Facebook Zalo youtube Tiktok

Tin 24h ngày 17/12/2024

Việt Nam
Còn hơn một tháng nữa đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tại chợ hoa Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội) nhiều tiểu thương đã bày bán những cành đào, chậu quất mini, cành mận Tây Bắc... phục vụ người dân có nhu cầu chơi Tết sớm.
aa

Hà Nội: Đào quất xuống phố “ngóng” người mua chơi Tết sớm

Tin 24h ngày 17/12/2024
Những năm gần đây, người Hà Nội ưa chuộng các loại hoa mận, hoa đào Tây Bắc bày trong dịp Tết.

Những ngày này, tại chợ hoa Quảng An đã bắt đầu bày bán những cành đào Nhật Tân, cành mận Tây Bắc, chậu quất mini và nhiều loài hoa để chơi Tết, thu hút sự chú ý của người dân.

Anh Nguyên Văn Hùng, tiểu thương tại chợ hoa Quảng An cho biết: "Đào bày bán ở chợ là những cành đào nở sớm, phục vụ khách hàng có nhu cầu trang trí trong dịp Tết Dương lịch sắp tới. Còn đào phục vụ Tết Âm lịch bây giờ mới đang tuốt lá ở vườn, nếu thời tiết duy trì lạnh như hiện nay, khoảng 30 ngày nữa sẽ có hoa đào nở".

Khảo sát tại chợ hoa Quảng An, mức giá những cành đào, chậu quất cảnh mini không chênh lệch nhiều so với năm ngoái. Đào nhỏ, nhiều nụ có giá từ 150.000 - 200.000 đồng/cành; đào huyền có giá từ 600.000 - 2.000.000 đồng/cành tùy kích cỡ; các chậu quất cảnh mini có giá khoảng 350.000 đồng/chậu. Theo các tiểu thương ở chợ hoa Quảng An, bão số 3 Yagi khiến nhiều diện tích trồng đào, quất ven sông Hồng bị thiệt hại, nên giá năm nay có tăng nhẹ so với năm ngoái.

Anh Nguyễn Minh Đức (Tây Hồ, Hà Nội) khá bất ngờ khi thấy đào, quất được bày bán sớm, nên đã ghé vào tham khảo và chọn mua một cành đào nhỏ để trưng bày trên bàn thờ và một chậu quất cảnh mini để bày biện trong phòng khách.

"Năm nào gia đình tôi cũng mua đào, quất từ Tết Dương lịch để trong nhà có không khí Tết, cảm giác sum vầy, đầm ấm. Giá đào, quất năm nay không tăng nhiều so với năm ngoái, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng", anh Đức cho biết. Tại chợ hoa Quảng An, các tiểu thương cũng đã bày bán những cành mận, cành đào Tây Bắc để phục vụ người dân chơi Tết sớm. Hoa mận Tây Bắc chơi được lâu, có thể chơi từ 1 - 2 tháng, giá cả hợp lý, dễ chăm sóc, nên được nhiều khách hàng yêu thích.

Cứ 220 người dùng điện thoại thông minh có 1 người bị lừa đảo

Theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, lừa đảo trực tuyến đang tiếp tục gia tăng báo động, cứ 220 người dùng điện thoại thông minh có 1 người trở thành nạn nhân của lừa đảo; thiệt hại ước tính trong năm 2024 lên đến 18.900 tỷ đồng.

Ngày 16/12, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia có Báo cáo tổng kết An ninh mạng năm 2024 lĩnh vực người dùng cá nhân, dựa trên khảo sát do Ban Công nghệ của Hiệp hội thực hiện trong tháng 12/2024 theo hình thức trực tuyến, thu hút trên 59.000 người tham gia.

Lừa đảo trực tuyến: Không gian ảo nhưng thiệt hại thật

Lừa đảo trực tuyến tiếp tục hoành hành, gây những hậu quả nặng nề với hàng trăm nghìn người dùng Việt Nam trong năm 2024. Theo khảo sát của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cứ 220 người dùng thì sẽ có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, tỷ lệ là 0,45%. Tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Lừa đảo trực tuyến gia tăng trong năm 2024.

Thực tế cho thấy số nạn nhân bị lừa đảo lớn nhưng số có thể lấy lại được tiền rất nhỏ. Khi bị mắc bẫy lừa đảo, mặc dù 88,98% người dùng cho biết họ đã ngay lập tức cảnh báo, trao đổi với người thân bạn bè, nhưng chỉ có 45,69% người được hỏi trả lời có báo cáo với cơ quan chức năng, đây là tỷ lệ khá thấp.

Theo chuyên gia của Hiệp hội, việc báo cáo với các cơ quan chức năng khi gặp lừa đảo là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi của bản thân nạn nhân và ngăn chặn các hành vi phạm pháp. Thứ nhất, việc báo cáo sẽ giúp cơ quan chức năng có thông tin kịp thời để điều tra, thu thập bằng chứng, từ đó tăng khả năng truy bắt và xử lý các đối tượng lừa đảo. Thứ hai, việc báo cáo cũng có thể giúp người bị hại phục hồi một phần hoặc toàn bộ tài sản bị chiếm đoạt, đặc biệt khi cơ quan chức năng can thiệp sớm và phong tỏa được tài sản liên quan.

Hơn nữa, mỗi vụ lừa đảo được báo cáo sẽ góp phần vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu về các chiêu trò, phương thức hoạt động của các đối tượng, từ đó cảnh báo cộng đồng, ngăn ngừa các đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, gây thiệt hại cho nhiều người khác. Do đó, báo cáo không chỉ bảo vệ cá nhân mà còn đóng góp vào việc xây dựng một môi trường mạng an toàn, minh bạch, lành mạnh hơn cho cộng đồng.

Các hình thức lừa đảo phổ biến

Hình thức tấn công người dùng của các đối tượng lừa đảo rất đa dạng và tinh vi. Trong đó 3 hình thức phổ biến nhất năm 2024 gồm: Dụ dỗ người dùng tham gia các chiêu trò đầu tư giả, hứa hẹn lợi nhuận cao; giả mạo danh tính cơ quan, tổ chức; lừa thông báo trúng thưởng, khuyến mãi lớn.

Theo kết quả khảo sát, 70,72% người dùng từng nhận được lời mời đầu tư tài chính vào các sàn giao dịch không rõ nguồn gốc nhưng cam kết không rủi ro, lợi nhuận cao; 62,08% cho biết gặp phải các cuộc gọi mạo danh cơ quan, tổ chức (công an, toà án, thuế, ngân hàng…) để thúc giục cài phần mềm hoặc đe doạ phải chuyển tiền để chứng minh trong sạch do liên quan vi phạm pháp luật. 60,01% cho biết nhận được các thông báo trúng thưởng, khuyến mãi cao nhưng thông tin rất mập mờ, bất thường.

Bên cạnh các kịch bản tinh vi, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng nhiều công nghệ hiện đại như: Công nghệ trí tuệ nhân tạo Deepfake để tạo video, giọng nói giả mạo nhằm xây dựng lòng tin từ nạn nhân; ứng dụng công cụ tự động (chatbot) để giao tiếp liên tục với nạn nhân; dùng phần mềm chuyên dụng trên máy tính để thực hiện cuộc gọi viễn thông, tiếp cận nhiều người cùng lúc… Việc ứng dụng công nghệ cao khiến cho nhiều nạn nhân khi tiếp xúc các nội dung giả mạo đã không phân biệt được thật - giả, dẫn tới dễ bị mắc lừa.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng Ban Công nghệ (Hiệp hội An ninh mạng quốc gia) khuyến cáo: “Tấn công lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục hoành hành trong năm 2025. Bên cạnh các biện pháp từ cơ quan quản lý, người dùng vẫn cần nâng cao cảnh giác, kỹ năng an toàn khi tham gia không gian mạng. Không chia sẻ thông tin cá nhân với những người không quen biết hoặc dịch vụ không tin tưởng. Cần xác minh kỹ lưỡng bất kỳ cuộc gọi hay trao đổi nào liên quan đến chuyển tiền. Sử dụng ứng dụng phòng chống lừa đảo nTrust để lọc và ngăn chặn các số điện thoại lừa đảo, website độc hại”.

Dữ liệu cá nhân: Mồi ngon cho tin tặc

Năm 2024, tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân tại Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Có tới 66,24% người dùng xác nhận rằng thông tin của họ từng bị sử dụng trái phép. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó theo kết quả khảo sát thì 73,99% người dùng nhận định bị lộ lọt do họ cung cấp thông tin khi mua hàng trực tuyến. Bên cạnh đó, 62,13% cho rằng nguyên nhân tới từ chia sẻ thông tin trên mạng xã hội và 67,00% cho rằng lộ lọt trong quá trình sử dụng dịch vụ thiết yếu như nhà hàng, khách sạn, siêu thị.

Theo chuyên gia của Hiệp hội An ninh mạng, đây cũng là những nguyên nhân phổ biến trên thế giới. Một người dùng hiện nay thường có từ 2,3 tài khoản và sử dụng mạng xã hội, truy cập hàng chục trang web thương mại điện tử, cung cấp thông tin cho hàng trăm cửa hàng, khách sạn, siêu thị trong các hoạt động thường ngày. Điều này khiến cho thông tin cá nhân được thu thập, lưu trữ ở hàng trăm hệ thống khác nhau. Trong khi việc đảm bảo an ninh dữ liệu cho các hệ thống này không đồng nhất, có những nguy cơ bị tấn công, rò rỉ dữ liệu từ quy trình vận hành, con người hay lỗ hổng an ninh mạng.

Bên cạnh đó, nhiều người dùng cũng thiếu ý thức trong bảo vệ thông tin cá nhân, sẵn sàng cung cấp cho người khác mà không cần kiểm tra lại xem thông tin của mình được dùng để làm gì. Các chuyên gia nhận định rằng lộ lọt dữ liệu không chỉ gây phiền toái cho người dùng mà còn tạo điều kiện cho các hành vi lừa đảo tinh vi hơn. Tin tặc thường kết hợp dữ liệu cá nhân với các công nghệ như AI để tạo ra các kịch bản lừa đảo đánh trúng tâm lý, dễ thuyết phục nạn nhân.

Hiệp hội An ninh mạng khuyến cáo, người dùng nên hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân nhạy cảm trên mạng xã hội. Trước khi cung cấp thông tin, cần kiểm tra kỹ lưỡng uy tín của các website và doanh nghiệp. Sử dụng mật khẩu mạnh, khác biệt cho mỗi tài khoản và kích hoạt xác thực hai yếu tố (2FA) để bảo vệ các tài khoản cá nhân.

Cuộc gọi rác: Cuộc chiến chưa hồi kết

Chỉ có 4,46% người dùng tham gia khảo sát cho biết không bị làm phiền bởi các cuộc gọi rác (spam) trong năm 2024. Có tới 95,54% người dùng đã bị làm phiền bởi các cuộc gọi không mong muốn, trong đó 52,96% thỉnh thoảng bị làm phiền với tần suất trung bình vài cuộc gọi mỗi tháng, 42,58% thường xuyên nhận được cuộc gọi spam hàng tuần.

Thống kê từ hệ thống nTrust, giải pháp phòng chống lừa đảo của Hiệp hội, chỉ trong 6 tháng cuối năm 2024 đã ghi nhận 134.000 báo cáo liên quan đến các số điện thoại lừa đảo. Hệ thống nTrust cũng liên tục phải cập nhật mới các số điện thoại lừa đảo, làm phiền, danh sách cập nhật trong năm 2024 lên tới 296.000 số điện thoại spam, lừa đảo.

Mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đã liên tục rà soát, yêu cầu cập nhật thông tin thuê bao để xử lý mạnh tay các số điện thoại rác, ngăn chặn tình trạng spam. Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng các đối tượng thuê người dân đăng ký số điện thoại bằng thông tin chính chủ, sau đó mua lại chúng để sử dụng. Các đối tượng sau đó cắm sim vào thiết bị chuyên dụng, sử dụng phần mềm trên máy tính để thực hiện hàng chục cuộc gọi cùng lúc.

Chuyên gia Hiệp hội khuyến cáo, người dùng cần cẩn trọng, không bắt chuyện với các cuộc gọi không có số định danh (brand name) hoặc không có trong danh bạ (số lạ). Lưu ý rằng các cơ quan quản lý nhà nước không làm việc với người dân qua điện thoại. Kết thúc ngay cuộc gọi nếu thấy nội dung không liên quan tới nhu cầu của mình để tránh bị lừa đảo. Có thể sử dụng các tính năng chặn cuộc gọi có trên điện thoại, hoặc sử dụng các ứng dụng chặn cuộc gọi spam như nTrust để bảo vệ tự động.

Mã độc tấn công người dùng cá nhân: Mối đe dọa vẫn hiện hữu

Năm 2024 thế giới đã chứng kiến nhiều xu hướng mới, trong đó có sự chuyển dịch mục tiêu tấn công mã độc từ khu vực cá nhân sang tấn công tổ chức. Tuy nhiên theo ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ của Hiệp hội: “Mặc dù mục tiêu có thể là tấn công tổ chức nhưng khi triển khai, các nhóm tin tặc luôn chọn tấn công người dùng để làm bàn đạp đầu tiên. Trong nhiều năm tới, người dùng cá nhân vẫn là mục tiêu ưa thích của các loại mã độc”.

Theo khảo sát, có tới 23,40% người dùng bị tấn công bởi mã độc ít nhất 1 lần trong năm, gây ảnh hưởng nhiều đến công việc của họ. Trong đó có tới 9,65% người dùng đã bị tấn công bởi mã độc mã hoá dữ liệu tống tiền. Xu hướng vừa làm việc cơ quan, vừa giải quyết việc cá nhân trên cùng một thiết bị đã trở nên phổ biến. Nếu bị mã độc tấn công, người dùng sẽ phải đối diện với rất nhiều nguy cơ, trong đó nguy cơ lớn nhất là mất cắp, lộ lọt dữ liệu công việc, dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Mã độc cũng có thể chiếm quyền điều khiển thiết bị, nằm vùng, theo dõi hoạt động của nạn nhân để gây thiệt hại lâu dài.

Nguyên nhân phổ biến nhất khiến thiết bị nhiễm mã độc là do người dùng cài đặt ứng dụng từ các nguồn không rõ ràng. Theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, có tới 31,36% người dùng thừa nhận từng tải phần mềm từ các đường link gửi qua email, chat hoặc mạng xã hội. Những đường dẫn này thường được kẻ xấu ngụy trang dưới dạng các nội dung hấp dẫn như “phần mềm miễn phí” hay “phần mềm bẻ khoá”, người dùng không cảnh giác nên vô tình tự cài đặt mã độc.

Trong năm 2024, thông qua hệ thống nTrust, Hiệp hội An ninh mạng đã cập nhật trên 875.000 địa chỉ (IP), tên miền (domain) nguy hiểm. Trong đó phần lớn là các địa chỉ, tên miền phát tán mã độc. Chuyên gia khuyến cáo, người dùng cần tránh tải xuống phần mềm từ các nguồn không rõ ràng, đặc biệt không tải từ các đường link nhận được qua chat, email. Khi có nhu cầu cài đặt phần mềm, hãy truy cập trực tiếp các kho ứng dụng chính thống hoặc các website được cung cấp chính thức của nhà sản xuất; Thường xuyên cập nhật hệ điều hành để vá các lỗ hổng, cài đặt các phần mềm diệt virus uy tín và sao lưu dữ liệu định kỳ để giảm thiểu thiệt hại khi bị tấn công.

Năm 2025: Mã độc có khả năng tự nâng cấp

Năm 2025 sẽ tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), điện toán lượng tử. Các mã độc sẽ có khả năng tự nâng cấp, công nghệ Deepfake được cải tiến và các công cụ AI tạo sinh khác sẽ giúp kẻ xấu tạo nội dung giả mạo khó lường hơn. Điện toán lượng tử, dù còn ở giai đoạn sơ khai, nhưng cũng có khả năng phá vỡ các thuật toán mã hóa truyền thống, gây lo ngại lớn cho việc bảo vệ dữ liệu.

Hacker sẽ sử dụng AI để tự động hóa các cuộc tấn công. Công nghệ 5G phát triển sẽ kéo theo số lượng thiết bị IoT tăng mạnh, cùng với đó sẽ có nhiều lỗ hổng bảo mật trên các thiết bị này có thể bị khai thác, từ camera an ninh, đồng hồ thông minh đến thiết bị gia dụng.

CSGT dùng xe đặc chủng đưa trẻ sơ sinh suy hô hấp đến bệnh viện cấp cứu kịp thời

Ngày 17/12, Cục CSGT cho biết, tổ công tác của Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1 (Phòng Hướng dẫn Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục CSGT) vừa dùng ô tô tuần tra hỗ trợ, đưa một trẻ sơ sinh bị suy hô hấp đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.

Trước đó, khoảng 18h ngày 16/12, tổ công tác Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1 (Cục CSGT) đang làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm tại Km 6 cao tốc Nội Bài - Lào Cai (trạm thu phí), nhận được lời đề nghị trợ giúp từ tài xế điều khiển ô tô con mang BKS 19A- 100.xx về việc trên xe có 1 trẻ sơ sinh đang cần đi cấp cứu nhưng lái xe không thuộc đường nên lo lắng sẽ làm chậm trễ thời gian.

Ngay lúc này, đồng chí Nguyễn Thanh Hải - cán bộ tổ công tác nhanh chóng kiểm tra phương tiện thì thấy có 2 người lớn bế 1 trẻ sơ sinh đang thở oxy, mặt cháu bé tím tái có dấu hiệu suy hô hấp.

Sau khi báo cáo nhanh về chỉ huy đơn vị, tổ công tác đã sử dụng ô tô tuần tra đưa cháu bé cùng người nhà đến Bệnh viện nhi Trung ương cấp cứu. Nhờ sự giúp đỡ kịp thời của các cán bộ CSGT, hiện sức khỏe cháu bé đã ổn định.

Được biết, mẹ cháu bé là chị T.T.B.N (SN 1993, trú tại Lâm Thao, Phú Thọ). Cháu bé được cấp cứu là N.G.M (2 tháng tuổi), được chẩn đoán bị nhiễm khuẩn đường hô hấp dẫn đến suy hô cấp.

Lai Châu: Tìm thấy cháu bé mầm non bị lạc trong thời tiết giá lạnh

Chú thích ảnh
Sau 10 giờ nỗ lực tìm kiếm, cháu Hảng Thị Duyên đã được tìm thấy tại khu vực chân núi, cách nhà khoảng 1km. Ảnh: TTXVN phát

Nhận được tin một học sinh mầm non bị mất tích sau khi tan học về nhà, Công an xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) huy động 100 người phối hợp với lực lượng Biên phòng Sin Suối Hồ tìm kiếm xuyên đêm. Sau 10 giờ nỗ lực, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện bé gái bị lạc.

Trước đó, khoảng 22 giờ, ngày 16/12, Công an xã Nậm Xe nhận được tin báo của người dân bản Van Hồ 1 về việc cháu H.T.D. (sinh năm 2022), học sinh mầm non tại điểm trường Van Hồ 1, bị mất tích sau khi tan học về nhà.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an xã Nậm Xe đã nhanh chóng triển khai lực lượng xuống hiện trường xác minh. Qua thu thập thông tin và dấu vết để lại gồm cặp sách, đôi dép và chiếc quần trên bờ ao gần nhà, Công an xã xác định khu vực tìm kiếm là địa bàn hiểm trở với đồi dốc, vực sâu và nhiệt độ xuống thấp chỉ khoảng 6 độ C.

Theo thiếu tá Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Công an xã Nậm Xe, do thời tiết rét đậm, trời tối và địa hình khó khăn nên công tác tìm kiếm gặp rất nhiều trở ngại. Bản Van Hồ 1 cách xa trung tâm xã, càng làm tăng thêm khó khăn cho lực lượng khi phải tìm kiếm xuyên đêm.

Nhận định tình hình khẩn cấp, Công an xã đã báo cáo Công an huyện Phong Thổ và chính quyền địa phương, huy động 100 cán bộ, chiến sĩ công an, dân quân tự vệ, tổ an ninh trật tự bản và lực lượng Biên phòng Sin Suối Hồ phối hợp tìm kiếm xuyên đêm. Sau 10 giờ nỗ lực, đến 7 giờ 30 phút, ngày 17/12, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện cháu H.T.D trong tình trạng sức khỏe yếu, nhiều vết trầy xước và tinh thần hoảng loạn, tại khu vực chân núi, cách nhà khoảng 1km.

Ngay sau khi được tìm thấy, cháu D đã được lực lượng chức năng và gia đình kịp thời đưa về nhà chăm sóc, hồi phục sức khỏe. Hiện tại, sức khỏe và tinh thần của cháu đã dần ổn định.

Nguyên nhân ban đầu được xác định do bố mẹ cháu đi làm nương vắng nhà, khoảng 16 giờ 30 phút, sau khi tan học, cháu D và anh trai là H.M.K (sinh năm 2021) tự đi bộ về nhà. Trong quá trình di chuyển, cháu D bị trượt chân ngã và lạc đường do địa hình đồi núi hiểm trở, nhiều vực sâu, cây cỏ rậm rạp.

Sự nhanh chóng và kịp thời trong công tác tham mưu, phối hợp và triển khai tìm kiếm của Công an xã Nậm Xe đã góp phần cứu nạn thành công, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của lực lượng Công an trong việc bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Sơn La: Bắt được tội phạm ma túy đặc biệt nguy hiểm sau nhiều năm lẩn trốn

Ngày 15/12, tại bản Lũng Xá, xã Lóng Luông (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), Công an huyện Vân Hồ đã chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an bắt giữ thành công đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm.

Đối tượng bị bắt là Sồng A Páo (sinh năm 1983, trú tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, Sơn La) theo Quyết định truy nã số 03 ngày 7/9/2009 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an về tội "Mua bán trái phép chất ma túy."

Đây là đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm, thường xuyên ẩn náu trong nhà và mang theo súng bên người. Qua công tác nắm tình hình và bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã bắt giữ thành công đối tượng.

Công an huyện Vân Hồ hoàn tất hồ sơ, thủ tục bàn giao đối tượng cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an xử lý theo quy định của pháp luật.

Thành phố Hồ Chí Minh: Bắt khẩn cấp tài xế hành hung người đi đường gần Bệnh viện Từ Dũ

Liên quan đến vụ nam tài xế hành hung người đi đường, ở đoạn gần Bệnh viện Từ Dũ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), ngày 16/12, Công an Quận 1 đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Quách Minh Nhựt (33 tuổi, ngụ ở Quận 6) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Các lệnh và quyết định trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân Quận 1 phê chuẩn.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, vụ việc xảy ra trên đường Cống Quỳnh, đoạn gần Bệnh viện Từ Dũ (phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1) vào trưa 14/12. Quách Minh Nhựt được xác định là người đã đánh ông T.T (50 tuổi, ngụ Quận 1) đang chở con gái 16 tuổi đi học, gây bức xúc dư luận.

Tại cơ quan Công an, Quách Minh Nhựt tỏ ra hối lỗi và cho biết, thời điểm bị nhắc nhở dừng ô tô, con nhỏ của Nhựt đang bị bệnh, phải chuyển từ Bệnh viện Từ Dũ qua Bệnh viện Nhi Đồng 1. Do quá lo lắng nên Quách Minh Nhựt nóng nảy, không kiềm chế được cảm xúc nên đã có hành vi côn đồ.

Trước đó, ông T.T chạy xe máy chở con gái trên đường Cống Quỳnh, đi ngang Bệnh viện Từ Dũ thì ô tô mang biển số Thành phố Hồ Chí Minh do Quách Minh Nhựt điều khiển bất ngờ di chuyển chậm, chắn hết làn xe máy, khiến các phương tiện không thể vượt qua.

Ô tô sau đó di chuyển một đoạn rồi dừng hẳn. Khi thấy Quách Minh Nhựt hạ kính xuống, ông T.T đã lên nói tài xế chạy lên một xíu để di chuyển, chở con đi học.

Sau đó, tài xế bất ngờ xuống xe, dùng tay đánh liên tiếp vào đầu, mặt ông T.T. Cùng lúc đó, một người đi đường dùng điện thoại ghi hình lại sự việc thì bị nam tài xế đuổi theo, may mắn người này kịp thoát…

Sau khi bị đánh, ông T.T bị đau ê ẩm ở vùng đầu; cổ có vết thương chảy máu; mắt bị xuất huyết; mặt, chân bị chấn thương phải nhập viện ngay sau khi xảy ra vụ việc. Do vậy, ông T.T đã có đơn đề nghị truy tố và mong muốn cơ quan chức năng xử lý đối tượng theo đúng quy định.

Nói về lý do đánh ông T.T, Quách Minh Nhựt cho rằng khi mở cửa ô tô thì thấy mặt ông T.T khó chịu nên tấn công chứ cả hai không có mâu thuẫn hay lời qua tiếng lại gì.

Theo hình ảnh từ các clip camera an ninh ghi lại, thời điểm xảy ra vụ việc, ông T.T bị tấn công liên tục vào mặt. Vụ việc khiến giao thông tại khu vực ùn ứ…

Cảnh báo tình trạng giả dạng nhân viên điện lực đòi tiền

Theo Công ty Điện lực Kon Tum, từ đầu tháng 11/2024 đến nay, đơn vị liên tục nhận được phản ánh của người dân ở nhiều địa phương về tình trạng các đối tượng gọi đến tự xưng là nhân viên điện lực và thông báo khách hàng chưa nộp tiền điện; yêu cầu phải cung cấp thông tin và thanh toán tiền nợ nếu không sẽ cắt điện.

Với thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng, công ty đang tích cực công tác tuyên truyền, cảnh báo khách hàng sử dụng điện để tránh bị lừa đảo.

Cụ thể, chị Lý Thị Lan Phương (trú thôn 11, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà) đã bị một đối tượng liên hệ nhiều lần thông tin còn nợ tiền điện và nhắc nhở thanh toán. Do đã thanh toán khoản tiền này trước đó, chị Phương liên hệ ngay tổng đài Công ty Điện lực Kon Tum để kiểm tra và được nhân viên thông báo không còn nợ tiền điện.

Ông A Chức (thôn Kon Stiu, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà) cho biết: “Những đối tượng thực hiện cuộc gọi luôn thể hiện thái độ dọa dẫm để khách hàng sợ và làm theo hướng dẫn. Rất may qua các kênh thông tin của ngành điện, tôi đã nắm bắt được đây đều là những cuộc gọi lừa đảo”.

Ngoài ra, bộ phận chăm sóc khách hàng của Điện lực huyện Sa Thầy tiếp nhận thông tin phản ánh từ khách hàng Hoàng Văn Đại (trú thôn 1, thị trấn Sa Thầy) về việc đã thanh toán hóa đơn tiền điện định kỳ qua ứng dụng ngân hàng trên điện thoại, song có đối tượng liên tục gọi đến hù dọa sẽ cắt điện nếu không thanh toán tiền điện. Qua xác minh, Điện lực huyện Sa Thầy khẳng định, số điện thoại gọi đến không phải của nhân viên đơn vị và xác định đây là cuộc gọi lừa đảo.

Với thủ đoạn tinh vi, các đối tượng đã đánh vào tâm lý của người dân bằng hành vi hù dọa cắt điện nếu không thực hiện chi trả tiền điện. Thực tế, những khách hàng này đã nộp tiền đầy đủ bằng nhiều hình thức khác nhau.

Trước tình trạng trên, Công ty Điện lực Kon Tum đã tích cực tuyên truyền trên các kênh truyền thông đại chúng, website, mạng xã hội, làm việc trực tiếp với Ban nhân dân các thôn, làng để cảnh báo đến khách hàng. Đồng thời, khuyến cáo khách hàng cần cảnh giác, không cung cấp: Chứng từ, thông tin cá nhân, kết bạn zalo, truy cập link website lạ, quét mã QR hoặc đăng nhập tài khoản ngân hàng trên các app lạ; không chuyển tiền điện đến tài khoản cá nhân; không cài đặt ứng dụng lạ vào điện thoại.

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Kon Tum Nguyễn Quang Hùng cho biết, ngoài các hình thức thông báo tiền điện và nhắc nợ qua các kênh như ứng dụng và email, nhân viên đơn vị sẽ gọi điện nhắc nợ trong trường hợp khách hàng chậm thanh toán tiền điện. Sau đó, khách hàng có thể nộp tiền điện qua các đơn vị thu hộ ngân hàng, các tổ chức thanh toán trung gian. Đơn vị tuyệt đối không đề nghị khách hàng cung cấp các thông tin cá nhân hay kết bạn zalo để gửi link xác nhận. Người dân và khách hàng sử dụng điện lưu ý không cung cấp những thông tin này để tránh bị các đối tượng lợi dụng.

Những trường hợp khác hoặc nghi ngờ giả mạo, khách hàng cần đến làm việc trực tiếp tại bộ phận giao tiếp ở các đơn vị Điện lực địa phương. Kênh chăm sóc khách hàng khác của Tổng công ty Điện lực miền Trung gồm: Website: https://cskh.cpc.vn; email: cskh@cpc.vn.

Biến đổi khí hậu đe dọa “Giáng sinh trắng” tại Bắc Bán cầu

Chú thích ảnh
Công viên phủ đầy tuyết ngày 8/12/2022 tại Riga, Latvia. Ảnh: AFP

Mỗi dịp Giáng sinh về, nhiều khu vực trên thế giới đặc biệt là Bắc Bán cầu như khoác lên mình chiếc áo tuyết màu trắng, với khung cảnh tuyệt đẹp được ví như "Giáng sinh trắng”.

Thế nhưng, "Giáng sinh trắng" có thể chỉ còn là miền ký ức đẹp trong tâm trí mọi người khi biến đổi khí hậu khiến tuyết rơi ngày càng ít đi ở khu vực Bắc Bán cầu, đặc biệt tại châu Âu – khu vực ấm lên nhanh nhất thế giới.

Theo báo cáo ngày 17/12 của Climate Central - một tổ chức tin tức phi lợi nhuận, có trụ sở ở Mỹ, chuyên phân tích và báo cáo khoa học khí hậu, hiện tượng Trái Đất nóng lên do con người đốt nhiên liệu hóa thạch đang làm giảm đáng kể số ngày có nhiệt độ dưới mức đóng băng tại Bắc Bán cầu. Báo cáo cho biết hơn 1/3 trong số 123 quốc gia và gần 1/2 trong số 901 thành phố được khảo sát đã mất ít nhất 7 ngày có nhiệt độ dưới mức đóng băng (0 độ C) trong hơn 1 thập kỷ qua.

Báo cáo dựa trên dữ liệu nhiệt độ tối thiểu hằng ngày trong giai đoạn mùa Đông ở Bắc Bán cầu, tính từ tháng 12 của năm trước đến tháng 2 năm sau từ năm 2014 - 2023. Kết quả phân tích trong giai đoạn 10 năm này được so sánh với các mô phỏng khí hậu không chịu tác động từ hiện tượng Trái Đất nóng lên do con người đốt nhiên liệu hóa thạch gây ra. Nghiên cứu chỉ ra rằng biến đổi khí hậu đã làm tăng đáng kể số ngày mùa Đông có nhiệt độ trên mức đóng băng ở châu Âu. Đan Mạch và các quốc gia vùng Baltic là những nơi chịu tác động nặng nề nhất.

Theo bà Kristina Dahl - Phó Chủ tịch Climate Central phụ trách lĩnh vực khoa học, các hiện tượng thời tiết như tuyết, băng và nhiệt độ lạnh giá vốn là đặc trưng của mùa Đông đang nhanh chóng biến mất ở nhiều nơi. Bà Dahl cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những ngày Đông lạnh giá trong việc duy trì tuyết và băng - yếu tố thiết yếu cho các hoạt động thể thao mùa Đông, cung cấp nguồn nước ngọt và duy trì cân bằng sinh thái.

Việc giảm số ngày lạnh giá còn gây ra nhiều hệ lụy khác như gia tăng quần thể côn trùng mang mầm bệnh như muỗi và ve, đồng thời kéo dài mùa phát tán phấn hoa, khiến dị ứng trở nên phổ biến hơn.Trong lĩnh vực nông nghiệp, mùa Đông nóng hơn cũng ảnh hưởng đến việc trồng các loại cây ăn quả như táo và đào – những cây cần thời gian lạnh kéo dài để sinh trưởng và phát triển.

Báo cáo là lời cảnh báo rõ ràng về những tác động sâu rộng của biến đổi khí hậu, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của các hành động quyết liệt nhằm giảm lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu.

Nguy cơ siêu bão Mặt Trời mạnh hơn hàng tỷ quả bom nguyên tử tấn công Trái Đất

Chú thích ảnh
Hình ảnh do Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ cung cấp ngày 23/1/2012 về hiện tượng bão mặt trời phun trào nhật hoa. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo nghiên cứu mới nhất từ Viện Max Planck của Đức, các nhà khoa học cảnh báo Trái Đất đang trong giai đoạn "quá hạn" đối mặt với một siêu bão Mặt trời có sức tàn phá khủng khiếp, đe dọa toàn bộ hệ thống vệ tinh và lưới điện toàn cầu.

Nghiên cứu chính xác nhất từ trước đến nay cho thấy những siêu bão này xảy ra thường xuyên hơn nhiều so với dự đoán trước đây của giới khoa học. Thay vì chu kỳ từ 1.000 đến 10.000 năm một lần như quan niệm cũ, các nhà nghiên cứu hiện tin rằng hiện tượng này có thể xảy ra 100 năm một lần.

Tiến sĩ Natalie Krivova từ Viện Max Planck nhận định: "Dữ liệu mới này là một lời nhắc nhở đáng báo động rằng ngay cả những hiện tượng cực đoan nhất cũng nằm trong 'danh mục hoạt động tự nhiên' của Mặt Trời."

Một siêu bão Mặt Trời có thể giải phóng năng lượng lên tới 1 octillion (một tỷ tỷ tỷ) Jun. Mức năng lượng này mạnh gấp 100 lần so với Sự kiện Carrington năm 1859, vốn đã làm sập một phần mạng lưới điện báo và thậm chí đốt cháy giấy tờ trong các văn phòng thời bấy giờ.

Nếu một siêu bão tương tự xảy ra trong thời đại ngày nay, hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn nhiều do sự phụ thuộc ngày càng tăng của chúng ta vào mạng lưới thông tin vệ tinh. Tác động có thể bao gồm làm quá tải toàn bộ lưới điện, đẩy các vệ tinh ra khỏi quỹ đạo, tê liệt mạng lưới thông tin toàn cầu và khiến máy bay trên toàn thế giới phải dừng hoạt động.

Để đi đến kết luận này, nhóm nghiên cứu quốc tế do Viện Max Planck dẫn đầu đã phân tích dữ liệu từ 56.450 ngôi sao giống Trái Đất được kính viễn vọng Kepler của NASA quan sát trong giai đoạn 2009-2014. Qua đó, họ phát hiện 2.889 siêu bão trên 2.527 ngôi sao, cho thấy tần suất xảy ra khoảng một lần mỗi thế kỷ.

Để đối phó với nguy cơ này, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) dự kiến phóng vệ tinh Vigil vào năm 2031. Vệ tinh này sẽ được đặt ở góc 60 độ so với Mặt Trời để cảnh báo sớm về các cơn bão Mặt Trời trước khi chúng tác động đến Trái đất, tạo thời gian quý giá để tắt lưới điện và vệ tinh nhằm giảm thiểu thiệt hại./.

Thainguyentv.vn

Tin mới hơn

Tin 24h ngày 20/12/2024

* Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam Sáng 20/12, Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).

Tin 24h ngày 19/12/2024

Khởi tố bị can đốt quán cà phê ở đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội khiến 11 người chết

Tin 24h ngày 18/12/2024

Dự báo thời tiết 10 ngày tới, không khí lạnh tăng cường xuống miền Bắc, khu vực này rét kéo dài, ban đêm trời rét sâu.

Tin bài khác

Tin 24h ngày 16/12/2024

Tin 24h ngày 16/12/2024

* Từ ngày 1/1/2025, xe chở học sinh phải có cảnh báo chống bỏ quên Từ ngày 1/1/2025, xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non và học sinh phải sơn màu vàng đậm và có biển báo nhận diện.
Điểm sự kiện từ ngày 9/12 đến ngày 15/12/2024

Điểm sự kiện từ ngày 9/12 đến ngày 15/12/2024

Từ ngày 9/12 đến ngày 15/12/2024, Thainguyentv.vn đã đăng tải đậm nét nhiều tin tức, sự kiện trên các lĩnh vực: Chính trị - Kinh tế - Văn hóa - Xã hội... diễn ra trên thế giới, trong nước và trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Mời quý độc giả cùng chúng tôi điểm lại nội dung chính của những sự kiện đã đăng tải trong tuần.
Tin 24h ngày 15/12/2024

Tin 24h ngày 15/12/2024

Sáng 15/12, tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 34 tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Quân đoàn.
Tin 24h ngày 14/12/2024

Tin 24h ngày 14/12/2024

Quốc hội Hàn Quốc chiều 14/12 đã nhất trí luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol vì lệnh thiết quân luật bất thành vào đêm 3/12, quyết định đình chỉ chức vụ của ông cho đến khi Tòa án Hiến pháp ra quyết định phục chức hay cách chức.
Tin 24h ngày 13/12/2024

Tin 24h ngày 13/12/2024

* Bộ Nội vụ bác thông tin lan truyền về chế độ với cán bộ khi sắp xếp bộ máy Bộ Nội vụ khẳng định những thông tin lan truyền trên mạng xã hội về chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, viên chức khi sắp xếp bộ máy là không chính xác.
Xem thêm

Đọc nhiều

Cách dịch biển số xe xấu-đẹp tại Việt Nam

Cách dịch biển số xe xấu-đẹp tại Việt Nam

Có rất nhiều cách luận biển số tại Việt Nam, trong đó dựa trên phát âm và giá trị là hai cách phổ biến nhất. Quan niệm xấu, đẹp về biển số tại Việt Nam có ...
Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục

Tự soi mình theo Nghị quyết Trung ương 4 để liên hệ, kiểm điểm, khắc phục

Vì sinh mệnh chính trị của Đảng, vì sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, các cấp ủy đảng từ Trung ương ...
[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó

[Megastory] Phát hiện 11 ca nhiễm COVID-19, Thái Nguyên nâng cao các giải pháp ứng phó

Trong 3 ngày qua, Thái Nguyên phát hiện 11 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, gồm 3 trường hợp tại huyện Đồng Hỷ (ngày 31/10, cách ly từ khi trở về Thái Nguyên), 8 trường ...
Khu cách ly tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hoạt động

Khu cách ly tập trung đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẵn sàng hoạt động

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra,cùng với cả nước, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ ...
Thái Nguyên: 99 ca nghi nhiễm Covid-19, ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (ngày 30/11)

Thái Nguyên: 99 ca nghi nhiễm Covid-19, ghi nhận 57 ca mắc Covid-19 (ngày 30/11)

Thái Nguyên công bố 99 ca nhiễm Covid-19 mới, cập nhật sáng 30/11. Tổng số ca mắc Covid-19 lũy tích từ 01/01/2021 đến nay: 410 ca
Xem trên
[Infographics] Phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên

[Infographics] Phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên

Tỉnh ủy Thái Nguyên vừa ban hành Phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên theo Kết luận số 09-KL/BCĐ, ngày 24/11/2024 và các văn ...
[Megastory] Thái Nguyên: Triển vọng từ mô hình chăn nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung  nguyên liệu chè xanh

[Megastory] Thái Nguyên: Triển vọng từ mô hình chăn nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh

Với mong muốn phát triển một sản phẩm chăn nuôi mang thương hiệu của ngành nông nghiệp địa phương, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Đề tài Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi lợn ...
[Megastory] Ký ức Lễ trình quốc thư đầu tiên

[Megastory] Ký ức Lễ trình quốc thư đầu tiên

70 năm đã trôi qua, ký ức về những ngày chuẩn bị tiếp quản thủ đô vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử trên ATK Đại Từ, Thái Nguyên. Một sự kiện ngoại giao quan ...
[Infographic] Nhìn lại công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

[Infographic] Nhìn lại công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã đi qua để lại hậu quả thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân các tỉnh miền Bắc nói chung và tỉnh Thái ...
[Infographic] Kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên 9 tháng năm 2024

[Infographic] Kết quả phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên 9 tháng năm 2024

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên trong 9 tháng năm 2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, tiếp ...
[Photo] Mùa lúa ở Bản Tèn

[Photo] Mùa lúa ở Bản Tèn

Cảnh sắc Bản Tèn vào mùa lúa chín luôn là điều gì đó khiến nhiều người nhất định phải chinh phục trong hành trình du lịch vùng cao. Vẻ đẹp thơ mộng, bình yên của ...
Tự hào cờ đỏ sao vàng

Tự hào cờ đỏ sao vàng

Lá cờ nền đỏ với ngôi sao vàng 5 cánh luôn gắn liền với những sự kiện lịch sử hào hùng, là động lực để cán bộ, đảng viên và nhân dân ta phấn đấu, ...