Facebook Zalo youtube Tiktok

Điểm sự kiện tuần từ ngày 18/7 đến ngày 24/7/2022

Thái Nguyên
Từ ngày 18/7 đến ngày 24/7/2022, Thainguyentv.vn đã đăng tải nhiều tin tức, sự kiện trên các lĩnh vực: Chính trị - Kinh tế - Văn hóa - Xã hội... diễn ra trên thế giới, trong nước và trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Để giúp quý độc giả tiện theo dõi, chúng tôi điểm lại nội dung chính của những sự kiện đã đăng tải trong tuần.
aa

Các sự kiện thế giới trong tuần qua đăng tải trên Thainguyentv.vn được dư luận quan tâm như: WHO báo động về đợt bùng phát mới của virus chết người; Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough "nóng" nhất từ trước đến nay;...

- Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang báo động về đợt bùng phát mới của virus Marburg sau khi hai ca nhiễm được phát hiện ở Ghana. Đây là lần đầu tiên loại virus chết người giống virus Ebola được tìm thấy ở một quốc gia Tây Phi.

Hãng RT đưa tin, trong một bài viết công bố ngày 17/7, Tổ chức Y tế thế giới cho biết, mẫu máu lấy hồi tháng trước từ hai người ở vùng Ashanti, phía nam Ghana cho thấy cả hai đều nhiễm virus Marburg. Cả hai bệnh nhân đều có các triệu chứng như tiêu chảy, sốt, buồn nôn, nôn và tử vong trong vòng một ngày sau khi nhập viện vào cuối tháng 6. Một người 26 tuổi và một người 51 tuổi.

Hiện, hơn 90 người có tiếp xúc với hai bệnh nhân đã được nhận diện và đang được giới chức y tế khu vực lẫn WHO theo dõi. WHO cho biết, họ đang hỗ trợ cho Ghana bằng cách cung cấp thiết bị bảo hộ, tăng cường giám sát dịch bệnh, xét nghiệm, truy tìm người tiếp xúc và nâng cao sự nhận thức của cộng đồng về những rủi ro và nguy hiểm của bệnh này.

Giám đốc khu vực châu Phi của WHO - Tiến sĩ Matshidiso Moeti nói: "Giới chức y tế đã phản ứng nhanh chóng và bắt đầu chuẩn bị cho một đợt bùng phát có thể xảy ra. Điều đó rất tốt vì nếu không hành động nhanh và dứt khoát, virus Marburg có thể vượt tầm kiểm soát. WHO đang hỗ trợ cho giới chức y tế Ghana và hiện giờ, khi sự bùng phát của virus được công bố, chúng tôi đang chuẩn bị thêm nguồn lực để ứng phó".

Theo WHO, Marburg là loại virus có độ lây nhiễm cao, tương tự như virus Ebola. Bệnh có thể truyền từ vật nuôi nhiễm bệnh, như dơi, sang con người và lây lan giữa người với người thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể của người mắc bệnh. Bệnh xảy ra đột ngột với sốt cao, đau đầu dữ dội. Có điểm cần lưu ý rằng người bệnh có thể xuất huyết trong và ngoài trong vòng 7 ngày kể từ khi nhiễm bệnh.

Hiện chưa có vắc xin cũng như cách điều trị virus này. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các đợt bùng phát dịch virus Marburg trước đây tại châu Phi xảy ra tại Angola, Cộng hòa dân chủ Congo, Kenya, Nam Phi và Uganda. Marburg cũng gây chết người nhiều như virus Ebola. Tỷ lệ tử vong từ 24% đến 88% trong các đợt bùng phát trước, tùy vào các chủng khác nhau và cách xử lý của từng nước.

- Hàng chục nghìn lượt khách đổ về Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough 2022 ở khu vực phía Tây Nam vùng England bất chấp cái nóng đỉnh điểm vượt quá 40 độ C.

Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough
Triển lãm Hàng không Quốc tế Farnborough của Anh sẽ giới thiệu những mẫu máy bay tiên tiến nhất trong lĩnh vực thiết kế hàng không thương mại và quân sự. (Nguồn: Bloomberg/Getty Images)

Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough ngày 18/7 khai mạc tại London, Anh, trong bối cảnh nước này đang trải qua đợt nắng nóng cao điểm.

Hàng chục nghìn lượt khách sẽ đổ về sự kiện kéo dài 5 ngày này diễn ra tại khu vực phía Tây Nam của London.

Nhà phân tích Richard Evans thuộc công ty về cơ sở dữ liệu hàng không Ascend by Cirium cho rằng đây có thể là triển lãm Farnborough nóng nhất từ trước đến nay, do đó nếu du khách đến tham dự sự kiện này cần phải uống đủ nước và đội mũ.

Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Anh (Met Office) đã ban hành cảnh báo đỏ về tình trạng nắng nóng cực đoan khi dự báo khu vực phía Nam vùng England có thể hứng chịu mức nhiệt lần đầu tiên vượt quá 40 độ C vào ngày 18-19/7.

Các nhà tổ chức sự kiện này khẳng định triển lãm vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch và sẽ thiết lập các điểm cung cấp nước uống, các khu vực có mái che và lắp đặt điều hòa ở các phòng triển lãm.

Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough, một trong những triển lãm hàng không dân dụng và quốc phòng lớn nhất thế giới, là sự kiện hàng không toàn cầu đầu tiên được tổ chức kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Giám đốc điều hành triển lãm Farnborough Gareth Rogers cho biết đây là triển lãm hàng không toàn cầu lớn đầu tiên được tổ chức trong vòng 3 năm qua kể từ Triển lãm hàng không Paris Airshow 2019 tại Pháp.

Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough được tổ chức 2 năm một lần, nhưng năm 2020 sự kiện này đã bị hủy bỏ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), hoạt động giao thông hàng không toàn cầu đang dần được phục hồi và trong tháng Năm năm nay đã đạt được hơn 60% so với mức trước khi xảy ra dịch bệnh.

Tuy nhiên, đà phục hồi này lại đang phải đối mặt với những khó khăn do lạm phát tăng cao, trong khi tình trạng thiếu hụt nhân viên đang hạn chế hoạt động của các sân bay và khiến nhiều chuyến bay bị hoãn hủy.

Dự kiến, tại triển lãm năm nay, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến màn trình diễn của đội bay Red Arrow (Anh) và Black Eagles (Hàn Quốc) cũng như của máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do Mỹ sản xuất.

Hai hãng chế tạo máy bay Airbus (châu Âu) và Boeing (Mỹ) cũng sẽ giới thiệu máy bay chở khách thân rộng mới nhất là A350-900 và 777X./.

* Nhiều tin tức trong nước đáng chú ý được Thainguyentv.vn đăng tải: Hội nghị toàn quốc nghiên cứu học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII; Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Đảm bảo nhu cầu ngoại tệ hợp pháp trong nước; ...

Ngày 21/7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hội nghị kết nối điểm cầu Trung ương tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội với 11.661 điểm cầu cấp huyện, cấp xã trên toàn quốc với hơn 1 triệu cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 18/7 đến ngày 24/7/2022
Điểm cầu Trung ương tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội

Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp truyền đạt nội dung về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước thành nước phát triển có thu nhập cao.

Mở đầu phần trao đổi, Thủ tướng nhấn mạnh đây là một chủ đề khó, phức tạp, nhạy cảm liên quan tới quá khứ, hiện tại, tương lai, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra mục tiêu tổng quát hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thủ tướng đã khái quát 5 nội dung chính trong phần trình bày gồm: Các yếu tố nền tảng làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện thể chế về đất đai; Tính cấp thiết về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai; Một số quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp và vấn đề thứ 5 đó là tổ chức thực hiện.

Tiếp đó, các đại biểu đã được Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh truyền đạt nội dung chuyên đề "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái truyền đạt chuyên đề về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”. Đây đều là những nội dung quan trọng được hội nghị trung ương 5 phân tích, đánh giá và xác định các nhiệm vụ trọng tâm của của cả hệ thống chính trị.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 18/7 đến ngày 24/7/2022
Điểm cầu Tỉnh ủy Thái Nguyên.

Đồng chí Nguyễn Quốc Hữu, Bí thư Huyện ủy Phú Lương cho biết: "Thời gian tới Phú Lương sẽ cụ thể Nghị quyết TW5 vào chương trình hành động của Đảng bộ huyện, trong đó tập trung đẩy mạnh kinh tế tập thể, các mô hình HTX, đặc biệt là các sản phẩm được xác định là sản phẩm mũi nhọn, chủ lực của huyện".

Với ý nghĩa hết sức quan trọng, hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết đã được Tỉnh ủy Thái Nguyên chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong toàn Đảng bộ tỉnh với tinh thần, trách nhiệm cao. 212 điểm cầu gồm 01 điểm cầu cấp tỉnh, 18 điểm cầu cấp huyện và 193 điểm cầu cấp cơ sở sẽ góp phần lan tỏa các nội dung, tinh thần của Nghị quyết, tạo thống nhất về nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sau hội nghị, cấp ủy các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhân dân; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, góp phần đưa Nghị quyết Hội nghị nhanh chóng đi vào thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội.

Đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên xác định: "Sẽ chỉ đạo các Đảng bộ cơ sở cho các đảng viên còn lại tiếp tục nghiên cứu học tập nghị quyết và xây dựng chương trình hành động. Đối với Đảng bộ Công ty Gang thép Thái Nguyên trước hết phải quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, khắc phục mọi khó khăn đảm bảo lợi ích của Nhà nước, của cổ đông và người lao động".

Đồng chí Trịnh Hoàng Phượng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Phổ Yên cho biết: "Hội nghị trực thành phố có 19 điểm cầu, gần 500 cán bộ, đảng viên tham dự, đồng thời chỉ đạo các chi bộ trực thuộc xây dựng chương trình hành động cụ thể, chi tiết theo từng lĩnh vực nhằm sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống".

- Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 17/7/2022. Kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về công tác chuẩn bị triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng.

Ngày 17/7/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 207/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về công tác chuẩn bị triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng.

Tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng có vị trí đặc biệt quan trọng, kết nối các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và Hải Phòng-thành phố cửa chính ra biển của Thủ đô và các tỉnh phía Bắc với các cảng biển lớn và cảng hàng không quốc tế.

Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc sẽ tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh, thành phố và cả vùng. Đây là công trình lớn, có ý nghĩa và hiệu quả kinh tế, cần có sự tâm huyết, vào cuộc, đoàn kết, thống nhất của các tỉnh, thành phố và sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình của các bộ, ngành.

Để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng và các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 195/TB-VPCP ngày 04/7/2022 của Văn phòng Chính phủ.

UBND tỉnh Thái Bình báo cáo Bộ Giao thông vận tải để Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền đối với dự án.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với tư vấn thiết kế xác định hướng tuyến, mỏ vật liệu xây dựng, quy mô đầu tư dự án, bảo đảm chặt chẽ theo quy định pháp luật; hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trong tháng 8/2022.

Các bộ, ngành rà soát thủ tục, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ và hướng dẫn UBND tỉnh Thái Bình chuẩn bị triển khai, lập hồ sơ, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, thẩm định, phê duyệt đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình theo đúng quy định pháp luật. Phấn đấu hoàn thành phê duyệt đầu tư dự án trong năm 2022 và khởi công dự án trong năm 2023.

Kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về việc rà soát, hoàn thiện dự thảo các nghị quyết của Chính phủ triển khai dự án xây dựng đường bộ cao tốc: Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 208/TB-VPCP ngày 17/7/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về việc rà soát, hoàn thiện dự thảo các nghị quyết của Chính phủ triển khai dự án xây dựng đường bộ cao tốc: Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng.

Thông báo kết luận nêu rõ: Ngày 16/6/2022, Quốc hội đã có các Nghị quyết số 58/2022/QH15, số 59/2022/QH15 và số 60/2022/QH15 về chủ trương đầu tư xây dựng các dự án đường bộ cao tốc: Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1; trong đó Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế đặc thù được áp dụng trong năm 2022 và 2023 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (Chương trình).

Vì vậy, việc hoàn thiện các thủ tục để sớm triển khai các dự án là rất cấp bách. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan tập trung tối đa để đẩy nhanh tiến độ, trước mắt là trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình; ban hành các nghị quyết của Chính phủ triển khai các nghị quyết của Quốc hội...

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, có chính sách quản lý thị trường ngoại hối phù hợp để ổn định giá trị đồng tiền, đảm bảo nhu cầu ngoại tệ hợp pháp trong nước.

Điểm sự kiện tuần từ ngày 18/7 đến ngày 24/7/2022
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chính sách quản lý thị trường ngoại hối phù hợp để ổn định giá trị đồng tiền, đảm bảo nhu cầu ngoại tệ hợp pháp trong nước.

Văn phóng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 209/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá 6 tháng đầu năm 2022 và định hướng công tác quản lý, điều hành giá 6 tháng cuối năm 2022.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, công tác chỉ đạo, điều hành giá chịu rất nhiều áp lực trong việc kiểm soát lạm phát nhưng với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá cùng sự triển khai tích cực của các bộ, ngành, địa phương đã đánh giá được tình hình và kịp thời đưa ra những giải pháp phù hợp và hiện cơ bản kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra. CPI tháng 6 năm 2022 tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 3,18% so với tháng 12 năm 2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh lạm phát của nhiều nước trên thế giới tăng cao, những kết quả đạt được từ công tác điều hành giá kiểm soát lạm phát ở nước ta trong nửa đầu năm 2022 có sự đóng góp quan trọng của các bộ, ngành, địa phương cũng như sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, trong 6 tháng còn lại của năm 2022, tình hình kinh tế, địa – chính trị thế giới còn rất nhiều phức tạp, diễn biến khó lường, tác động đan xen trong đó có tác động từ việc điều chỉnh chính sách tiền tệ từ nới lỏng sang thắt chặt của nhiều nước tác động đến tỷ giá trong nước, những nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh, thiên tai, bão lụt…. có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ từ đó gây áp lực lớn lên mặt bằng giá. Do đó, công tác quản lý điều hành giá từ nay đến cuối năm không được chủ quan, lơ là, các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung nắm bắt tình hình, nghiên cứu, đánh giá, đưa ra những giải pháp phù hợp trong điều kiện, dư địa cho phép.

Tiếp tục tính toán phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu

Căn cứ các văn bản chỉ đạo từ đầu năm đến nay về công tác điều hành giá năm 2022 của Ban chỉ đạo điều hành giá (văn bản số 882/VPCP-KTTH ngày 10/2/2022, Thông báo số 65/TB-VPCP ngày 02/3/2022, Thông báo số 81/TB-VPCP ngày 24/3/2022, Thông báo số 179/TB-VPCP ngày 22/6/2022 của Văn phòng Chính phủ), các bộ, ngành, địa phương cần chủ động cập nhật tình hình, triển khai các giải pháp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã giao một cách linh hoạt, kịp thời và hiệu quả, góp phần giữ chỉ số CPI theo mục tiêu Quốc hội đề ra, trong đó tập trung vào một số vấn đề sau:

Các bộ, ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải thường xuyên theo dõi, kịp thời có giải pháp để đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, khuyến khích tiêu dùng tại chỗ đối với một số mặt hàng để giảm chi phí vận chuyển.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, có chính sách quản lý thị trường ngoại hối phù hợp để ổn định giá trị đồng tiền, đảm bảo nhu cầu ngoại tệ hợp pháp trong nước; thực hiện chính sách điều hành lãi suất, điều hành tín dụng hợp lý, kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp găm giữ, thao túng thị trường ngoại tệ…

Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, thường xuyên theo sát tình hình chung, tham mưu chính sách, kịch bản phù hợp, linh hoạt, kịp thời nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá; tiếp tục tính toán phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu, đánh giá kỹ tác động đến ngân sách nhà nước để chuẩn bị sẵn phương án khi cần thiết nếu còn dư địa để kiểm soát mặt bằng chung.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng quản lý nhà nước tại địa phương có giải pháp quản lý, bình ổn thị trường, kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có biến động bất thường; theo dõi sát diễn biến giá vật liệu xây dựng để thông báo kịp thời; tăng cường công tác kiểm tra chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới khi giá xăng dầu trong nước thấp hơn các nước trong khu vực; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nhằm ổn định giá cả, cung cầu hàng hóa thị trường.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch, trung thực thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.

Chưa điều chỉnh tăng giá điện

Đối với các mặt hàng cụ thể, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo thẩm quyền thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo quy định; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật giá để đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp. Trong đó:

Đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá tiếp tục thực hiện theo phương án đã được phê duyệt, đối với những hàng hóa, dịch vụ có đề xuất điều chỉnh giá trong thời gian tới cần tính toán chuẩn bị kỹ phương án, đánh giá tác động đến mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều hành cụ thể trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp.

Với mặt hàng điện, trước mắt trong thời gian tới xem xét chưa điều chỉnh tăng, tuy nhiên trước áp lực tăng giá của các nguyên liệu đầu vào cần tiết kiệm chi phí, kiểm soát, tính toán, xử lý những tồn tại liên quan đến chi phí để giữ ổn định giá điện.

Tiếp tục theo dõi tình hình, chủ động điều hành để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước không bị gián đoạn trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu; theo dõi sát diễn biến giá thế giới để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp; nghiên cứu có chính sách hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu.

Về cước phí vận tải, vật liệu xây dựng, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục theo dõi nắm bắt tình hình, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; rà soát việc tăng giá phải phù hợp với diễn biến và cơ cấu của chi phí xăng dầu trong chi phí vận tải.

Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ ngành và địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các mỏ đất, đá, cát xây dựng… xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của các công trình trọng điểm quốc gia.

Với các mặt hàng, dịch vụ khác, tiếp tục theo dõi sát tình hình giá cả thị trường, triển khai quyết liệt các giải pháp cụ thể đã được nêu tại các thông báo, kịp thời phản ánh, đề xuất khi có diễn biến bất thường, trình cấp có thẩm quyền quyết định.

* Tin tức trong tỉnh trên nhiều lĩnh vực cũng được đăng tải: Sớm xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Trung ương; Kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XIV diễn ra thành công tốt đẹp; Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tiếp và làm việc với đoàn công tác Đoàn đại biểu Quốc hội CHDCND Lào; Lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công; Nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý trật tự xây dựng;...

- Ngày 22/7, Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục ngày làm việc thứ 2. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự, chỉ đạo hội nghị.

Sớm xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Trung ương
Điểm cầu tỉnh Thái Nguyên.

Tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã truyền đạt chuyên đề về: "Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới".

Đồng chí nhấn mạnh những kết quả đạt được có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sở.

Phát biểu kết luận, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị, ngay sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục tuyên truyền, nghiên cứu học tập, quán triệt cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thấm nhuần sâu sắc 4 Nghị quyết mà Hội nghị Trung ương 5 đã ban hành, nhất là những vấn đề cơ bản, hệ trọng, liên quan mật thiết và tác động nhiều chiều tới đời sống nhân dân và sự phát triển của đất nước.

Chỉ đạo đối với các điểm cầu của tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cấp ủy các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhân dân; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, góp phần đưa Nghị quyết nhanh chóng đi vào thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra.

- Sau hai ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, Kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XIV đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. HĐND tỉnh đã thảo luận, xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng với sự đồng thuận, thống nhất cao.

Kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XIV diễn ra thành công tốt đẹp

Kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XIV đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Các đại biểu HĐND tỉnh đã thống nhất và thông qua 22 nghị quyết với tỷ lệ biểu quyết 100%, thể hiện sự đồng thuận cao của các đại biểu HĐND tỉnh tham dự kỳ họp. Trong đó, có một số nội dung quan trọng như: Nghị quyết về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022; Nghị quyết ban hành Chương trình giám sát của HĐND tỉnh năm 2023; Nghị quyết về việc thông qua Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết thông qua Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 và một số nghị quyết về cơ chế, chính sách đối với cán bộ ở cơ sở, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, giảm lệ phí để khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, cụ thể hóa Chương trình chuyển đổi số của tỉnh.

Kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa XIV diễn ra thành công tốt đẹp

Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại kỳ họp.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới: “Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện tốt các nghị quyết vừa được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua; tập trung rà soát, bổ sung những giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện của tỉnh để tổ chức thực hiện, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri, các ý kiến chất vấn của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh để giải quyết tốt, kịp thời các ý kiến, kiến nghị nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp chặt chẽ với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trong việc chuẩn bị nội dung kế hoạch tiếp xúc cử tri sau kỳ họp của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tăng cường giám sát công tác tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết, các ý kiến cam kết của các cơ quan quản lý Nhà nước và người đứng đầu các sở, ban, ngành qua phiên giải trình và chất vấn để tổ chức thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2022”.

Với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, đổi mới, kiến tạo, Kỳ họp thứ Bảy, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã diễn ra thành công. Đây sẽ là những nền tảng quan trọng để các cấp, ngành khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.

- Ngày 20/7, Đoàn công tác của Đoàn Đại biểu Quốc hội Lào do đồng chí Xủn-thon Xay-nha-chắc, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Bí thư BCH Đảng bộ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Lào - Việt Nam làm Trưởng đoàn đã thăm và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tiếp và làm việc với đoàn công tác Đoàn đại biểu Quốc hội CHDCND Lào

Toàn cảnh buổi làm việc.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ vui mừng khi được đón tiếp Đoàn và thông tin nhanh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó nhấn mạnh: Thái Nguyên luôn chú trọng công tác đối ngoại, đặc biệt với các địa phương của Lào nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Tỉnh Thái Nguyên mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, quan tâm của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội trong việc phối hợp đối ngoại, mở rộng mối quan hệ với các địa phương trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, mong muốn đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Lào tiếp tục giúp đỡ tỉnh trong việc kết nối, mở rộng hợp tác với các tỉnh của Lào trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về giáo dục đào tạo và phát triển kinh tế.

- Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), ngày 21/7 đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà một số gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn xã Phục Linh, huyện Đại Từ.

Lãnh đạo tỉnh thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà một số gia đình chính sách, người có công với cách mạng tại xã Phục Linh, huyện Đại Từ.

Đoàn đã đến thăm, động viên và tặng quà gia đình ông Đào Huy Cận, sinh năm 1952, là bệnh binh 65%, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; gia đình bà Nguyễn Thị Mạc, sinh năm 1923, là vợ liệt sỹ và gia đình ông Nguyễn Đình Chế, sinh năm 1948, là thương binh 25%.

Tại những nơi đến thăm, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên trong Đoàn công tác đã ân cần hỏi thăm sức khỏe, bày tỏ lòng biết ơn trước sự hy sinh, cống hiến của các Anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các gia đình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, là tấm gương sáng, vận động con cháu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

- Trong thời gian qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn, tốc độ phát triển đô thị của huyện Phú Bình diễn ra khá nhanh. Vì vậy, công tác quản lý trật tự đô thị nói chung, đặc biệt là trật tự xây dựng nói riêng đã được huyện Phú Bình quan tâm, coi trọng; từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị, hướng tới mục tiêu xây dựng huyện cơ bản đạt tiêu chuẩn của thị xã trước năm 2025.

Phú Bình nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý trật tự xây dựng

Trong quá trình xây dựng, chủ hộ đã tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý trật tự xây dựng, mỹ quan đô thị.

Công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ được khởi công xây dựng từ đầu năm 2022. Trong quá trình xây dựng, chủ hộ đã tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý trật tự xây dựng, mỹ quan đô thị như: Xin cấp phép xây dựng, thông báo cho chính quyền địa phương ngày bắt đầu khởi công; đồng thời có cam kết liên quan đến việc an toàn lao động, vệ sinh môi trường…

Là đô thị trung tâm của huyện Phú Bình, thị trấn Hương Sơn có 15 khu dân cư, tổ dân phố với diện tích gần 10km². Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đơn vị còn quan tâm, chú trọng đến lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi làm các thủ tục xin cấp phép xây dựng, tổ chức tiếp nhận, thụ lý hồ sơ xin cấp phép cải tạo, sửa chữa và xây dựng nhà ở cho nhân dân theo đúng quy trình, quy định.

Phú Bình nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý trật tự xây dựng

Công tác quản lý trật tự đô thị nói chung, đặc biệt là trật tự xây dựng nói riêng đã được huyện Phú Bình quan tâm, coi trọng.

Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 xây dựng mục tiêu đưa Phú Bình cơ bản đạt tiêu chuẩn của thị xã trước năm 2025. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xác định là công tác quản lý đất đai, quy hoạch, trật tự xây dựng và mỹ quan đô thị. Huyện đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về lĩnh vực xây dựng và mỹ quan đô thị; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, giải quyết thấu tình đạt lý quyền lợi của nhân dân, trên cơ sở thượng tôn pháp luật.

Với những cách làm cụ thể, thiết thực, công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, mỹ quan đô thị sẽ là điểm nhấn để xây dựng huyện Phú Bình sớm trở thành đô thị mới ngày một văn minh, hiện đại, xứng tầm với vị trí, vai trò hiện có của địa phương.

Thu Hương tổng hợp

Tin mới hơn

Điểm sự kiện tuần từ ngày 30/5 đến ngày 5/6/2022

Triển khai các nội dung diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Thái Nguyên năm 2024

Ngày 20/11, Ban Chỉ đạo diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh Thái Nguyên năm 2024 tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch, kịch bản, phân công nhiệm vụ diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp bộ năm 2024 tại trung tâm công nghiệp GNP Yên Bình II (Công ty TNHH Modern Shine Việt Nam) thuộc phường Đồng Tiến, TP. Phổ Yên.
Điểm sự kiện tuần từ ngày 30/5 đến ngày 5/6/2022

Vinh quang người giáo viên nhân dân

Cùng với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của cả nước, những năm qua, ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Với sự quan tâm của toàn xã hội, trên 26.000 cán bộ, nhà giáo đã và đang nỗ lực tạo ra sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng giáo dục và đào tạo. Trong mọi hoàn cảnh, các thầy giáo, cô giáo luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Điểm sự kiện tuần từ ngày 30/5 đến ngày 5/6/2022

Đại học Thái Nguyên tôn vinh các nhà giáo tiêu biểu

Sáng ngày 20/11, đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đến dự, chúc mừng các thế hệ thầy giáo, cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục Đại học Thái Nguyên. Tham dự có đồng chí Đặng Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đại học Thái Nguyên qua các thời kỳ cùng đại diện lãnh đạo các trường thành viên và các đơn vị trực thuộc.
Điểm sự kiện tuần từ ngày 30/5 đến ngày 5/6/2022

Ký kết hợp đồng tài trợ đội bóng đá nữ Thái Nguyên T&T giai đoạn 2025-2030

Chiều ngày 20/11, UBND tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn T&T Group đã tổ chức Chương trình ký kết hợp đồng tài trợ đội bóng đá nữ Thái Nguyên T&T giai đoạn 2025-2030 và Trao thưởng cho đội bóng. Tham dự chương trình có đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Lãnh đạo Tập đoàn T&T Group có ông Đỗ Vinh Quang, Phó Chủ tịch HĐQT.
Điểm sự kiện tuần từ ngày 30/5 đến ngày 5/6/2022

Nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào ở vùng đặc biệt khó khăn

Trong 3 ngày, từ 20-22/11, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị Phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Tin bài khác

Tin 24h ngày 19/11/2024

Tin 24h ngày 19/11/2024

Thái Nguyên đào tạo nhân lực công nghiệp bán dẫn, AI
Nâng tầm giá trị nông sản

Nâng tầm giá trị nông sản

Tăng cường sản xuất, chế biến theo chuỗi các sản phẩm nông nghiệp được xác định là giải pháp quan trọng nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh cho nông sản. Qua đó, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với xây dựng NTM nâng cao.
Phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Trong không khí kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2024), đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đến chúc mừng Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên.
Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 ở mức cao nhất

Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 ở mức cao nhất

Sáng ngày 18/11, đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Phiên họp thứ 38 của UBND tỉnh để thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, cho ý kiến các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trình kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh. Đây là phiên họp với nhiều nội dung quan trọng, liên quan đến nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và năm tiếp theo. Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tham dự và phát biểu chỉ đạo phiên họp. Dự phiên họp có lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh.
Đại hội Chi bộ tổ dân phố Cầu Gáo, phường Bách Quang, Sông Công

Đại hội Chi bộ tổ dân phố Cầu Gáo, phường Bách Quang, Sông Công

Ngày 17/11, đồng chí Dương Xuân Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy đã dự Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2025-2027 của tổ dân phố Cầu Gáo, phường Bách Quang, TP. Sông Công.
Xem thêm

Đọc nhiều

Cách dịch biển số xe xấu-đẹp tại Việt Nam

Cách dịch biển số xe xấu-đẹp tại Việt Nam

Có rất nhiều cách luận biển số tại Việt Nam, trong đó dựa trên phát âm và giá trị là hai cách phổ biến nhất. Quan niệm xấu, đẹp về biển số tại Việt Nam có ...
Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục

Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục

Vì sinh mệnh chính trị của Đảng, vì sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, các cấp ủy đảng từ Trung ương ...
[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó

[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó

Trong 3 ngày qua, Thái Nguyên phát hiện 11 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, gồm 3 trường hợp tại huyện Đồng Hỷ (ngày 31/10, cách ly từ khi trở về Thái Nguyên), 8 trường ...
Khu cách ly tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hoạt động

Khu cách ly tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hoạt động

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra,cùng với cả nước, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ ...
Thái Nguyên: 99 ca nghi nhiễm Covid-19, ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (ngày 30/11)

Thái Nguyên: 99 ca nghi nhiễm Covid-19, ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (ngày 30/11)

Thái Nguyên công bố 99 ca nhiễm Covid-19 mới, cập nhật sáng 30/11. Tổng số ca mắc Covid-19 lũy tích từ 01/01/2021 đến nay: 410 ca
Xem trên
[Megastory] Thái Nguyên: Triển vọng từ mô hình chăn nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung  nguyên liệu chè xanh

[Megastory] Thái Nguyên: Triển vọng từ mô hình chăn nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh

Với mong muốn phát triển một sản phẩm chăn nuôi mang thương hiệu của ngành nông nghiệp địa phương, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Đề tài Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi lợn ...
[Megastory] Ký ức Lễ trình quốc thư đầu tiên

[Megastory] Ký ức Lễ trình quốc thư đầu tiên

70 năm đã trôi qua, ký ức về những ngày chuẩn bị tiếp quản thủ đô vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử trên ATK Đại Từ, Thái Nguyên. Một sự kiện ngoại giao quan ...
[Infographic] Nhìn lại công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

[Infographic] Nhìn lại công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã đi qua để lại hậu quả thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân các tỉnh miền Bắc nói chung và tỉnh Thái ...
[Infographic] Kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên 9 tháng năm 2024

[Infographic] Kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên 9 tháng năm 2024

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên trong 9 tháng năm 2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, tiếp ...
[Photo] Mùa lúa ở Bản Tèn

[Photo] Mùa lúa ở Bản Tèn

Cảnh sắc Bản Tèn vào mùa lúa chín luôn là điều gì đó khiến nhiều người nhất định phải chinh phục trong hành trình du lịch vùng cao. Vẻ đẹp thơ mộng, bình yên của ...
Tự hào cờ đỏ sao vàng

Tự hào cờ đỏ sao vàng

Lá cờ nền đỏ với ngôi sao vàng 5 cánh luôn gắn liền với những sự kiện lịch sử hào hùng, là động lực để cán bộ, đảng viên và nhân dân ta phấn đấu, ...
[Infographic] Thái Nguyên: Khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên

[Infographic] Thái Nguyên: Khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên

UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 1908/QĐ-UBND về việc ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông ...