Điểm sự kiện từ ngày 9/12 đến ngày 15/12/2024
* Trong tuần qua, nhiều sự kiện quốc tế nổi được dư luận quan tâm: Syria rơi vào bất ổn nghiêm trọng; Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bị luận tội; Tổng thống Mỹ công bố đợt ân xá lớn nhất trong lịch sử; ông Donald Trump lần thứ 2 được tạp chí Time vinh danh là “Nhân vật của năm”;…
- Cuộc khủng hoảng tại Syria đã lên tới đỉnh điểm sau khi lực lượng nổi dậy tiến vào thủ đô Damascus và thông báo về sự kết thúc của Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sau 24 năm cầm quyền.
Israel duy trì lực lượng tại vùng đệm với Syria ở Cao nguyên Golan chiến lược. THX/TTXVN |
Ngày 8/12, Chủ tịch Liên minh Quốc gia Syria đối lập Hadi Al-Bahra tuyên bố Syria cần giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 18 tháng để tạo dựng một môi trường an toàn, trung dung và yên tĩnh cho các cuộc bầu cử tự do. Syria cần soạn thảo hiến pháp trong vòng 6 tháng, và cuộc bầu cử đầu tiên sẽ là tổng tuyển cử. Theo đó, Hiến pháp sẽ quyết định Syria theo thể chế nghị viện, thể chế tổng thống hay kết hợp cả hai thể chế trên. Từ đó,bầu cử được tiến hành để người dân lựa chọn người lãnh đạo.
Đến ngày 10/12, phe đối lập đảng cầm quyền tại Damascus đã bổ nhiệm ông Mohamed al-Bashir là người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria đến ngày 1/3/2025. Trước đó, ông al-Bashir được chỉ định là người đứng đầu “Chính phủ cứu nguy” của phe đối lập tại Tây Bắc Syria.
Các bộ trưởng trong chính phủ chuyển tiếp mới thành lập ở nước này cũng đã gặp các thành viên chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã sụp đổ, để tổ chức chuyển giao các thể chế nhà nước và đảm bảo tính liên tục của các dịch vụ công.
Theo giới phân tích, những bất ổn ở Syria có thể đẩy nước này chìm sâu trong một môi trường chính trị - an ninh phức tạp và khó đoán định hơn. Bất kỳ sự chuyển đổi chính trị nào diễn ra không suôn sẻ cũng có thể khiến Syria rơi vào vòng xoáy bạo lực mới, đe dọa an ninh và ổn định trong khu vực. Vòng xoáy bạo lực mới có thể lôi kéo các thế lực bên ngoài, khiến cho tình hình ở Syria trở nên nghiêm trọng và khó giải quyết, nhất là khi Syria lâu nay luôn là nơi tranh giành ảnh hưởng và lợi ích của các cường quốc.
Tình trạng bất ổn lâu dài cũng sẽ dẫn đến nhiều hỗn loạn hơn ở Trung Đông, khu vực vốn đã chìm trong xung đột do hàng loạt cuộc đụng độ, đối đầu giữa Israel với người Palestine, giữa Israel và Iran hay giữa Israel với các nhóm vũ trang Hồi giáo ở Trung Đông và có thể dẫn tới những cuộc khủng hoảng mới.
- Ngày 14/12, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua nghị quyết luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol. Nghị quyết luận tội được thông qua với 204 phiếu thuận trong tổng số 300 nghị sĩ có mặt. Nghị quyết nêu rõ lý do luận tội là “vi phạm Hiến pháp và luật pháp khi ban bố tình trạng thiết quân luật khẩn cấp”.
Người dân theo dõi bài phát biểu trên truyền hình của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 12/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN |
Sau khi bị luận tội, Tổng thống Yoon sẽ bị đình chỉ chức vụ ngay từ ngày 14/12. Thủ tướng Han Duck-soo sẽ tạm thời đảm nhiệm vai trò quyền tổng thống.
Tổng thống Yoon là nguyên thủ quốc gia thứ ba bị đình chỉ chức vụ do bị luận tội trong lịch sử lập hiến Hàn Quốc, sau cựu Tổng thống Roh Moo Hyun năm 2004 và cựu Tổng thống Park Geun Hye năm 2016.
Đảng Dân chủ đối lập chính (DP) đã hoan nghênh quyết định luận tội Tổng thống Yoon của Quốc hội, gọi đó là chiến thắng của người dân.
Về phần mình, ông Yoon tuyên bố sẽ “không bỏ cuộc” và cam kết sẽ “phục vụ đất nước đến giây phút cuối cùng”, bất chấp những thách thức chính trị đang bủa vây nhiệm kỳ của mình.
Nền chính trị của Hàn Quốc đã phải đối mặt với khủng hoảng trong bối cảnh các vị trí chủ chốt của Nội các bị bỏ trống sau khi Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật. Bộ trưởng Quốc phòng và Nội vụ đã từ chức trong khi các động thái luận tội đối với Bộ trưởng Tư pháp và Tổng kiểm toán nhà nước cũng đã được Quốc hội thông qua.
Theo giới chuyên gia, việc luận tội Tổng thống Yoon dù đã làm giảm bớt sự bất ổn chính trị trong mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Mỹ, song vẫn còn nhiều câu hỏi về cách xây dựng mối quan hệ giữa Seoul với chính quyền mới của Mỹ và thách thách đối phó với các mối đe dọa đang gia tăng từ Triều Tiên.
Ông Troy Stangarone, Giám đốc Trung tâm Lịch sử Hàn Quốc và Chính sách công của Quỹ Hyundai Motor-Korea tại Trung tâm Woodrow Wilson, nhận định: “Sẽ không có sáng kiến chính sách mới nào khả thi cho đến khi chính quyền mới nhậm chức sau bầu cử, nhưng khi sự bất ổn chính trị đã được loại bỏ, Mỹ hiện có thể tham gia vào chính quyền của Tổng thống tạm quyền Han Duck-soo để quản lý các khía cạnh chính của mối quan hệ”.
* Trong tuần qua, từ ngày 9-15/12, trong nước diễn ra một số sự kiện nổi bật: Các hoạt động hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; Thủ tướng chủ trì Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo về sắp xếp, tinh gọn bộ máy Chính phủ; Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm; Đấu giá đất tại Mê Linh (Hà Nội) có giá trúng cao nhất gần 86 triệu đồng/m2; TP Hồ Chí Minh ra công văn khẩn phòng chống bệnh viêm phổi nặng do virus.
- Trong tuần, nhiều hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước hướng tới kỷ niệm kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống (22/12/1944 - 22/12/2024) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất. Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Ngày 14/12, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an và tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội thảo Khoa học cấp quốc gia “Quân đội nhân dân Việt Nam - Truyền thống hào hùng, sự nghiệp vẻ vang, lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh”. Đồng chí Lương Cường, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Cùng ngày, tại TP Vị Thanh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm, chúc mừng cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hậu Giang.
Trong tuần, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và làm việc tại Học viện Quốc phòng...
- Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.
Đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã cơ bản hoàn thành dự kiến sắp xếp tổ chức bộ máy. Ban Chỉ đạo đã ban hành kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ. Cụ thể, Chính phủ duy trì 8 bộ, cơ quan ngang bộ; cơ cấu, sắp xếp và hợp nhất 14 bộ, cơ quan ngang bộ. Sau sắp xếp sẽ có 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ); có 4 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 4 cơ quan). Cùng với đó, tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ giảm tối thiểu 15%-20% đầu mối tổ chức bên trong.
Thủ tướng chủ trì Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thông báo kết quả Phiên họp này tới các bộ, ngành, cơ quan để làm cơ sở tiếp tục hoàn thiện đề án của bộ, ngành, cơ quan, dưới sự chỉ đạo của các Phó Thủ tướng Chính phủ được phân công chỉ đạo.
Thủ tướng yêu cầu trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân; làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đi đôi với xây dựng chế độ chính sách, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bộ, công chức, viên chức, người lao động; đồng thời, phải đảm bảo các nhiệm vụ của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị tiếp tục được thúc đẩy, không gián đoạn, hoàn thành mục tiêu đề ra.
Đối với các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Chính phủ chỉ đạo phân loại doanh nghiệp và lên phương án sắp xếp, đảm bảo quản lý Nhà nước song song với phát huy hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan, đảm bảo phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm nhiều hơn cho các doanh nghiệp.
- Bộ Chính trị đã xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên có vi phạm, khuyết điểm. Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị nhận thấy:
Bộ Chính trị quyết định Cảnh cáo các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình; Khiển trách đồng chí Trương Thị Mai. |
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, trong thời gian giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban cán sự đảng, Thủ tướng Chính phủ đã vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.
Đồng chí Trương Thị Mai, trong thời gian giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đã vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.
Đồng chí Trương Hòa Bình, trong thời gian giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm của các đảng viên nêu trên, theo quy định của Đảng về kỷ luật đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình; Khiển trách đồng chí Trương Thị Mai.
* Trong tuần, Thainguyentv.vn cập nhật các hoạt động, sự kiện nổi bật trong tỉnh trong chương trình Thời sự, các bản tin, chuyên mục, chuyên đề... với nhiều tin đáng chú ý: Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 82, Khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025; Thông qua 30 nghị quyết quan trọng tại kỳ họp HĐND tỉnh; Ra quân đảm bảo ANTT Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025;…
- Ngày 11/12, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 82 để thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và một số nội dung quan trọng khác theo thẩm quyền.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu |
Một trong những nôi dung quan trọng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung thảo luận sâu là dự thảo phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên theo Kết luận số 09, ngày 24/11/2024 và các văn bản của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. đây là vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm, theo dõi. Trên tinh thần chỉ đạo chung của Trung ương, từ tỉnh đến cơ sở đang quyết liệt triển khai thực hiện với quyết tâm cao nhất. Cùng với việc bám sát hướng dẫn của Trung ương nên tham khảo, nghiên cứu hô hình của các tỉnh, thành trong cả nước để đảm bảo việc sắp xếp sẽ tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước, không bỏ sót nhiệm vụ, bỏ trống lĩnh vực, địa bàn, không làm gián đoạn hoạt động của các cơ quan đơn vị, ảnh hưởng đến công tác lĩnh đạo, chỉ đạo, phát triển của các cơ quan đơn vị trong diện sắp xếp. Về cơ bản các ý kiến nhất trí với dự thảo phương án và triển khai thực hiện xong trong tháng 12-2024.
- Trong tuần qua, kỳ họp thứ 23 HĐND tỉnh khóa XIV đã diễn ra thành công tốt đẹp, thông qua 30 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, về kế hoạch đầu tư phát triển và phân bổ vốn, về cơ chế, chính sách; nhóm nghị quyết thường niên và các nội dung khác.
Đây là những Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng, đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; là căn cứ, cơ sở pháp lý quan trọng để UBND tỉnh, các cấp, các ngành triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và cả giai đoạn 2021 - 2025. Ngay sau kỳ họp, để các nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành quyết tâm, nỗ lực, hành động quyết liệt, hiệu quả để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của năm ở mức cao nhất. Trong đó, phấn đấu tăng trưởng Quý IV đạt được mục tiêu như kỳ vọng; hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước; Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thanh, quyết toán các công trình, dự án. Đồng thời, khẩn trương xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết vừa được thông qua; rà soát, bổ sung các giải pháp thiết thực để thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2025.
Lễ ra quân cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. |
- Sáng 12/12, Công an tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Lễ ra quân cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Các đơn vị sẽ tập trung lực lượng, phương tiện, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật; thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự trong các lĩnh vực, không để bị động, bất ngờ; tham mưu cho chính quyền những phương án đảm bảo ANTT; triển khai các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT và thực hiện nghiêm Quy định, Điều lệ ngành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ... Đợt ra quân cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sẽ bắt đầu từ ngày 15/12/2024 đến ngày 14/2/2025./.