Tin 24h ngày 21/12/2024
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 18 luật vừa được Quốc hội thông qua
Các luật được công bố gồm: Công đoàn (sửa đổi); Thuế giá trị gia tăng; Quy hoạch đô thị và nông thôn; Công chứng (sửa đổi); Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Phòng, chống mua bán người; Dữ liệu; Di sản văn hóa; sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật: Chứng khoán, Kế toán, Kiểm toán độc lập, Ngân sách nhà nước, Quản lý, sử dụng tài sản công, Quản lý thuế, Dự trữ quốc gia, Xử lý vi phạm hành chính; sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật: Dược; Tư pháp người chưa thành niên; Địa chất và khoáng sản; Phòng không nhân dân; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật: Quy hoạch, Đầu tư, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Đấu thầu; Đầu tư công; Điện lực và công bố Pháp lệnh Chi phí tố tụng.
Đáng chú ý, Luật Dữ liệu (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025) là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm xây dựng và tích hợp đồng bộ, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia giúp phát triển Chính phủ số, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường minh bạch, gia tăng sự hài lòng của người dân với hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, thúc đẩy hình thành thị trường dữ liệu, hỗ trợ phát triển sản phẩm dịch vụ dựa trên dữ liệu, các giao dịch thương mại trên môi trường số được thường xuyên, liên tục, an toàn và minh bạch hơn; hình thành và từng bước mở rộng kho dữ liệu tổng hợp, kho dữ liệu mở để người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng phục vụ sáng tạo, triển khai các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh mới…
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025) với nhiều điểm mới sẽ giải quyết được căn cơ những bất cập, vướng mắc mang tính cấp bách sau 15 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, bảo đảm an sinh xã hội, quyền và lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở khám, chữa bệnh, góp phần từng bước giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia bảo hiểm y tế và tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.
Phó Thủ tướng Thường trực: Khoảng 100.000 người bị ảnh hưởng khi tinh gọn bộ máy
'Mặc dù bình diện người bị ảnh hưởng số lượng khá đông, có lẽ đông nhất với khoảng 100.000 người, nhưng chúng ta mạnh dạn bỏ ra nguồn lực đáng kể. Nếu được Bộ Chính trị đồng ý sẽ là chính sách đặc thù vượt trội, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, công chức', Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nêu.
Loại bỏ người lười biếng, thu hút người tài
Sáng 21/12, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết ngành nội vụ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đánh giá, thời gian qua, Bộ Nội vụ đảm nhiệm khối lượng công việc rất lớn, cấp bách, với tính chất nhạy cảm, phức tạp. Trong đó, có những vấn đề về chính sách liên quan đến từng người, từng cán bộ, công chức.
Theo ông, những kết quả đạt được đáng ghi nhận và thành công của Bộ Nội vụ cũng là thành công của Chính phủ. Bộ Nội vụ đã thực hiện các công việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tuân thủ chỉ đạo, định hướng, nhất là trong tinh gọn bộ máy.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. |
"Bộ Nội vụ hiện nay và Bộ Nội vụ - Lao động sau hợp nhất phải sẵn sàng đảm nhận, quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ", ông Nguyễn Hòa Bình nêu.
Chia sẻ về việc tham mưu chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức trong thực hiện tinh gọn bộ máy lần này, Phó Thủ tướng cho biết, hôm nay sẽ phải trình Bộ Chính trị để thông qua.
"Mặc dù bình diện người bị ảnh hưởng, số lượng khá đông, có lẽ đông nhất với khoảng 100.000 người, nhưng chúng ta mạnh dạn bỏ ra nguồn lực đáng kể. Nếu được Bộ Chính trị đồng ý sẽ là chính sách đặc thù vượt trội, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, công chức", ông Nguyễn Hòa Bình nêu.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực nêu một số vấn đề cần tiếp tục suy nghĩ, trong đó có việc, làm sao để thu hút, giữ chân, đào tạo, đãi ngộ được người tài. "Phải làm được điều này. Như Tổng Bí thư Tô Lâm nói, làm sao phải loại bỏ được người lười biếng trong bộ máy, thu hút được người tài cho nền hành chính công", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo ông, bộ máy khoa học, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phải do con người quyết định. "Hai vụ, hai phòng nhập lại, nếu hai trưởng phòng dở thì cùng dở. Nếu một anh giỏi, một anh dở, có khi chỉ một phòng hỏng, còn khi nhập lại, nếu để anh dở làm, có khi hỏng cả hai phòng", nêu ví dụ này, ông Bình lưu ý, phải đánh giá, sử dụng cho đúng cán bộ.
Bình tĩnh, đề phòng các rủi ro
Về nhiệm vụ trong năm 2025, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh đến việc thực hiện tinh gọn bộ máy đang được thực hiện rất khẩn trương, rất quyết liệt, rất quyết tâm. Ông yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải xác định đây là trách nhiệm, nhiệm vụ của toàn hệ thống chứ không phải chỉ Bộ Nội vụ. Đồng thời, ông cũng lưu ý, nhiệm vụ này phải được làm rất khẩn trương và quyết tâm của Bộ Chính trị là hoàn thành đúng thời hạn trước 10/2/2025, các cơ quan Đảng phải gương mẫu làm trước.
"Cơ quan Chính phủ, Quốc hội còn liên quan đến các quy định của pháp luật nhưng cơ quan Đảng thì hạn cuối cùng là 10/2/2025 phải xong. Anh nào làm trước thì hoan nghênh", ông Bình khẳng định.
Trong tinh gọn bộ máy, Phó Thủ tướng Thường trực cũng cho rằng, ngoài hợp nhất bộ, vấn đề được quan tâm là phải tinh gọn bộ máy bên trong và tối thiểu phải giảm 15 - 20%. Cá biệt, có đơn vị, Chính phủ đặt ra yêu cầu phải giảm 40% như một số vụ, viện đang tổ chức riêng thì cần nhập lại.
Với Bộ Nội vụ, ông Bình lưu ý, phải tham mưu xây dựng mô hình bộ máy tinh gọn. Việc hợp nhất của trung ương sẽ là cơ sở cho địa phương thực hiện. Đồng thời, cần hình thành cơ chế, chính sách đủ mạnh, đủ ưu đãi để khuyến khích, hỗ trợ người lao động khi thực hiện tinh gọn bộ máy...
"Làm nhanh, khẩn trương nhưng phải rất khoa học. Chúng ta đổi mới, sáng tạo để tiến lên phía trước nhưng phải rất bình tĩnh, đề phòng các rủi ro. Người lãnh đạo giỏi là người biết xông lên nhưng cũng phải phòng ngừa các rủi ro", Phó Thủ tướng nói và lưu ý cần phải tránh sáp nhập cơ học.
Mặt khác, ông Bình cũng nhắc lại quan điểm, không để cơ quan Nhà nước thành nơi trú ngụ của người lười biếng. "Không khéo người tài lại xin nghỉ còn người dở thì ở lại. Phải hết sức tránh, làm sao kết hợp tinh gọn nhưng xốc lại đội hình, lựa chọn tinh hoa trong bộ máy hành chính công", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng lưu ý, thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy nhưng nền hành chính công, bộ máy vẫn phải vận hành, phục vụ nhân dân, đảm bảo không bị ngắt quãng.
Áp thấp nhiệt đới giật cấp 8 trên Biển Đông
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều nay (21/12), vùng áp thấp có vị trí ở khoảng 5,0 độ vĩ bắc, 111,9 độ kinh đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Dự báo, hồi 13 giờ ngày 21/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 5,1 độ vĩ bắc; 112,8 độ kinh đông, trên vùng biển phía nam của khu vực nam Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 8. Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc, tốc độ 5-10km/giờ.
Đến 13 giờ ngày 22/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 6,0 độ vĩ bắc; 114,3 độ kinh đông, trên vùng biển phía nam của khu vực nam Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8. Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc, tốc độ 5-10km/giờ.
Đến 13 giờ ngày 23/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,1 độ vĩ bắc; 112,9 độ kinh đông, trên vùng biển phía nam của quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9. Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Bắc, sau đó là Tây Bắc, tốc độ khoảng 10km/giờ.
Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía nam của khu vực nam Biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao 3-5m; biển động.
Từ đêm 22/12, vùng biển phía nam quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 4-6m; biển động mạnh.
Cảnh báo, tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Cảnh báo giả mạo ngân hàng để thu thập sinh trắc học
Theo khuyến cáo từ các ngân hàng, gần đây, xuất hiện các đối tượng xấu mạo danh nhân viên ngân hàng, liên hệ với khách hàng để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học.
Đối tượng liên hệ với khách hàng thông qua gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội như Zalo, Viber, Facebook... yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân và có thể yêu cầu cả cuộc gọi video nhằm thu thập thêm khuôn mặt, giọng nói, cử chỉ của khách hàng.
Đối tượng gửi và yêu cầu khách hàng truy cập đường link lạ để tải, cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên thiết bị di động.
Thực tế, đây là hình thức lừa đảo để khách hàng tải về file có chứa mã độc, phần mềm gián điệp nhằm khai thác thêm thông tin khách hàng.
Sau đó, đối tượng đăng nhập, chiếm đoạt tiền trong các tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của khách hàng vào các mục đích xấu.
Theo khuyến cáo, các ngân hàng chỉ tiến hành thu thập sinh trắc học trên ứng dụng Mobile Banking của khách hàng hoặc trực tiếp tại các chi nhánh/điểm giao dịch của ngân hàng trên toàn quốc.
Khách hàng không truy cập vào link lạ, mở tệp đính kèm trong thư điện tử của người gửi không xác định.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, bảo mật tài khoản (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP), dịch vụ thẻ (số thẻ, mã OTP) cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.
Khách hàng cần cảnh giác khi chia sẻ thông tin cá nhân, thông tin dịch vụ ngân hàng, giao dịch ngân hàng lên mạng xã hội.
Cảnh giác với các mã QR được dán/chia sẻ ở nơi công cộng/mạng xã hội/email.
Không mua bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán, giấy tờ tùy thân.
Theo yêu cầu tại Thông tư 17 của Ngân hàng Nhà nước, từ 1/1/2025, khách hàng bắt buộc xác thực sinh trắc học đối với mọi giao dịch chuyển tiền. Do đó, kể cả giao dịch chuyển tiền dưới 10 triệu đồng cũng phải xác thực sinh trắc học.
Trường hợp khách hàng không có điện thoại thông minh, điện thoại không có NFC hoặc không tự cài sinh trắc học tại nhà được thì có thể đến phòng giao dịch/chi nhánh của ngân hàng để được hỗ trợ.
Khách hàng lưu ý khi đi nhớ mang theo thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước.
Ngoài ra, Thông tư 17 cũng quy định, từ 1/1/2025, chủ tài khoản thanh toán/chủ thẻ ngân hàng sẽ bị tạm dừng giao dịch rút tiền hoặc thanh toán nếu thông tin giấy tờ tùy thân trong hồ sơ đăng ký với ngân hàng hết hiệu lực.
Theo Luật Căn cước 2023 (Luật số 26/2023/QH15), đến hết ngày 31/12/2024, chứng minh nhân dân (loại 9 số và 12 số) không còn giá trị sử dụng trong các thủ tục, giao dịch.
Vụ đốt quán cà phê: Nghi phạm đối diện nhiều tội danh
Theo luật sư, Cao Văn Hùng sẽ bị xử lý hình sự về nhiều tội danh, trong đó có tội Hủy hoại tài sản, Giết người, Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác...
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi phạm tội của nghi phạm rất táo tợn, coi thường pháp luật; không những đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác mà còn xâm phạm đến tính mạng của công dân được pháp luật bảo vệ.
Hành vi phạm tội của đối tượng là đặc biệt nghiêm trọng đã tước đoạt đi tính mạng của 11 người, đã cấu thành tội “Giết người” theo điểm a, b, n khoản 1 Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Mức án nặng nhất mà đối tượng Cao Văn Hùng phải chịu có thể là tử hình.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho biết thêm, hành vi phạm tội của đối tượng còn gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của gia đình đã có dấu hiệu cấu thành tội “Hủy hoại tài sản” theo Điều 178, Bộ luật Hình sự năm 2015. Kết quả định giá tài sản bị cháy sẽ là căn cứ xử lý tương ứng với với hậu quả thiệt hại gây ra.
Theo đó, ngoài việc bị khởi tố với tội danh “Giết người”, đối tượng có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”. Mức hình phạt cao nhất cho tội danh này lên tới 20 năm tù, người phạm tội phải bồi thường các thiệt hại phát sinh theo quy định tại các Điều 584, Điều 589, Bộ luật Dân sự năm 2015. Trường hợp xảy ra hậu quả thương tích hoặc chết người được xác định thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, người phạm tội phải bồi thường các thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho người bị hại phát sinh cho người bị hại do hành vi phạm tội gây ra.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái cho rằng, hành vi của đối tượng Cao Văn Hùng là đặc biệt nghiêm trọng. Nếu xác định đối tượng không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, hành vi đốt xe là do mâu thuẫn thù hằn cá nhân, Cao Văn Hùng sẽ bị xử lý hình sự về nhiều tội danh, trong đó có tội “Hủy hoại tài sản”, “Giết người”, “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác” theo Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015 (tùy vào mục đích và nhận thức của đối tượng đối với sự việc).
Trường hợp có căn cứ cho thấy, đối tượng nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến chết người, nhưng đã mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra; biết là hành vi có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng người khác nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi hủy hoại tài sản dẫn đến hậu quả chết người thì có thể xử lý hình sự về tội “Giết người” với tình tiết định khung là giết từ hai người trở lên và vì động cơ đê hèn; mức hình phạt cao nhấtlà tử hình.
Trước đó, 23h03 ngày 18/12, cháy quán cà phê (quán hát cho nhau nghe) tại số 258 Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm do đối tượng Cao Văn Hùng (SN 1973, trú tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội) phóng hỏa. Hậu quả làm 11 người tử vong và 4 người bị thương đang điều trị tại bệnh viện, nhiều tài sản bị thiêu rụi... Ngày 19/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối tượng Cao Văn Hùng để điều tra, xử lý hành vi đốt quán cà phê làm nhiều người tử vong.
Từ 1/1/2025, công an xã được xử lý hành vi vi phạm pháp luật đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ
Ngày 20-12, Bộ Công an cho biết thông tư 73/2024/TT-BCA sẽ có hiệu lực từ 1-1-2025. Thông tư này quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông.
Trong đó, Bộ Công an nhấn mạnh quy định: công an xã được tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường xã, đường thôn thuộc địa bàn quản lý.
Cụ thể tại khoản 2 điều 30 thông tư quy định nhiệm vụ của lực lượng khác trong Công an nhân dân, tham gia phối hợp với cảnh sát giao thông để tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông đường bộ.
"Trường hợp không có lực lượng cảnh sát giao thông đi cùng thì công an xã thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành và báo cáo tình hình, kết quả hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cho lực lượng cảnh sát giao thông", Bộ Công an cho biết.
Về địa bàn, công an xã chỉ được tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường xã, đường thôn thuộc địa bàn quản lý.
Về nhiệm vụ, công an xã sẽ được xử lý đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ vi phạm: Không đội mũ bảo hiểm theo quy định; chở quá số người quy định; chở hàng hóa cồng kềnh, quá kích thước giới hạn quy định; dừng, đỗ xe không đúng quy định; lạng lách, đánh võng, điều khiển xe bằng một bánh đối với xe hai bánh; không có gương chiếu hậu ở bên trái theo quy định; sử dụng ô (dù); kéo, đẩy xe khác, vật khác; chưa đủ tuổi lái xe theo quy định hoặc phát hiện xe vi phạm nghiêm trọng về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, an ninh, trật tự xã hội nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
"Trong quá trình giải quyết, xử lý vụ việc của các hành vi vi phạm nêu trên, nếu phát hiện hành vi vi phạm khác thì được xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt quá thẩm quyền xử phạt thì lập biên bản vi phạm hành chính và báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính", thông tư nêu.