân bổ; 8.298 triệu đồng hỗ trợ đào tạo nghề lao động nông thôn, bồi dưỡng nguồn nhân lực phát triển HTX, hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn; 16.366 tấn xi măng hỗ trợ xây dựng kênh mương nội đồng, hạ tầng khu phát triển sản xuất. Phối hợp với các địa phương hướng dẫn các hợp tác xã tiến hành chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện dồn điền, đổi thửa, thiết kế lại hệ thống giao thông, thủy lợi, chuẩn bị điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.

dien mao nong thon moi tren manh dat de nhat danh tra
Cũng từ chương trình xây dựng NTM, thu nhập của bà con nông dân được nâng cao nhờ các mô hình sản xuất kinh tế, tổ Hợp tác, HTX...

- Thực hiện tốt các nội dung về giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường. Duy trì và nâng cao chất lượng các chương trình phổ cập giáo dục, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, trung cấp). Cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực của hệ thống y tế cơ sở được tăng cường, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa. Triển khai thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình tự quản về vệ sinh môi trường; hỗ trợ các xã về phương tiện, trang thiết bị phục vụ vệ sinh môi trường.

- Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ làm công tác chuyên môn ở cơ sở, đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

- Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội. Chủ động đấu tranh ngăn chặn các âm mưu, hoạt động chống phá, giữ vững ổn định chính trị, an ninh nông thôn.

- Kết quả thực hiện tiêu chí xây dựng NTM:

+ Thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

+ Dự kiến năm 2018, tỉnh Thái Nguyên có 19 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (Kế hoạch đầu năm 2018 là 11 xã), nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn toàn tỉnh là 87 xã, đạt tỷ lệ 60,8%.

Phóng viên: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Ông có thể chia sẻ những khó khăn trong triển khai thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2018-2020 nói chung, nhất là đối với xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2018 ?

Ông Trần Nho Hưởng: So với 68 xã đã công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011-2017, thì xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2018-2020 và các xã khác có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hơn rất nhiều, nên phải huy động từ nhiều nguồn lực trong xã hội, nhất là nhà nước có mức hỗ trợ cao hơn từ ngân sách cho các công trình hạ tầng nông thôn khó huy động được vốn đối ứng của người dân (đường trục xã, nhà văn hóa và khu thể thao xã,...); hợp tác xã, doanh nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn phát triển chậm, hoạt động còn mang tính hình thức, quy mô nhỏ, chưa hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm; cảnh quan môi trường nông thôn chưa thật sự xanh - sạch - đẹp;...Đó là những khó khăn đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Chương trình.

Để giải quyết những vấn đề nêu trên, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện các giải pháp đó là:

- Giao vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các địa phương, do vậy địa phương có sự chủ động trong cấn đối, bố trí nguồn lực để thực hiện các mục tiêu theo kế hoạch. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, đã cân đối, bố trí ngân sách tỉnh để hỗ trợ cho các địa phương, đồng thời tăng tỷ lệ hỗ trợ cho các công trình áp dụng theo mức độ khó khăn của từng khu vực (xã khu vực III tối đa 95%, xã khu vực II tối đa 90%, xã khu vực I tối đa 85%). Năm 2018, tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ xi măng với tổng khối lượng 100.000 tấn để xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh mương, trong đó ưu tiên hỗ trợ các xã đăng ký đạt chuẩn NTM.

- Hỗ trợ kinh phí, xi măng cho một số đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã,...thực hiện các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết (mua máy móc, phân bón, vật tư, cây con giống; xây dựng trang Web để quảng bá, giới thiệu sản phẩm; đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; xây dựng kênh mương nội đồng, hạ tầng khu phát triển sản xuất), xuất phát từ những mô hình cụ thể này để định hướng phát triển nhân rộng. Hướng dẫn các hợp tác xã tiến hành chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

- Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên thực hiện vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường nông thôn, như: hội viên phụ nữ là lực lượng nòng cốt thực hiện vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, xây dựng các tuyến đường hoa; đoàn thanh niên triển khai lắp đặt các bể thu gom thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng tuyến đường thắp sáng làng quê;...

Phóng viên: Vậy, những định hướng xây dựng xóm, xã NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thời gian tới là gì? Thưa Ông?

Ông Trần Nho Hưởng: Những định hướng trong xây dựng xóm, xã NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thời gian tới là

- Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, khai thác tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, chỉnh trang các công trình hạ tầng tại các xóm nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới kiểu mẫu nhất là về: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường; nhân rộng mô hình vườn mẫu, tuyến đường hoa,...tạo điểm nhấn diện mạo nông thôn xanh - sạch - đẹp - văn minh.

- Hướng dẫn cộng đồng dân cư lựa chọn, tập trung phát triển một số sản phẩm chủ lực phù hợp với điều kiện địa phương đã mang lại hiệu quả cao, có tính nhân rộng, đồng thời gắn với chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất bao gồm cả nông nghiệp công nghệ cao.

- Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; hướng dẫn người dân chủ động phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình; từng bước xử lý vấn đề rác thải, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi; khắc phục ô nhiễm, làm đẹp cảnh quan công cộng.

- Xây dựng quy chế và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các thiết chế văn hóa, thể thao, tạo môi trường sống văn hóa, văn minh ở nông thôn. Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân an tâm sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.

- Trong quá trình tổ chức thực hiện các cấp chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp để tuyên truyền, vận động xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó tình làng nghĩa xóm, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Ông!