Năm 2018, Hà Nội quyết tâm có thêm 2 huyện đạt chuẩn
Dấu ấn ở những xã điểm
Những ngày này, nếu có dịp đến xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng), hẳn nhiều người sẽ bất ngờ khi thấy một vùng nông thôn mà tất cả các tuyến đường đều được đặt tên, các ngôi nhà cũng được đánh số, chẳng khác nào ở thành phố. Đặc biệt, các tuyến đường đều được trồng nhiều loại hoa trang trí, với những nơi quá hẹp không đủ diện tích trồng hoa, chính quyền địa phương đã khảo sát, vận động nhân dân vẽ tranh tường, tạo cảnh quan khang trang, sạch đẹp.
Từ năm 2016, huyện Phú Xuyên bắt đầu thí điểm xây dựng các đường hoa mười giờ tại các xã Nam Triều, Tri Trung. Ảnh: Bá Hoạt |
Ông Nguyễn Huy Đăng cho biết, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU đến hết năm 2017 đạt trên 17.110 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố chiếm hơn 7.570 tỷ, chiếm 44,2%, ngân sách huyện hơn 7.400 tỷ… Vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước đạt 726,5 tỷ đồng, chiếm 8,1%,
Bà Nguyễn Thị Kim Cúc - Bí thư Đảng ủy xã Đan Phượng cho biết, đường làng ngõ xóm ở Đan Phượng có sự đổi thay mới mẻ này từ khi địa phương triển khai xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Để quê hương ngày càng văn minh, đời sống người dân được nâng cao, xã đã rà soát, điều chỉnh, quản lý quy hoạch, nâng cấp các tiêu chí, phấn đấu cuối năm 2018 sẽ đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu.
Là một trong những xã được công nhận đạt chuẩn NTM của huyện Thanh Trì năm 2014, 100% con đường thuộc xã Yên Mỹ hiện đã được bê tông hóa. Hai bên đường, bà con tích cực trồng những vạt hoa mười giờ, cánh bướm, hoa hồng…, góp phần tạo nên bức tranh nông thôn tươi tắn, rực rỡ.
Ông Trần Quang Khánh - Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ chia sẻ: “Xã bắt đầu thực hiện chủ trương làm đẹp các tuyến đường từ năm 2014 bằng việc tuyên truyền, vận động người dân và các đoàn thể cùng tham gia. Với sự vào cuộc của Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên, đa số người dân đều nhiệt tình ủng hộ, nhà có hoa góp hoa, nhà đông người thì đóng góp công sức. Ban đầu chúng tôi triển khai ở thôn 2 và thôn 3, chỉ sau 1 thời gian ngắn, mô hình đã được nhân rộng ra toàn xã, giúp quê hương tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp”.
Một đoạn đường Hủng, thuộc thôn Đông Khê (xã Đan Phượng, Đan Phượng, Hà Nội) được trang trí bằng những bức tranh sinh động. Ảnh: I.T |
Đánh giá về cách làm của các địa phương, tại hội nghị giao ban quý IV.2017 của Ban chỉ đạo (BCĐ) Chương trình số 02-CTr/TU về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" của Thành ủy Hà Nội tổ chức mới đây, bà Ngô Thị Thanh Hằng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng BCĐ cho biết: “Đi thăm nhiều địa phương, chúng tôi rất ấn tượng trước sự sáng tạo, nhiệt tình của bà con khi không chỉ chăm chút, đầu tư làm đẹp cho ngôi nhà của mình mà còn làm đẹp cho mỗi tuyến đường, giúp môi trường sống được nâng cao”.
Càng đạt chuẩn, càng không được lơ là, chủ quan
Về việc thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội, tại hội nghị giao ban trên, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết, năm 2017, TP.Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận thêm 2 huyện đạt chuẩn NTM. Như vậy, đến nay Thủ đô đã có 4 huyện đạt chuẩn NTM, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức.
Tính đến hết năm 2016, Hà Nội có 255/386 xã (chiếm 66,06%) được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn NTM. Sắp tới, thành phố sẽ có thêm 39 xã đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định xét công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2017.
Người dân xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng, Hà Nội) trang trí bức tường nhà những bức tranh sinh động, thay cho các số điện thoại quảng cáo chi chít, nham nhở trước đây. Ảnh: N.H |
"Năm 2018, Hà Nội phấn đấu số xã đạt chuẩn NTM tăng thêm 26 xã. Đến nay cũng đã có 4 huyện đăng ký đạt chuẩn NTM. Điều này là rất đáng hoan nghênh, nhưng chúng ta cũng vẫn đặt chỉ tiêu 2 huyện đạt chuẩn NTM để làm chắc, không nên nóng vội. Đối với những huyện, xã về sau, việc xây dựng NTM càng khó khăn hơn nên phải cố gắng gấp đôi so với trước, phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết cả về nguồn lực, triển khai để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu”.
Bà Ngô Thị Thanh Hằng
Những năm gần đây, đời sống nông dân khu vực nông thôn ở Thủ đô không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2017 đạt 38 triệu đồng/người/năm. Trong đó, một số địa phương có thu nhập cao vượt trội như: Thạch Thất 52 triệu đồng/người/năm, Đông Anh 47 triệu đồng/người năm, Hoài Đức 42,5 triệu đồng/người/năm, Gia Lâm 41,2 triệu đồng/người/năm... Đa số các hộ gia đình đã có nhà kiên cố, khang trang, có tivi, xe máy, điện thoại sử dụng...
Ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội cho biết thêm, trong năm 2017, ngành NNPTNT của thành phố cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, nông nghiệp tăng trưởng ổn định, công tác xây dựng NTM đạt được nhiều thành tích... Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc tích cực từ phía các sở, ban ngành các quận huyện của thành phố, đặc biệt nhiều tổ chức hội, đoàn thể cũng có những đóng góp cụ thể cho xây dựng NTM.
“Sang năm 2018, các huyện, thị xã cần tập trung phát triển hơn nữa nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng xây dựng các vùng nông sản hàng hóa. Trong phát triển nông nghiệp chú trọng cây trồng hữu cơ, tạo ra nông sản sạch để nâng cao thu nhập và sản xuất bền vững” – ông Sửu cho biết.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng BCĐ Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các đơn vị cần tích cực công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường triển khai công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm một cách bền vững cho lao động nông thôn.
“Trong việc thực hiện 19 tiêu chí, có những tiêu chí cần nhiều nguồn lực để thực hiện, tuy nhiên, có những tiêu chí không phải sử dụng nguồn kinh phí lớn. Những tiêu chí này các đơn vị không được lơ là mà phải cương quyết thực hiện sớm và đúng theo quy định. Như tiêu chí về xây dựng hệ thống chính trị, các đơn vị cần kiện toàn bộ máy, gắn việc quản lý cán bộ với triển khai tốt Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng..., lấy công tác cán bộ là nền tảng quan trọng trong xây dựng NTM" – bà Hằng nhấn mạnh.