Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp ở huyện vùng cao Võ Nhai
Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Võ Nhai được chào bán thành công trên một số nền tảng thương mại điện tử phổ biến |
Là hợp tác xã chuyên sản xuất Mỳ bún khô, năm 2021 Hợp tác xã Mỳ Bún khô Tiến Diện đầu tư trên 1 tỷ đồng để mua máy móc, thiết bị sản xuất với quy mô lớn nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng, hướng tới mục tiêu sản phẩm của đơn vị tiêu thụ rộng khắp trong toàn quốc. Với sự hỗ trợ của huyện Võ Nhai, sản phẩm của Hợp tác xã đã mở rộng kênh tiêu thụ tại một số tỉnh, thành phố lớn trong khu vực và trên các sàn thương mại điện tử cho kết quả khả quan. Nhờ đó, Hợp tác xã đạt doanh thu từ 200-250 triệu đồng/tháng, tạo việc làm ổn định cho trên 20 lao động địa phương, với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng
Ông Hoàng Tiến Diện, Giám đốc HTX Mỳ Bún khô Tiến Diện, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai: “Hợp tác xã chúng tôi có chuyển đổi số là áp dụng vào mã vạch, truy xuất nguồn gốc. Khi đăng lên sàn thương mại điện tử có truy xuất nguồn gốc, qui trình sản xuất, ngày sản xuất, người sản xuất, người đóng gói và xuất kho. Khách hàng gọi điện phản hồi rất tốt”.
Lương Hà My, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Võ Nhai: “Phòng luôn đưa các cơ chế chính sách, triển khai các nội dung như Chương trình VIETGAP, thiết kế các mẫu mã, bao bì, giới thiệu cho các hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện, đưa các sản phẩm đó trở thành những sản phẩm có chất lượng”.
Cũng là một trong những hợp tác xã đi đầu trong công tác chuyển đổi số, mô hình truy xuất nguồn gốc chè của Hợp tác xã Nông sản an toàn Liên Minh, Võ Nhai sau gần 2 năm triển khai đã có thành quả rất đáng ghi nhận. Với việc tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất theo hữu cơ và minh bạch quy trình này, sản phẩm chè hợp tác xã không chỉ đạt kiểm định chè an toàn mà còn đảm bảo được chất lượng. Bên cạnh đó sản phẩm của hợp tác xã đã được chào bán thành công trên một số nền tảng thương mại điện tử phổ biến như: Shopee, Lazada, Voso...
Bà Hoàng Thị Hải, HTX Nông sản an toàn Liên Minh, Võ Nhai: “Bước đầu hợp tác xã đã áp dụng được qui trình bón phân cập nhật vào điện thoại để lưu giữ trong điện thoại từ tháng này đến tháng sau để nhớ được những ngày mình làm; đi tập huấn về thì cũng đã bán hàng Livestream trên điện thoại, trên Tiktok”.
Bên cạnh đó, huyện Võ Nhai đã từng bước nâng cao giá trị và định danh các sản phẩm của địa phương thông qua chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đến nay, Võ Nhai có 8 sản phẩm nông nghiệp thế mạnh được chứng nhận OCOP.
Bà Hà Thị Bích Hồng, Bí thư Huyện ủy Võ Nhai cho biết: “Võ Nhai cũng đã hình thành được những cổng thông tin điện tử kết nối cung cầu sản phẩm; thông qua cổng thông tin này, tất cả những sản phẩm nông nghiệp của huyện, tiêu biểu là những sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn thì cũng đã được giới thiệu rộng rãi đến khách hàng trong và ngoài tỉnh. Có những sản phẩm, thông qua chuyển đổi số đã kết nối được với những khách hàng ở nước ngoài và cũng đã có những đơn hàng được đưa ra nước ngoài. Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực này, chúng tôi tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, vận động hội viên của mình tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số”.
Không chỉ ứng dụng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc, nhiều nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn huyện Võ Nhai đã sử dụng Internet tìm hiểu kiến thức, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời quan tâm tới thương mại điện tử để tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, tạo dấu ấn mới cho diện mạo nông nghiệp, nông thôn vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, góp phần đưa nông nghiệp Võ Nhai ngày càng phát triển.
Nhờ công tác chuyển đổi số mà hiện nay, bức tranh nông nghiệp số của huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Thái Nguyên đã và đang phát triển mạnh mẽ. Trong đó, phải kể đến công nghệ số đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm./.