Các sự kiện thế giới trong tuần qua đăng tải trên Thainguyentv.vn được dư luận quan tâm như: Mỹ: 2 máy bay va chạm ở sân bay, nhiều người có thể đã tử vong; Đức: Phát hiện quả bom 500kg ở Berlin, hàng nghìn người phải sơ tán; Chuyến tàu đầu tiên chở ngũ cốc Ukraine đang đến gần Syria...

- Giới chức trách Mỹ cho biết nhiều người được cho là đã thiệt mạng sau khi hai máy bay va chạm lúc đang tìm cách hạ cánh tại sân bay Watsonville.

Mỹ: 2 máy bay va chạm ở sân bay, nhiều người có thể đã tử vong
Hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: AP)

Vụ việc xảy ra vào khoảng 14h56 (21h56 GMT, tức 4h56 sáng 19/8 theo giờ Việt Nam) tại sân bay Watsonville và nhiều đơn vị chức năng có mặt tại hiện trường vào khoảng 5h37' sáng 19/8 theo giờ Việt Nam.

Trước đó, chính quyền địa phương ngày 16/8 cho biết một chiếc máy bay nhỏ đã lao xuống hồ nằm giữa ranh giới bang Arizona và bang Utah của Mỹ, khiến 2 người thiệt mạng và 5 người khác bị thương.

Cảnh sát trưởng hạt Kane, bang Utah cho biết các nhân chứng nói rằng họ đã nhìn thấy chiếc máy bay lao xuống hồ Powell gần hẻm núi Face lúc gần 17 giờ 30 ngày 13/8. 6 hành khách trên chiếc máy bay xấu số là khách du lịch người Pháp.

Các quan chức Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho biết phi công của chiếc Cessna 207 đã báo cáo sự cố động cơ trước khi máy bay gặp nạn.

Xác máy bay hiện nằm sâu dưới mặt nước 37m và các thợ lặn của Sở An toàn Công cộng bang Utah đang cố gắng vớt các thi thể. Tên của những người thiệt mạng và bị thương vẫn chưa được công bố.

3 hành khách bị thương nặng đã được đưa tới Bệnh viện Khu vực St. George bằng máy bay, trong khi 2 người bị thương nhẹ được vận chuyển bằng thuyền đến đảo Antelope Marina và sau đó được đưa đến Bệnh viện thị trấn Page.

- Khoảng 12.000 người dân được đưa tới nơi an toàn khi các chuyên gia tới hiện trường để tháo rời 2 kíp nổ và chuyển quả bom tới Bãi nổ trong rừng Grunewald.

Đức: Phát hiện quả bom 500kg ở Berlin, hàng nghìn người phải sơ tán
Cảnh sát phong tỏa đường Hauptstraße trước Nhà ga Ostkreuz.

Trong khi thi công tại một công trình xây dựng thuộc quận Friedrichshain-Kreuzberg ở phía Đông Berlin, trưa 18/8 (giờ địa phương), các công nhân đã phát hiện trong lòng đất một quả bom còn sót lại từ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Giới chức đã tiến hành phong tỏa khu vực trong bán kính 500m và hàng nghìn người được sơ tán để lực lượng chức năng tháo ngòi nổ quả bom.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, việc phát hiện quả bom nặng 500kg tại một công trường gần ngã tư Persiusstraße/Bödikerstraße đã khiến một khu vực rộng lớn bị phong tỏa, gây ùn tắc và ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông đi lại trong khu vực, trong đó có trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin.

Nhà ga Ostkreuz gần đó cũng bị phong tỏa, trong khi các tàu điện S3, S41, S42, S5, S7 và S8 chỉ chạy thẳng không dừng, thậm chí một số chuyến ngừng hoạt động.

Một số cơ sở chăm sóc trẻ trong khu vực cũng được lập tức sơ tán và khoảng 12.000 người dân được đưa tới nơi an toàn khi các chuyên gia tới hiện trường để tháo rời 2 kíp nổ và chuyển quả bom tới Bãi nổ trong rừng Grunewald.

Việc vô hiệu hóa quả bom được tiến hành vào tối 18/8 và đến nửa đêm mới hoàn tất. Trong thời gian này không một tàu nào được chạy qua nhà ga Ostkreuz.

Việc thay thế các tuyến tàu bằng xe buýt cũng không thể thực hiện do cả khu vực bị phong tỏa. Khoảng 250 cảnh sát đã được triển khai để đảm bảo cho khu vực bị phong tỏa.

Do hậu quả của chiến tranh, Đức thường xuyên phát hiện các quả bom có kích thước lớn còn sót lại từ thời chiến ẩn dưới lòng đất. Lực lượng chức năng Đức đã có kinh nghiệm trong việc vô hiệu hóa các quả bom này.

Tuy nhiên mỗi khi phát hiện bom, để thực hiện vô hiệu hóa chúng, hàng nghìn người dân lại phải đi sơ tán và tình trạng ùn tắc đường sá kéo dài cũng xuất hiện, nhất là trong khu vực đô thị, do khu vực bị phong tỏa thông thường nằm trong bán kính khoảng 500m./.

- Tàu Razoni mang cờ Sierra Leone chở hơn 26.500 tấn ngô, khởi hành từ cảng Odessa của Ukraine vào ngày 1/8 ban đầu dự định đến cảng Tripoli của Liban.

Chuyen tau dau tien cho ngu coc Ukraine dang den gan Syria hinh anh 1
Tàu chở ngũ cốc của Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chuyến tàu đầu tiên chở ngũ cốc của Ukraine xuất phát cách đây không lâu, theo thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc được Ukraine và Nga ký hồi tháng 7 vừa qua dưới sự bảo lãnh của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, đang đến gần cảng Tartous ở Tây Bắc Syria.

Các nguồn tin vận tải biển cho biết tàu này di chuyển trên biển mà không bật thiết bị phát tín hiệu trong mấy ngày qua.

Tàu Razoni mang cờ Sierra Leone chở hơn 26.500 tấn ngô, khởi hành từ cảng Odessa của Ukraine vào ngày 1/8 ban đầu dự định đến cảng Tripoli của Liban.

Tuy nhiên, chuyến hàng này đã bị chậm 5 tháng do xung đột tại Ukraine và khách hàng tại Liban đã hủy đơn hàng vì lo ngại chất lượng. Sau đó, con tàu này đã đến cảng Mersin của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 11/8 vừa qua.

Khi tiếp tục ra khơi ngày hôm sau, tàu Razoni đã không bật thiết bị phát tín hiệu. Tuy nhiên, 2 nguồn tin vận tải biển, trong đó một nguồn tin ở cảng Tartous, xác nhận hiện tàu Razoni đang tiến gần đến cảng này.

Ukraine đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Syria hồi tháng 6 năm nay sau khi Damascus công nhận độc lập của các vùng lãnh thổ Luhansk và Donetsk ở miền Đông Ukraine. Trong tháng 7 vừa qua, Syria cũng tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine nhằm đáp trả động thái của Kiev.

Theo Đại sứ quán Ukraine tại Liban, Bộ Giao thông Ukraine khẳng định nước này không chịu trách nhiệm đối với các tàu, thuyền và hàng hóa sau khi đã rời Ukraine, hơn nữa là sau khi tàu, thuyền đó đã cập cảng và tiếp tục khởi hành từ một cảng của nước ngoài.

Tuyên bố nêu rõ nhiệm vụ của Ukraine là mở cửa trở lại các cảng biển để nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và nước này đã hoàn thành nhiệm vụ. Bộ Giao thông Ukraine không có thông tin về vị trí của tàu Razoni hay đích đến của tàu này.

Ngày 22/7 vừa qua, tại Istanbul, Nga và Ukraine đã ký các thỏa thuận riêng rẽ với Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết vấn đề cung cấp lương thực và phân bón ra thị trường toàn cầu.

Tính đến ngày 12/8 vừa qua, 14 tàu chở ngũ cốc đã rời các cảng của Ukraine bên bờ Biển Đen.

Theo một quan chức của Liên hợp quốc, tàu Brave Commander của Liên hợp quốc sẽ rời Ukraine để đến Ethiopia trong vài ngày tới. Đây sẽ là chuyến hàng viện trợ lương thực nhân đạo đầu tiên đến châu Phi kể từ khi xảy ra xung đột tại Ukraine hồi cuối tháng 2 và trong khuôn khổ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc có tên gọi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.

* Nhiều tin tức trong nước đáng chú ý được Thainguyentv.vn đăng tải: Thông điệp của Thủ tướng giúp cộng đồng kinh doanh Việt Nam vượt lên, bứt phá; Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập; Sức mạnh nội sinh giữa công an và quân đội đủ sức đánh bại mọi kẻ thù...

- Nếu thông điệp "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không" của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được triển khai thông suốt trong khu vực hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt ở cơ sở địa phương sẽ là những điều kiện vô cùng thuận lợi để cộng đồng kinh doanh Việt Nam vượt lên, bứt phá trong thời gian tới.

Thông điệp của Thủ tướng giúp cộng đồng kinh doanh Việt Nam vượt lên, bứt phá
TS. Tô Hoài Nam: Kết quả thực tế thời gian qua khẳng định được tính kịp thời, linh hoạt
và sự phù hợp trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đây là chia sẻ của TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) trong cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về thông điệp của người đứng đầu Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7.

Chính phủ thiết kế nhiều chính sách thiết thực hỗ trợ cộng đồng kinh doanh

Theo TS. Tô Hoài Nam, Việt Nam bước vào năm 2022 trong bối cảnh đại bộ phận doanh nghiệp đều bị tổn thương do phải chịu sự tác động bất lợi của đại dich COVID-19, "sức khoẻ" của cả doanh nghiệp, lẫn người lao động đã bị "bào mòn".

Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn là điểm sáng trong thể hiện sức bền bỉ, dẻo dai, khả năng thích ứng linh hoạt với muôn vàn khó khăn từ đại dịch.

7 tháng đầu năm 2022 cũng là 7 tháng đầu của quá trình Việt Nam phục hồi kinh tế, đồng thời cũng là thời điểm thế giới tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu, theo xu hướng không tập trung, không phụ thuộc vào một quốc gia nhất định, để hạn chế rủi ro khủng hoảng thiếu hụt hàng hoá.

Với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, kịp thời, Chính phủ đã xây dựng, thiết kế nhiều chính sách, biện pháp thiết thực hỗ trợ cộng đồng kinh doanh và môi trường kinh doanh.

Điển hình như: Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Nghị định 34/2022/NĐ-CP ngày 21/5/2022 về gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2022; Quyết định 08/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và nhiều chính sách khác.

Hệ thống các chính sách này thực sự kịp thời và cần thiết với cộng đồng kinh doanh, nếu đặt trong thời điểm kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Sau thời gian triển khai, thực tiễn đã kiểm nghiệm về ý nghĩa, tác dụng của chính sách này, góp phần quan trọng để tạo ra động lực kích thích tăng trưởng và phục hồi kinh tế.

Nhờ đó, 7 tháng đầu năm với những kết quả cụ thể đạt được trong sự tăng trưởng của nhiều chỉ số kinh tế, có thể đánh giá một cách chung nhất là phần lớn các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam đều có bước tăng trưởng và trở lại hoạt động bình thường, phần lớn đều đạt ở mức phục hồi 80-90% trong "điều kiện bình thường mới".

Kinh tế vĩ mô ổn định, mặc dù chịu nhiều sức ép từ bối cảnh thế giới có những biến động không thuận lợi. Lạm phát được kiểm soát ở ngưỡng đề ra, tỉ giá ngoại tệ tương đối ổn định, giá xăng dầu đang tiếp tục giảm, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh ở nhiều nhóm ngành hàng, thị trường nội địa đang phục hồi ở mức độ trên dưới 80%...

Với tư cách là đại diện của 97% doanh nghiệp trong nước, VINASME cho rằng kết quả thực tế trên khẳng định được tính kịp thời, linh hoạt và sự phù hợp trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

"Chính điều này đã tạo niềm tin cho cộng đồng kinh doanh, để khu vực này nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn phục hồi sản xuất kinh doanh tạo đà tăng trưởng cho thời gian tới", TS. Tô Hoài Nam bày tỏ.

Từ bối cảnh đó, với những thuận lợi và khó khăn trong 7 tháng đầu năm 2022, thông điệp "4 ổn định, 3 tăng cường, 1 tiết giảm, 1 kiên quyết không" của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã gợi ý định hướng về môi trường kinh doanh trong thời gian tới.

Đó là sẽ tiếp tục giữ nguyên động lực phát triển của những tháng đầu năm. Trong "4 ổn định", có giữ ổn định được kinh tế vĩ mô, tức là giữ được nền tảng quan trọng để tạo các cơ hội, điều kiện là tiền đề cho sự phục hồi phát triển của cộng đồng kinh doanh, cho phát triển kinh tế năm 2022 và những năm tiếp theo.

Đối với "ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân", theo TS. Tô Hoài Nam, trước mắt ưu tiên tạo việc làm và khuyến khích mọi hình thức tạo việc làm là bài toán an sinh xã hội cho hàng chục triệu lao động và gia đình của họ.

3 nội dung tăng cường cho thấy bằng mọi giá phải thực hiện thành công chủ trương "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" để đất nước, nhân dân và doanh nghiệp được an toàn trong điều kiện bình thường mới.

Đồng thời tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính để trên mọi phương diện kinh doanh và đời sống xã hội. Thực hiện sử dụng ngân sách cho mọi hoạt động phải hiệu quả, thiết thực, không hình thức, không lãng phí...

Và "1 kiên quyết không" là kiên quyết không điều hành giật cục, mà khoa học, hiệu quả chắc chắn.

"Lợi ích của việc này bao hàm rất rộng. Tuy nhiên, tôi chỉ đề cập đến một khía cạnh nhỏ mà doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi ích, khai thác nó để tăng cường hơn độ chính xác trong việc dự báo và xây dựng kế hoạch kinh doanh cho mình, đây là yếu tố chủ động rất cần thiết trong bối cảnh tình hình diễn biến kinh tế thế giới vẫn khó lường như hiện nay", TS. Tô Hoài Nam nêu quan điểm.

Ở góc nhìn tích cực hơn, có thể nhận thấy nếu thông điệp "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm, 1 kiên quyết không" được triển khai thông suốt trong khu vực hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt ở cơ sở địa phương thì sẽ là những điều kiện vô cùng thuận lợi để cộng đồng kinh doanh Việt Nam vượt lên, bứt phá trong thời gian tới. Bởi lẽ Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia có nhiều lợi thế xét trên cả hai phương diện địa chính trị và quốc gia tham gia nhiều hiệp định thế hệ mới.

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho từng doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo TS. Tô Hoài Nam, quan điểm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng đã rất rõ ràng. Quan trọng là nhận thức và hành động cụ thể của các cấp, các ngành. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, có một vài điểm cần ưu tiên quan tâm thực hiện trước.

Đó là, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động đề nghị phối hợp với các bộ ngành, địa phương trong tuyên truyền, phổ biến, triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tư vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp hội viên thông qua các hoạt động tư vấn pháp lý, kết nối thông tin, đào tạo tăng cường năng lực quản trị kinh doanh.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa không ngừng liên kết, hợp tác và tự cường trong mọi lĩnh vực hoạt động của mình để tạo thành khối gắn kết, đoàn kết, từ đó tạo nên quy mô đủ lớn về kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh cho từng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo nghiên cứu khảo sát của VINASME, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ Nhà nước đều là những doanh nghiệp nhỏ và vừa dám hành động quyết liệt. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tiếp tục hành động quyết liệt, khi cần phải dám tranh luận để đòi quyền được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ chính đáng Nhà nước đã ban hành.

Những cụm tử đơn giản mang tầm chiến lược

Chia sẻ về thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Kinh tế phát triển TPHCM, đại biểu Quốc hội khóa XV nhìn nhận: Thông điệp chính là sự cụ thể hóa các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bằng những cụm từ rất đơn giản, dễ nhớ nhưng mang tầm chiến lược.

Thủ tướng nhấn mạnh đến "4 ổn định" - những vấn đề trọng tâm nhất của năm 2022 này. Năm nay, chúng ta chắc chắn đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế đã đặt ra từ đầu năm và theo dự báo của các tổ chức quốc tế thì con số đó sẽ giao động ở 7-7,5%. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trước tình hình lạm phát của thế giới đang rất cao. Thứ hai là phải ổn định được các loại thị trường, trong đó có thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường hàng hóa, nhất là phải ổn định được giá cả.

Thứ ba là ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trước diễn biến phức tạp trên thế giới và những băng nhóm tội phạm ở trong nước bởi việc đem lại sự bình yên cho người dân rất quan trọng.

Cuối cùng là ổn định về đời sống vật chất, tinh thần của người dân. "4 ổn định" này rất quan trọng, là nền tảng để chúng ta hướng đến phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Theo chuyên gia Trần Hoàng Ngân, những chỉ đạo của Thủ tướng rất quyết liệt và đi vào trọng tâm. Đối với "3 tăng cường" thì tăng cường về y tế là quan trọng nhất trong tình hình kiểm soát dịch bệnh. Và để bảo vệ sức khỏe nhân dân thì việc tiêm vaccine phòng COVID-19 là một nhiệm vụ quan trọng không kém. Hơn nữa, phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành các chỉ thị, thực hiện các nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Ông Trần Hoàng Ngân cũng bày tỏ nhất trí với nội dung "2 đẩy mạnh" bởi, phải tạo nguồn cung hàng hóa, tránh sự khan hiếm nguồn cung mà ảnh hưởng đến giá hàng hóa. Vì vậy, cần phải hỗ trợ cho doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công chính là một động lực tăng trưởng rất quan trọng, giúp giải quyết những điểm nghẽn, nhất là về hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hóa xã hội, hạ tầng số nhưng điểm yếu lâu nay mà chúng ta cần đẩy mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu giảm những chi tiêu không cần thiết và không điều hành giật cục, tức là nâng cao tầm quản trị nhà nước, giúp quản trị hiệu quả hơn, điều hành nhịp nhàng hơn. Đó đều là những chỉ đạo giúp lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương dễ nhớ để triển khai.

- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, nhằm tìm ra lời giải cho những thách thức đối với thị trường lao động sau đại dịch Covid-19.

Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập
Hội nghị trực tuyến “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế. Quy mô lực lượng lao động ngày càng tăng, nguồn cung được đảm bảo với trên 51,6 triệu người. Chất lượng lao động ngày càng nâng cao, tỉ lệ qua đào tạo tăng qua từng năm, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,2%, tuy nhiên vẫn ở mức thấp. Ccả nước đang đứng trước áp lực giải quyết việc làm cho gần 2 triệu lao động rời khỏi thị trường lao động; tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn còn tồn tại; chưa có giải pháp để nâng tầm, khai thác và thu hút lao động tại chỗ hiệu quả; tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động cho giai đoạn phục hồi và phát triển.

Trên tinh thần “nói thẳng, nói thật”, hội nghị đã lắng nghe những kiến nghị từ cộng đồng Doanh nghiệp về thiếu hụt lao động có kỹ năng và các thay đổi về yêu cầu kỹ năng đối với người lao động dưới tác động của việc thay đổi công nghệ, chuyển đổi số và tự động hoá. Đại diện các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, các địa phương, các Doanh nghiệp có quy mô sử dụng lao động lớn và đại diện một số tổ chức quốc tế cũng đã trao đổi, chia sẻ nhu cầu tuyển dụng lao động hiện nay tại thị trường trong nước và trên thế giới, đồng thời đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển thị trường lao động bối cảnh sau đại dịch.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, lao động là một yếu tố đầu vào cơ bản của mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và của cả nền kinh tế. Cùng với xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển thị trường lao động, xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Bởi vậy, các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm thực hiện tốt 4 giải pháp nhằm phục hồi, ổn định thị trường lao động sau đại dịch Covid-19 và 7 giải pháp lâu dài đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, qua đó góp phần phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập. Các ý kiến, trao đổi tại hội nghị sẽ được tổng hợp, làm căn cứ để cơ quan chuyên môn tiếp tục bổ sung, điều chỉnh chiến lược phát triển thị trường lao động trong nước từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới; đồng thời góp phần ổn định và phát triển đồng bộ các loại thị trường trong bối cảnh phát triển mới.

- Nhiệm vụ của quân đội và công an không thể rời nhau được vì nó đều có mục đích chung là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ trị an cho nhân dân. Trong quá trình công tác, cần củng cố đoàn kết giữa công an và quân đội, đó là vấn đề nguyên tắc.

Sức mạnh nội sinh giữa công an và quân đội đủ sức đánh bại mọi kẻ thù
Dù ở đâu, với nhiệm vụ khó khăn gian khổ thế nào, CAND và QĐND luôn phát huy cao
độ truyền thống đoàn kết, gắn bó keo sơn.

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống lực lượng Công anh nhân dân (19/8/1945-19/8/2022) và 17 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có những chia sẻ sâu sắc về mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, truyền thống quý báu giữa công an nhân dân (CAND) và quân đội nhân dân (QĐND) để nhân sức mạnh bảo vệ Tổ quốc.

Sức mạnh tổng hợp đủ sức đánh bại mọi kẻ thù

Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Công an và quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính. Vì vậy, càng phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau". CAND và QĐND luôn chung sức, chung lòng, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, kề vai sát cánh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo Thượng tướng Lương Tam Quang, mối quan hệ hữu cơ thống nhất, tác động lẫn nhau giữa quốc phòng và an ninh được Đảng ta nhấn mạnh trong sự kết hợp sức mạnh của lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân với sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân. Vấn đề phối hợp giữa quốc phòng với an ninh trên phương diện tổ chức lực lượng, xây dựng thế trận và hoạt động thực tiễn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng nhấn mạnh: "Bố trí thế trận quốc phòng, an ninh phù hợp với tình hình mới. Gắn kết quốc phòng với an ninh. Kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế trên từng địa bàn lãnh thổ, trong công tác quy hoạch, kế hoạch và các chương trình, dự án". Thực tiễn sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta là minh chứng rõ nét "Nhiệm vụ của quân đội và công an không thể rời nhau được vì nó đều có mục đích chung là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ trị an cho nhân dân. Trong quá trình công tác, cần củng cố đoàn kết giữa công an và quân đội, đó là vấn đề nguyên tắc. Quân đội chuyên chống kẻ địch bên ngoài, công an chủ yếu chống kẻ địch bên trong. Hai nhiệm vụ đó không tách rời nhau được và cũng không thể phân chia máy móc" như khẳng định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 10, tháng 1/1956.

Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc có nhiều thuận lợi, song cũng đang đứng trước những nguy cơ, thách thức rất mới.

Về thuận lợi, sau 35 năm đổi mới, đất nước ta "chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay"; thế và lực của đất nước tạo ra những điều kiện mới cho phép tăng cường tiềm lực bảo vệ Tổ quốc, ngăn ngừa các nguy cơ từ sớm, từ xa. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự xuất hiện không gian mạng đã và đang mở ra thời đại mới, trong đó quốc gia kém phát triển, đang phát triển có thể tận dụng thời cơ để đi tắt đón đầu, vượt lên trở thành những quốc gia hùng mạnh, song cũng dễ dàng bị tụt hậu sâu hơn khi không tận dụng được thời cơ.

Về thách thức, không gian cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang bị đẩy về Đông Nam Á, tác động trực tiếp đường lối đối ngoại "độc lập, tự chủ" của nước ta. Nguy cơ các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam trở thành vật cản hay bàn đạp để các nước lớn kiềm chế lẫn nhau; không gian phát triển bị thu hẹp.

Sức mạnh nội sinh giữa công an và quân đội đủ sức đánh bại mọi kẻ thù
Thượng tướng Lương Tam Quang khẳng định, bất luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải
bảo vệ và giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo QĐND và CAND.

Các vấn đề an ninh phi truyền thống diễn biến ngày càng phức tạp, tác động đa chiều, trực tiếp đến nhiều mặt của đời sống xã hội, ở nhiều tầng, nấc khác nhau; quy mô tác động rộng lớn, tạo phản ứng dây chuyền, thậm chí thách thức, đe dọa an ninh toàn cầu với biện pháp phi vũ trang là chủ yếu. Những nhân tố gây đột biến, bất lợi từ bên trong gia tăng, đặt ra yêu cầu rất cao đối với bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân so với 10 năm trước đây. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã cho thấy những bài học rất mới về bảo vệ Tổ quốc, về bảo đảm cân bằng chiến lược giữa các nước lớn cũng như phương thức tác chiến điện tử, chiến tranh đô thị…

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng quá trình nước ta chủ động hội nhập quốc tế gia tăng hoạt động chống phá, ráo riết thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ với quy mô ngày càng mở rộng, cường độ ngày càng gia tăng, tính chất ngày càng nguy hiểm, thâm độc, xảo quyệt hơn hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chúng sử dụng mọi thủ đoạn nham hiểm, thâm độc tấn công phá hoại, đả kích, vu cáo, bôi nhọ, kể cả sử dụng "đạn bọc đường" để lôi kéo, tha hóa hòng vô hiệu hóa lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; ra sức kích động chia rẽ nhân dân với Đảng, Nhà nước, chia rẽ quân đội với công an, đòi "phi chính trị hóa" lực lượng vũ trang, thúc đẩy các yếu tố "tự diễn biễn", "tự chuyển hóa" từ trong nội bộ ta, kết hợp với hoạt động tác động từ bên ngoài... nhằm thực hiện "cách mạng màu", như chúng đã thực hiện ở một số nước trên thế giới.

Những thời cơ, thuận lợi cũng như nguy cơ, thách thức đối với bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đan xen phức tạp, đặt ra yêu cầu cấp bách phải đặc biệt quan tâm chăm lo, củng cố đoàn kết, mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa QĐND và CAND; đưa quan hệ phối hợp giữa CAND với QĐND ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất, tạo thành sức mạnh tổng hợp đủ sức đánh bại mọi kẻ thù xâm lược cũng như hóa giải mọi thách thức, mối đe dọa từ bên trong.

Sức mạnh nội sinh giữa hai lực lượng

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp giữa CAND với QĐND, Thượng tướng Lương Tam Quang khẳng định,bất luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải bảo vệ và giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo QĐND và CAND; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng về quan hệ phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa CAND và QĐND trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh - đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định bản chất giai cấp công nhân, là cội nguồn sức mạnh của QĐND và CAND trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cụ thể hóa, thực hiện có hiệu quả quan điểm của Đảng về kết hợp sức mạnh của lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân với sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân, trong đó, bên cạnh tập trung thúc đẩy quan hệ phối hợp trên các lĩnh vực truyền thống (xây dựng thế trận, phòng chống biểu tình, bạo loạn, trao đổi thông tin, giáo dục quốc phòng, an ninh…).

Cần sớm có lộ trình, bước đi cụ thể thúc đẩy mạnh mẽ phối hợp thực chất trong một số lĩnh vực rất mới hoặc quan trọng nổi lên như tác chiến điện tử, công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, phối kiểm thông tin. Thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ QĐND và CAND về ý nghĩa, tầm quan trọng và nhiệm vụ của công tác phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa hai lực lượng.

Quán triệt và nhận thức sâu sắc sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa QĐND và CAND dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Chăm lo, phối hợp xây dựng QĐND và CAND vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xây dựng, hun đúc bản lĩnh chính trị tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân; kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn mọi âm mưu, hoạt động phá hoại nội bộ, chia rẽ quân đội với công an của các thế lực thù địch, phản động.

Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nhấn mạnh: "Thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên chính là tạo sức mạnh nội sinh trong quan hệ phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa hai lực lượng - cơ sở quan trọng bảo đảm thắng lợi Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới".

* Tin tức trong tỉnh trên nhiều lĩnh vực cũng được đăng tải: Góp ý dự thảo Quy định số 69 của Ban Bí thư; Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, khóa XX; Thái Nguyên: Nỗ lực nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI; Phổ Yên: Đôn đốc triển khai thực hiện Đề án 06; Quảng bá hình ảnh Thái Nguyên đổi mới, phát triển trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam;...

- Ngày 19/8, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo văn bản xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Quy định số 69 ngày 13/2/2017 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp Nhà nước.

Đô thị hóa: Nguy cơ mai một làng nghề
Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo văn bản xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Quy định số 69 ngày 13/2/2017 của Ban Bí thư.

Hiện nay, toàn quốc có 113 đảng bộ doanh nghiệp thực hiện theo Quy định số 69 trong đó có 48 doanh nghiệp trực thuộc đảng bộ tỉnh ủy, thành ủy; 31 đảng bộ doanh nghiệp trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; 34 đảng bộ doanh nghiệp trực thuộc quân đội. Có 83 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; 24 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ từ 51 đến dưới 100% vốn; 3 doanh nghiệp Nhà nước đã thoái hết vốn điều lệ. Qua triển khai thực hiện Quy định 69, khẳng định phát huy vai trò lãnh đạo trực tiếp toàn diện của cấp ủy đối với hoạt động của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên, nâng cao chất lượng, hoạt hiệu quả động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình triển khai Quy định 69 còn có những hạn chế cần nghiên cứu tháo gỡ.

Tại hội nghị, các đại biểu đã góp ý vào những nội dung đề xuất, sửa đổi: Bố cục dự thảo: Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp Nhà nước.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí phó bí thư thường trực tỉnh uỷ đồng tình với báo cáo sơ kết thực hiện Quy định số 69 và các ý kiến của các đại biểu. Về dự thảo sửa đổi bổ sung quy định số 69, Ban tổ chức Trung ương xây dựng rất công phu, khoa học, hợp lý về bố cục, kế thừa được những nội dung còn phù hợp với thực tiễn và tổng hợp đề xuất sửa đổi một số nội dung mới. Đồng chí cũng góp ý vào dự thảo như cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của Thành uỷ, Tỉnh uỷ đối với Đảng uỷ cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp.

-Ngày 18/8, thực hiện chương trình công tác, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã được tổ chức để tiếp tục cho ý kiến vào các nội dung theo chương trình.

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, khóa XX
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nêu rõ: Ngày 01/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông báo danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đợt 2). Trong đó có nêu, tỉnh Thái Nguyên dự kiến được bố trí 205 tỷ đồng để đầu tư 03 dự án thuộc lĩnh vực Y tế, gồm: Dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thái Nguyên; Dự án Đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị cho 04 Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm Y tế tuyến huyện, tỉnh Thái Nguyên và Dự án Đầu tư xây mới 03 trạm Y tế tuyến xã, tỉnh Thái Nguyên. Chính Phủ cũng đề nghị các địa phương hoàn thành thủ tục đầu tư dự án chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ thông báo danh mục và mức vốn; hoàn thành các thủ tục đầu tư, báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/8/2022. Để bảo đảm tiến độ thời gian theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành họp, cho chủ trương đầu tư 03 dự án nêu trên. Trên cơ sở đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh tiếp tục cho ý kiến vào từng nội dung cụ thể, tạo thống nhất để triển khai thực hiện.

Hội nghị cũng tiến hành cho ý kiến vào các nội dung: Về bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023, nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên; điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công ngân sách địa phương năm 2022; thảo luận, cho ý kiến về việc bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất, các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh; 04 dự thảo Chương trình hành động do Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban Tổ chức Tỉnh ủy trình để kịp thời triển khai có hiệu quả các Nghị quyết đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 thông qua tại Hội nghị Trung ương 5 vừa qua.

Thống nhất các ý kiến tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp thu, chỉ đạo UBND tỉnh hoàn thiện hồ sơ, nội dung văn bản, bảo đảm cơ sở pháp lý, tuân thủ đầy đủ, chặt chẽ, đúng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trình HĐND tỉnh và tổ chức thực hiện các bước tiếp theo theo quy định./.

- Nhằm giúp các sở, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ hơn về bộ chỉ số Đánh giá Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, qua đó, giúp xây dựng và triển khai các kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm cải thiện chất lượng điều hành kinh tế - xã hội của tỉnh, phát huy điểm mạnh, giảm thiểu hạn chế để cải thiện môi trường đầu tư - đây là mục tiêu đặt ra tại Hội nghị tập huấn công tác nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022 được tổ chức vào ngày 16/8 tại Thái Nguyên.

Thái Nguyên: Nỗ lực cải thiện Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Cấp tỉnh PCI
Hội nghị tập huấn công tác nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022 tổ chức tại Thái Nguyên

Tại Hội nghị, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã giới thiệu khái quát về PCI; những tác động của PCI trong thu hút đầu tư; quy trình xây dựng PCI; kinh nghiệm trong việc cải thiện các chỉ số thành phần của những tỉnh dẫn đầu. Trong đó, đi sâu phân tích về những mặt đạt được, những mặt còn hạn chế trong thực hiện bộ chỉ số, từ đó đưa ra một số khuyến nghị với tỉnh nhằm nâng cao chỉ số này trong thời gian tới.

Đáng chú ý, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã đưa ra một số khuyến nghị: Tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp ở nhiều cấp độ; xây dựng chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân siêu nhỏ, nhỏ và vừa trên địa bàn; thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp; thực hiện việc đánh giá thực thi của sở, ngành, địa phương một cách thường xuyên, thực chất và khoa học…

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo PCI tỉnh nhấn mạnh: Năm 2021, Thái Nguyên xếp thứ 28/63 tỉnh, thành trong cả nước, điều này cho thấy chỉ số PCI của tỉnh cần phải cải thiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa.

Do vậy, thông qua Hội nghị này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn và đề nghị các sở, ngành, địa phương thông qua các đề xuất, gợi mở của chuyên gia để đưa ra các giải pháp khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, để tỉnh có môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất, góp phần nâng cao chỉ số PCI trong thời gian tới./.

- Ngày 15/8, thành phố Phổ Yên tổ chức Hội nghị đôn đốc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).

Đôn đốc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06)
Đồng chí Bùi Văn Lương, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND chủ trì hội nghị.

iện nay, TP Phổ Yên đang thực hiện tiếp nhận 100% các thủ tục hành chính trong danh mục 25 thủ tục hành chính công thiết yếu được tiếp nhận qua dịch vụ công. Kết quả, đã tiếp nhận và giải quyết gần 9.000 thủ tục hành chính của trên 9.200 lượt công dân thông qua dịch vụ công trực tuyến. Đối với công tác số hoá hồ sơ dữ liệu hộ tịch, được triển khai thí điểm tại hai xã Thành Công và Phúc Thuận hiện đang được triển khai thực hiện đúng nội dung, tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án, UBND TP Phổ Yên chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận tham gia của người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Đề án 06; Công an TP tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân phục vụ công tác nghiệp vụ; làm tốt công tác quản lý cư trú, quản lý di biến động của dân cư ở địa bàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ triền khai thực hiện Đề án./.

- Công tác phối hợp tuyên truyền giữa tỉnh Thái Nguyên và Đài Tiếng nói Việt Nam đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh tỉnh Thái Nguyên đổi mới, phát triển, năng động, sáng tạo tới bạn bè trong nước và quốc tế là một trong những kết quả nổi bật được nhấn mạnh tại hội nghị đánh giá kết quả chương trình phối hợp tuyên truyền giai đoạn 2019 - 2022, ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền giai đoạn 2023 - 2025 giữa tỉnh Thái Nguyên và Đài Tiếng nói Việt Nam.

Quảng bá hình ảnh thái nguyên đổi mới, phát triển trên sóng đài tiếng nói việt nam
Hội nghị đánh giá kết quả chương trình phối hợp tuyên truyền giai đoạn 2019 - 2022, ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền giai đoạn 2023 - 2025 giữa tỉnh Thái Nguyên và Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ngày 31/10/2019 UBND tỉnh Thái Nguyên và Đài Tiếng nói Việt Nam đã kí kết chương trình phối hợp tuyên truyền giai đoạn 2019 - 2022 nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác truyền thông giữa 2 bên. Sau 3 năm triển khai thực hiện, sự phối hợp giữa tỉnh Thái Nguyên với Đài Tiếng nói Việt Nam đã đem lại nhiều kết quả cụ thể, thiết thực, góp phần tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh tỉnh Thái Nguyên đổi mới, phát triển, năng động, sáng tạo tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Đã có trên 800 tin, bài, phóng sự, gần hơn 50 chương trình chuyên đề, khoa giáo về tỉnh Thái Nguyên phát trên các kênh sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam; nhiều chuyên đề nổi bật, được đầu tư công phu, chất lượng phản ánh kết quả trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; các tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước; quyết tâm chuyển đổi số, cải cách hành chính, thu hút đầu tư đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, góp phần tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh cũng như sự phát triển của địa phương.

Phát biểu chào mừng đoàn công tác của Đài Tiếng nói Việt Nam, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải đã khái quát về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh trong thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh tận dụng lợi thế, phát huy tiềm năng tỉnh Thái Nguyên đang bứt phá vươn tầm, từng bước hiện thực hóa khát vọng trở trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vục trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030 theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Những kết quả đó có sự đồng hành, đóng góp của các cơ quan thông tin đại chúng trong toàn quốc, trong đó có vai trò rất quan trọng của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tinh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên khẳng định: "Các biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đã ủng hộ, chia sẻ với tỉnh Thái Nguyên trong suốt thời gian vừa qua, đưa rất nhiều thông tin, nhiều nỗ lực của Thái Nguyên, của người dân Thái Nguyên đến với bạn đọc cả nước. Tỉnh Thái Nguyên cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Đài Tiếng nói Việt Nam kịp thời nắm bắt thông tin, tuyên truyền 1 cách có hệ thống, toàn diện và khách quan, đầy đủ về tỉnh Thái Nguyên

Đánh giá cao những bước phát triển vượt bậc của tỉnh Thái Nguyên trong thời gian qua, đồng chí Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam ghi nhận công tác phối hợp, tạo điều kiện của tỉnh Thái Nguyên cho đội nghũ phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam tác nghiệp trên địa bàn. Tỉnh đã chủ động cung cấp thông tin, kịp thời trong tuyên truyền, quảng bá, xác thực thông tin, định hướng dư luận. Qua đó, góp phần đa dạng các sản phẩm báo chí trên các hạ tầng truyền thông của Đài Tiếng nói Việt Nam. Với tình cảm, sự gắn bó, đặc biệt là những kết quả rất tích cực trong công tác phối hợp trong 3 năm qua, đồng chí bày tỏ tin tưởng vào thỏa thuận hợp tác giữa Tỉnh Thái Nguyên và Đài Tiếng nói Việt Nam trong thời gian tới.

Đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh: "Giai đoạn 2023-2025 với nhiều bước đột phá, đồng thời với kết quả và nội dung chúng ta hướng tới, đây chính là thời kỳ cần phải tích cực đưa truyền thông để tuyên truyền. Đài Tiếng nói Việt Nam xin hứa tiếp tục có sự phối kết hợp chặt chẽ với các đơn vị của tỉnh Thái Nguyên trong công tác tuyên truyền".

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ thêm nhiều nội dung để tiếp tục làm tốt hơn công tác tuyên truyền, cụ thể hóa chương trình phối hợp để đạt hiệu quả cao hơn nữa nhằm cụ thể hoá các mục tiêu phối hợp tuyên truyền trong thời gian tới.

Quảng bá hình ảnh thái nguyên đổi mới, phát triển trên sóng đài tiếng nói việt nam
Tỉnh Thái Nguyên và Đài Tiếng nói Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền giai đoạn 2023-2025.

Tỉnh Thái Nguyên và Đài Tiếng nói Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền giai đoạn 2023-2025, trong đó, tập trung vào một số nội dung đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về kết quả thực hiện các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, các sự kiện kinh tế - chính trị - văn hóa của địa phương.