* Nhiều sự kiện thế giới trong tuần qua đăng tải trên Thainguyentv.vn được dư luận quan tâm: Tấn công khủng bố tại Nigeria làm nhiều người thiệt mạng; Mỹ khuyến nghị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng tuổi;...

- Tấn công khủng bố tại Nigeria làm nhiều người thiệt mạng:

Các nguồn tin dân quân cho biết, các tay súng bị tình nghi liên quan tới tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã giết hại 10 người ngày 18/6 trong đợt bùng phát bạo lực mới nhất tại bang Borno ở Đông Bắc Nigeria.

Tan cong khung bo tai Nigeria lam nhieu nguoi thiet mang hinh anh 1
Binh sỹ Nigeria được triển khai tới hiện trường một vụ tấn công tại Mando, bang Kaduna, ngày 12/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo các nguồn tin trên, các nạn nhân, bao gồm 9 nam giới và 1 phụ nữ, bị các phần tử khủng bố sát hại khi đang tìm sắt vụn từ những phương tiện bị đốt cháy trong các chiến dịch quân sự tại làng Goni Kurmi, gần thị trấn Bama. Quân đội Nigeria được triển khai tại khu vực này hiện chưa bình luận gì về vụ tấn công trên.

Theo Liên hợp quốc, tình trạng bạo lực do các nhóm thánh chiến có liên hệ với IS tại Đông Bắc Nigeria từ năm 2009 đến nay đã làm hơn 40.000 người chết và 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

- Mỹ khuyến nghị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng tuổi:

Hội đồng cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 18/6 đã bỏ phiếu khuyến nghị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 6 tháng tuổi và có khả năng đợt triển khai tiêm phòng trên toàn nước Mỹ cho trẻ ở độ tuổi này sẽ bắt đầu vào tuần tới.

My khuyen nghi tiem vaccine phong COVID-19 cho tre tu 6 thang tuoi hinh anh 1
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer cho trẻ nhỏ ở trung tâm y tế cộng đồng thành phố Los Angeles, bang California (Mỹ). (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Kết quả cuộc bỏ phiếu với tất cả 12 phiếu ủng hộ động thái này đã được Giám đốc CDC Rochelle Walensky ký phê duyệt để Chính phủ Mỹ bắt đầu triển khai.

Trước đó, ngày 17/6, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã nhất trí tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Moderna cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi (2 mũi tiêm, mỗi mũi liều lượng bằng 1/4 liều dành cho người lớn, tiêm cách nhau khoảng 4 tuần). Trong khi đó, vaccine của Pfizer-BioNTech sẽ dành cho trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi (liều dùng bằng 1/10 liều của người lớn và cần tiêm ba mũi. Hai mũi lần đầu tiên được tiêm cách nhau 3 tuần và lần cuối cùng tiêm ít nhất là 2 tháng sau đó).

Hội đồng cố vấn của CDC Mỹ cho biết các mũi tiêm giúp bảo vệ trẻ nhỏ khỏi nguy cơ phải nhập viện, tử vong và các biến chứng lâu dài có thể xảy ra mà vẫn chưa được biết rõ bởi dịch COVID-19. Ước tính khoảng 18 triệu trẻ em Mỹ sẽ đủ điều kiện tiêm, song vẫn còn phải xem cuối cùng bao nhiêu trẻ sẽ được tiêm chủng.

Chính phủ Mỹ đã chuẩn bị cho việc bắt đầu tiêm vào đầu tuần tới, với hàng triệu liều được đặt hàng để phân phối cho các bác sỹ, bệnh viện và phòng khám sức khỏe cộng đồng trên khắp nước Mỹ.

* Nhiều tin tức trong nước đáng chú ý được Thainguyentv.vn đăng tải: Hội nghị của Bộ Chính trị về xây dựng lực lượng Công an nhân dân; Bế mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; Kiểm soát chặt các mặt hàng nhà nước định giá; bảo đảm nguồn cung xăng dầu; mọi học sinh đều được tiếp cận SGK với giá hợp lý;...

- Hội nghị của Bộ Chính trị về xây dựng lực lượng Công an nhân dân:

Sáng 17/6, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hội nghị của Bộ Chính trị về xây dựng lực lượng Công an nhân dân
Hội nghị của Bộ Chính trị về xây dựng lực lượng Công an nhân dân.

Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang… trong tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết.

Tại hội nghị, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã phổ biến, quán triệt các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Bế mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV:

Trong ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua nhiều Luật, Nghị quyết. Như vậy, sau 19 ngày làm việc với tinh thần tích cực, khẩn trương, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành chương trình đề ra và họp phiên bế mạc vào chiều 16/6.

Bế mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV
Toàn cảnh phiên bế mạc.

Trong chương trình làm việc buổi sáng, các đại biểu đã biểu quyết thông qua nghị quyết về một số dự án luật sửa đổi và chủ trương đầu tư xây dựng các công trình, dự án có ý nghĩa, tác động to lớn về kinh tế - xã hội của nhiều địa phương và vùng.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 3 đã xem xét một khối lượng công việc lớn, đạt sự đồng thuận rất cao; quyết định nhiều nội dung quan trọng không chỉ cho năm 2022 mà cả cho giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 5 luật, 16 nghị quyết chuyên đề và nghị quyết chung của kỳ họp; cho ý kiến về 6 dự án luật và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.

Để các luật, nghị quyết đi nhanh vào cuộc sống và sớm phát huy hiệu quả, ngay sau kỳ họp, Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành, các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện kịp thời các luật, nghị quyết vừa được thông qua, khắc phục tình trạng quyết sách đúng, trúng, kịp thời nhưng triển khai chậm, kém hiệu quả.

- Kiểm soát chặt các mặt hàng nhà nước định giá; bảo đảm nguồn cung xăng dầu; mọi học sinh đều được tiếp cận SGK với giá hợp lý:

Chiều 13/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì họp với các bộ, ngành về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, vật tư xây dựng, cước phí vận tải, nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp, giá một số thiết bị vật tư, y tế, giáo dục,…).

Kiểm soát chặt các mặt hàng nhà nước định giá; bảo đảm nguồn cung xăng dầu; mọi học sinh đều được tiếp cận SGK với giá hợp lý
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì họp với các bộ, ngành về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, trong 5 tháng đầu năm, áp lực lạm phát rất cao. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước tiếp tục theo dõi sát, đánh giá, phân tích kỹ lưỡng tình hình để triển khai các giải pháp, cũng như tham mưu cho cấp có thẩm quyền để kiểm soát giá theo mục tiêu Quốc hội giao.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương căn cứ vào các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá triển khai các giải pháp quyết liệt, sát tình hình thực tế; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thiết yếu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.

Đối với quản lý giá một số mặt hàng thiết yếu, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành từ nay đến cuối năm, phải theo dõi sát diễn biến thị trường, tăng cường công tác dự báo, "phải dự báo sớm hơn" để có biện pháp điều hành linh hoạt, đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng, đạt mục tiêu đề ra.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng yêu cầu phải điều hành hết sức linh hoạt, sử dụng Quỹ BOG hợp lý; triển khai các biện pháp đảm bảo nguồn cung và dự phòng phương án nhập khẩu khi cần thiết, không để bị động. Đồng thời, các bộ ngành, địa phương phải tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu xăng dầu qua biên giới.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành: Quản lý chặt giá cước vận tải, đảm bảo mức tăng phù hợp; không để nguồn cung vật liệu xây dựng bị đứt gẫy, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng găm hàng, tăng giá, triển khai các biện pháp để công bố giá sớm, "công bố hàng tháng" để hỗ trợ doanh nghiệp;… Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực; tính toán thận trọng lộ trình tăng học phí, nhất là đối với những cơ sở giáo dục công lập; nghiên cứu kỹ pháp luật về giá để quản lý giá sách giáo khoa phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật, đảm bảo mọi học sinh đều được tiếp cận sách giáo khoa với giá hợp lý.

* Các tin tức trong tỉnh trên nhiều lĩnh vực cũng được đăng tải: Kỳ họp thứ 6 (Kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV; Thái Nguyên tạo ấn tượng và sức hút đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc; Thái Nguyên: Giải ngân trên 1,7 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công...

- Kỳ họp thứ 6 (Kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV:

Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân, Kỳ họp thứ sáu (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Thái Nguyên, khóa XIV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Bế mạc kỳ họp, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đã có bài phát biểu quan trọng, đặt ra nhiều nhiệm vụ, yêu cầu đối với các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn để sớm đưa các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp vào cuộc sống.

Bế mạc Kỳ họp thứ 6 (Kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV
Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp.

Trên cơ sở các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, các vị đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm và chất lượng. Thường trực HĐND, UBND, các Ban HĐND và các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã khẩn trương tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến của đại biểu, để HĐND tỉnh xem xét, biểu quyết thông qua với tỷ lệ thống nhất cao 19 nghị quyết. Trong đó có những nội dung quan trọng, tác động sâu rộng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian trước mắt và những năm tiếp theo như: Các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và một số chính sách đặc thù đã được HĐND tỉnh thông qua.

Để các Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị ngay sau kỳ họp HĐND tỉnh các cơ quan của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương và các vị đại biểu HĐND tỉnh tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm. Đồng chí đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện tốt các nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, nâng cao trách nhiệm, thường xuyên giám sát, kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai thực hiện nghị quyết để phát huy những mặt tích cực và kịp thời, có giải pháp khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn. Đề nghị Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND, các đại biểu HĐND tỉnh bằng các hình thức phù hợp báo cáo kết quả kỳ họp; tuyên truyền các nghị quyết của HĐND tỉnh đến các bậc cử tri và toàn thể nhân dân; đồng thời, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nghị quyết, các đại biểu HĐND tỉnh thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, nhân dân, lắng nghe và phản ánh trung thực ý kiến của các cử tri; tích cực giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cử tri, nhân dân.

Đồng chí cũng đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND tỉnh trong việc chuẩn bị nội dung, kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh sau kỳ họp; đồng thời, tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt các nghị quyết của HĐND tỉnh. UBND tỉnh và các ngành, địa phương có liên quan căn cứ vào Nghị quyết về kế hoạch tổ chức các kỳ họp của HĐND tỉnh năm 2022 để tập trung chuẩn bị kịp thời, chặt chẽ, đúng quy định của luật, bảo đảm chất lượng các nội dung trình kỳ họp thường lệ giữa năm 2022 của HĐND tỉnh dự kiến sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 7.

Thành công của kỳ họp tiếp tục tạo điều kiện và là tiền đề thuận lợi cho một nhiệm kỳ với tinh thần đổi mới nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương.

- Thái Nguyên tạo ấn tượng và sức hút đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc:

Ngày 17/6, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SAIGONTEL) tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề: “Chiến lược đầu tư trong bối cảnh bình thường mới”. Tham dự có lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo 6 tỉnh: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, TP. Hồ Chí Minh và đại diện các tập đoàn đầu tư lớn của Hàn Quốc.

Thái Nguyên tạo ấn tượng và sức hút đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc
Hội nghị xúc tiến đầu tư Chiến lược đầu tư trong bối cảnh bình thường mới 6 tỉnh: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An, TP. Hồ Chí Minh và đại diện các tập đoàn đầu tư lớn của Hàn Quốc.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cung cấp những thông tin quan trọng liên quan đến các cơ chế, chính sách của Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư, khôi phục và phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới hậu COVID-19. Đồng thời, đại điện các bộ, ngành và chính quyền các tỉnh, thành phố đã đối thoại trực tiếp với các nhà đầu tư để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam... Cùng với lãnh đạo một số tỉnh, thành phố tham dự, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã giới thiệu về tiềm năng, lợi thế và những chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đã và đang triển khai đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng cung cấp thêm những thông tin về lĩnh vực này. Chiến lược thu hút đầu tư của Thái Nguyên trong giai đoạn bình thường mới sau đại dịch COVID-19 là tập trung phát triển cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; phát triển khu vực phía Nam của tỉnh; chú trọng thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hình thành và phát triển chuỗi sản xuất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh, tiếp cận các thông tin về thị trường, đầu tư và doanh nghiệp.

Cũng tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định 6 cam kết của tỉnh Thái Nguyên đối với các nhà đầu tư, trong đó nhấn mạnh: “Chính quyền tỉnh Thái Nguyên cam kết luôn sẵn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư bất kể mới hay cũ, đầu tư trong hay ngoài khu công nghiệp đều sẽ nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời trong quá trình thực hiện các dự án”. Những cam kết này đã tạo ấn tượng và sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc. Chính vì vậy, trong buổi thảo luận, nhiều nhà đầu tư đã quan tâm, đặt câu hỏi đến đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh xung quanh một số vấn đề, như: Giải pháp chiến lược của tỉnh để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực do tác động của dịch COVID-19; chính sách thu hút, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới khi đầu tư vào khu vực không phải khu công nghiệp; chính sách ưu đãi đặc thù của Thái Nguyên đối với các nhà đầu tư so với các địa phương khác. Những nội dung trên đã được đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trả lời, giải đáp một cách rõ ràng, thấu đáo và được các nhà đầu tư đánh giá rất cao.

Trong khuôn khổ Hội nghị, đã diễn ra buổi Lễ ký kết các thoả thuận hợp tác giữa Công ty SAIGONTEL với Cơ quan hợp tác cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị Hàn Quốc tại nước ngoài (KIND) và thoả thuận hợp tác giữa Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) với Công ty SAIGONTEL.

- Thái Nguyên: Giải ngân trên 1,7 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công

Lũy kế thanh toán vốn trong toàn tỉnh tính đến cuối tháng 5 đạt gần 1.729 tỷ đồng, ước đến cuối tháng 6 đạt 2.800 tỷ đồng, bằng 50,74% kế hoạch năm được Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, trong 5 tháng qua, UBND tỉnh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 23 dự án với tổng số vốn đầu tư trên 9.650 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 26 dự án. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng ra quyết định thu hồi, chấm dứt hiệu lực quyết định chủ trương đầu tư đối với 8 dự án; Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với 3 dự án. Lũy kế đến cuối tháng 5, toàn tỉnh có 1.035 dự án đầu tư ngoài ngân sách đã có chủ đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 10,7 tỷ USD và khoảng 138 nghìn tỷ đồng./.