Điểm sự kiện tuần từ ngày 27/6 đến ngày 3/7/2022
* Nhiều sự kiện thế giới trong tuần qua đăng tải trên Thainguyentv.vn được dư luận quan tâm: Đề xuất Nga, Ukraine tái tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu; Uzbekistan khẳng định tình hình Karakalpakstan ổn định; Hơn 100 người chết vì lũ lụt kinh hoàng kéo dài ở Bangladesh...
- Đề xuất Nga, Ukraine tái tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu:
Ngày 27/6, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Đức, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đã kêu gọi đưa lúa mỳ của Ukraine, cũng như thực phẩm và phân bón của Nga trở lại chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cánh đồng lúa mỳ tại làng Zhovtneve (Ukraine). (Ảnh: Reuters/TTXVN) |
Tổng thống Jokowi đề xuất hai giải pháp để đạt được mục tiêu nói trên. Một là, tạo điều kiện cho việc nối lại ngay lập tức xuất khẩu lúa mỳ của Ukraine. Hai là, chủ động tuyên truyền đến công chúng toàn cầu rằng các sản phẩm thực phẩm và phân bón của Nga không chịu các lệnh trừng phạt.
Phát biểu tại phiên họp thứ hai trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 với chủ đề an ninh lương thực và bình đẳng giới, Tổng thống Indonesia nhấn mạnh rằng nội dung trên cần được tuyên truyền sâu rộng nhằm mục đích “ngăn chặn những nghi ngờ kéo dài” trong công chúng quốc tế. Các hoạt động tuyên truyền chuyên sâu này cũng cần được tăng cường tới các bên liên quan như ngân hàng, bảo hiểm, và vận tải. Tổng thống Jokowi cũng kêu gọi các nước G7 và G20 (Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) cùng nhau vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực vốn đe dọa đẩy người dân các nước đang phát triển rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực. Tổng thống Indonesia nhấn mạnh rằng G7 và G20 có trách nhiệm lớn trong việc vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực này, đồng thời hối thúc các nước thành viên thuộc hai nhóm kinh tế lớn này hoàn thành trách nhiệm của mình “ngay bây giờ, và kể từ bây giờ.”
- Uzbekistan khẳng định tình hình Karakalpakstan ổn định
Ngày 3/7, Văn phòng báo chí thuộc Phủ Tổng thống Uzbekistan ra thông báo cho biết tình hình tại vùng Karakalpakstan đã ổn định.
Ông Sherzod Asadov, Thư ký phụ trách báo chí của Tổng thống Shavkat Mirziyoyev. (Nguồn: kun.uz) |
Chia sẻ trên Telegram, ông Sherzod Asadov - Thư ký phụ trách báo chí của Tổng thống Shavkat Mirziyoyev - cho biết: "Tình hình đã ổn định và cuộc sống đang trở lại bình thường."
Hiện Tổng thống Mirziyoyev đã tới thành phố Nukus - thủ phủ của Karakalpakstan. Dự kiến, ông sẽ có các cuộc làm việc với chính quyền địa phương về vấn đề tự trị của vùng lãnh thổ này.
Trước đó, cùng ngày, các hãng tin nước ngoài dẫn lời Tổng thống Mirziyoyev cho biết có thương vong trong thường dân và lực lượng thực thi pháp luật sau khi xảy ra vụ tuần hành phản đối kế hoạch sửa đổi Hiến pháp của chính quyền trung ương, theo đó thay đổi quy chế của Karakalpakstan - hiện là một nước Cộng hòa có chủ quyền thuộc Uzbekistan có phần lớn dân số là người thiểu số Karakalpak. Lực lượng an ninh đã can thiệp khi nhiều người tìm cách xông vào các tòa nhà chính quyền ở Nukus.
- Hơn 100 người chết vì lũ lụt kinh hoàng kéo dài ở Bangladesh:
Theo báo cáo lũ lụt hằng ngày của Trung tâm Điều hành khẩn cấp y tế và Phòng Kiểm soát, công bố ngày 3/7, lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của 102 người ở 27 trong số 64 huyện bị ảnh hưởng lũ lụt.
(Nguồn: globalcitizen) |
Giới chức Bangladesh cho biết số người chết trong đợt lũ lụt kinh hoàng chưa từng có ở Bangladesh từ ngày 17/5 đến 28/6 vừa qua đã lên tới hơn 100 người. Theo báo cáo lũ lụt hằng ngày của Trung tâm Điều hành khẩn cấp y tế và Phòng Kiểm soát, công bố ngày 3/7, lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của 102 người ở 27 trong số 64 huyện bị ảnh hưởng lũ lụt. Đa số các nạn nhân thiệt mạng vì đuối nước, rắn cắn và sét đánh ở các khu vực lũ lụt hoành hành.
Ngoài ra, lũ lụt đã gây ra thiệt hại trên diện rộng, hư hỏng nhiều công trình xây dựng, nhà ở và diện tích lớn đất canh tác ở khu vực Sylhet, Bắc và Đông Bắc Bangladesh. Trong nhiều ngày qua, các đội cứu hộ sử dụng thuyền cung cấp nước uống, thuốc men và lương thực cho người dân sơ tán tới các khu vực cao hơn và các tòa nhà chính quyền. Các tổ chức cứu trợ quốc tế đang hoạt động tại Bangladesh đánh giá tình hình vô cùng nghiêm trọng.
* Nhiều tin tức trong nước đáng chú ý được Thainguyentv.vn đăng tải: Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng; Chủ tịch Quốc hội ký Thỏa thuận hợp tác mới giữa QH Việt Nam-Hungary; Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4...
- Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng:
Sáng 30/6, tại Hà Nội, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN) |
Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 10 năm qua được thể hiện trên các nhóm vấn đề lớn như công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Dưới sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, hoạt động của Ban Chỉ đạo có nhiều đổi mới, nền nếp, bài bản, khoa học, quyết liệt và hiệu quả: tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; quyết liệt chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, với nhiều cơ chế, giải pháp, cách làm bài bản, hiệu quả và không chịu tác động không trong sáng của tổ chức, cá nhân nào; chọn những khâu yếu, việc khó trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc; chú trọng tổng kết thực tiễn, kịp thời sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các tỉnh ủy, thành ủy đang khẩn trương quyết định thành lập và triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở.
- Chủ tịch Quốc hội ký Thỏa thuận hợp tác mới giữa QH Việt Nam-Hungary:
Theo đặc phái viên TTXVN, trưa 27/6 (theo giờ địa phương), ngay sau hội đàm cấp cao tại Nhà Quốc hội Hungary, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hungary László Kövér đã ký Thỏa thuận hợp tác mới giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Hungary.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hungary László Kövér ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTTXVN) |
Theo Thỏa thuận hợp tác vừa được ký, trên cơ sở quan hệ Đối tác toàn diện và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam-Hungary, nhằm tăng cường hợp tác thường xuyên và thiết thực giữa hai Quốc hội, góp phần thúc đẩy và mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai nước và trên cơ sở Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội đã ký kết năm 2008, Quốc hội Việt Nam và Hungary cam kết thúc đẩy hợp tác Quốc hội nhằm tăng cường quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Hungary dựa trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ pháp luật của mỗi nước và phù hợp với các điều ước quốc tế mà mỗi nước là thành viên. Quốc hội hai nước tăng cường trao đổi đoàn cấp Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các hoạt động giao lưu Nghị sỹ hữu nghị khác trên cơ sở phù hợp với nhu cầu và khả năng của mỗi bên. Tăng cường phối hợp tổ chức hội thảo, tọa đàm lập pháp về những nội dung hai bên cùng quan tâm trong khuôn khổ các chuyến thăm chính thức của Lãnh đạo Quốc hội hai nước.
Hai bên triển khai cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên về hoạt động lập pháp; về các điều ước quốc tế song phương, đa phương mà hai bên là thành viên để tăng cường phối hợp giám sát việc thực hiện các điều ước quốc tế này; và các hoạt động khác của Quốc hội phù hợp với quy định của mỗi bên. Hai bên tăng cường tiếp xúc, tham vấn, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện đa phương mà Quốc hội hai nước là thành viên. Thỏa thuận hợp tác có hiệu lực kể từ ngày ký.
- Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4:
Ngày 2/7, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 giúp trẻ tránh mắc bệnh, tránh các hậu quả lâu dài của bệnh, giúp trẻ đến trường an toàn. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN) |
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 4114/VPCP-KGVX ngày 2/7/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19. Để tăng cường kiểm soát dịch, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo: Giao cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục chỉ đạo Bộ Y tế, các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng, hoàn thành theo mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương, quyết liệt hơn nữa việc đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc chữa bệnh, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh và cho công tác phòng, chống dịch trên cả nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Sử dụng kịp thời, hiệu quả số vaccine phòng COVID-19 do Bộ Y tế phân bổ, tránh lãng phí. Bảo đảo đầy đủ, kịp thời thuốc chữa bệnh, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn...
* Các tin tức trong tỉnh trên nhiều lĩnh vực cũng được đăng tải: Công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Nguyên; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho ý kiến vào 10 nội dung quan trọng; Quyết tâm cao, nỗ lực lớn hoàn thành vượt mức nhiệm vụ năm 2022
- Công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Nguyên:
Thực hiện chương trình công tác, ngày 28/6, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025 để thực hiện nhiều nội dung quan trọng.
Toàn cảnh hội nghị. |
Theo Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Nguyên gồm 15 thành viên. Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Các Phó trưởng Ban Chỉ đạo gồm: đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh nhấn mạnh: Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương. Bên cạnh đó, trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đồng chí mong muốn Ban Chỉ đạo sau khi thành lập sẽ tạo khí thế mới trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo sự lan tỏa trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân về tinh thần ngăn chặn, đẩy lùi và chủ động tấn công, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực.
- Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho ý kiến vào 10 nội dung quan trọng:
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã quán triệt, triển khai các văn bản của Bộ Chính trị và tiến hành thảo luận, cho ý kiến đối với 10 nội dung về thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh theo chương trình công tác thường kỳ.
Toàn cảnh hội nghị. |
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó, đề nghị tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng; thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia: đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội; quan tâm công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp, tạo đồng thuận trong toàn xã hội, góp phần giữ vững tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Quyết tâm cao, nỗ lực lớn hoàn thành vượt mức nhiệm vụ năm 2022:
Quyết tâm cao, nỗ lực lớn để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 là chỉ đạo của đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị Đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.
Toàn cảnh hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương rà soát lại toàn bộ các chỉ tiêu, nhiệm vụ, đặc biệt là những chỉ tiêu chưa đạt theo kế hoạch để kịp thời điều chỉnh, khắc phục ngay trong thời gian tới. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: "Tổ chức thực hiện 3 chương trình mục tiêu cho năm 2022 và cả giai đoạn một cách đồng bộ, quyết liệt, đúng quy trình, thủ tục, nhưng phải đảm bảo được mục tiêu, chỉ tiêu; 3 ngành chủ đạo trong chương trình mục tiêu phải có văn bản gửi báo cáo về UBND tỉnh và có phần cam kết với Chủ tịch UBND tỉnh về tổ chức thực hiện; khó khăn, vướng mắc phải báo cáo thường xuyên. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp, các huyện, thành phố phải rà soát thật kỹ và tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện việc tiêm phòng vắc xin, để yên tâm sản xuất, kinh doanh trong tình trạng an toàn nhất".
Đối với các địa phương, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị nghiên cứu các giải pháp, áp dụng quy định của pháp luật tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm; chỉnh trang đô thị; tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai; dành nguồn lực ưu tiên cho các dự án khu dân cư, khu đô thị, đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn; an sinh xã hội... Nêu cao tinh thần kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị người đứng đầu các ngành, lĩnh vực, địa phương tăng cường chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm, gắn với kiểm tra giám sát, thường xuyên; bám sát mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, khả thi để triển khai thực hiện phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2022 và cả nhiệm kỳ.