Đặt hàng doanh nghiệp để người Việt chọn hàng Việt
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội, sau 7 năm thực hiện cuộc vận động này người tiêu dùng đã ý thức trong việc lựa chọn các sản phẩm hàng nội địa khi mua sắm, tỷ lệ sử dụng hàng trong nước tại các công công sở, cơ quan tăng rõ rệt, đã tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển.
Người tiêu dùng đồng hành cùng hàng Việt. |
Doanh nghiệp cũng đã tích cực hưởng ứng cuộc vận đông, chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, coi trọng khách hàng, tăng cường quảng bá sản phẩm, từng bước thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tại cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tạo sức hút để người tiêu dùng đồng hành cùng doanh nghiệp” do báo Hà Nội mới tổ chức, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long cho biết, 7 năm trở lại đây, Big C tích cực tham gia các hoạt động để hỗ trợ các nhà sản xuất Việt Nam. Hiện nay hàng Việt tại Big C chiếm 95%.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long. |
Ông Thái Dũng cho rằng, nhiều năm trở lại đây, các nhà sản xuất đã đảm bảo chất lượng sản phẩm bằng cách đầu tư hơn vào chất lượng, đặc biệt là chú trọng hơn vào bao bì, mẫu mã, đầu tư nhiều vào hình thức và vẫn duy trì yếu tố cạnh tranh về giá cả. Từ đó, người tiêu dùng đã có sự thay đổi rõ nét về việc sử dụng hàng Việt Nam.
Theo ông Thái Dũng, Big C có những chính sách cho các nhà sản xuất, hướng dẫn, đưa ra các tiêu chuẩn để giúp cho các nhà sản xuất hàng hóa phù hợp với người tiêu dùng để từ đó giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm tốt hơn. Big C cũng là một trong những doanh nghiệp tổ chức các tuần hàng Việt tại hệ thống siêu thị tại Thái Lan, tại hệ thống Casino ở Pháp. Tiếp tục đưa các sản phẩm vùng miền vào hệ thống siêu thị Big C. Bằng những hoạt động đó, hiện nay hàng Việt là một trong những sản phẩm đang được yêu thích trong hệ thống siêu thị Big C...
Phó Tổng Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long khẳng định: “Trong gần 20 năm hoạt động, Big C vẫn thực hiện tôn chỉ đồng cùng hành nhà sản xuất Việt Nam, phục vụ việc mua sắm của khách hàng Việt Nam. Centre Group của Thái Lan tiếp nhận hệ thống Big C tại Việt Nam từ năm 2016. Với chính sách của tập đoàn này là duy trì hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà sản xuất Việt Nam, phân phối hàng Việt Nam. Hiện tỷ lệ hàng Việt ở Big C không thay đổi kể từ khi Centre Group quản lý ở Việt Nam; Big C vẫn duy trì đồng hành hỗ trợ sản xuất hàng Việt Nam, bán hàng Việt Nam”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Điều hành Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết: Hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, 7 năm qua, Hapro đã đưa khoảng 1.300 -1.400 chuyến hàng về khu vực nông thôn, đồng thời thực hiện liên kết vùng miền và quảng bá vùng miền.
Với thế mạnh riêng tại Thủ đô Hà Nội cùng mạng lưới thương mại đan xen trong khu dân cư và chợ đầu mối nằm rộng khắp, Hapro sẽ tiếp tục ủng hộ và hợp tác với các cơ sở sản xuất trong nước để cùng hỗ trợ các đơn vị. Ngược lại, Hapro có sự đa dạng về hàng hóa Việt Nam trong hệ thống thương mại của Hapro. Các sản phẩm hàng Việt Nam khi được bày bán tại hệ thống siêu thị của Hapro cũng được hỗ trợ về bao bì và trưng bày để tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng Việt Nam.
Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Dung Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Đông: “Chúng tôi luôn ưu tiên hàng Việt cả về hình ảnh và nơi trưng bày. Tôi mong rằng, các doanh nghiệp luôn đồng hành cùng hệ thống siêu thị Co.op Mart để phát triển mạnh mẽ hơn nữa hàng Việt”.
Để người Việt thêm tin yêu hàng Việt, theo ông Lương Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Khóa Việt Tiệp, Công ty đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng. Tập trung đầu tư khoa học công nghệ để thay đổi mẫu mã sản phẩm, không chỉ tốt, bền mà còn phải đẹp. Đương nhiên để hội nhập được cần rất nhiều yếu tố như vốn, tài chính, khoa học công nghệ. “Chúng tôi tự tin so với những doanh nghiệp khác, trong vòng 5 năm gần đây, các sản phẩm của Việt Tiệp không hề tăng giá, trong khi chi phí khác tăng lên rất nhiều. Công ty khoá Việt Tiệp quyết tâm, quyết liệt để làm mới mình để giữ vững vị trí của mình trong lòng người tiêu dùng Việt Nam”, ông Lương Văn Thắng nói.
Bà Dương Thị Thu Hương khó khă của nhà sản xuất là đưa sản phẩm tiếp cận người tiểu dùng. |
Tổng Giám đốc Công ty Alcado Dương Thị Thu Hương chia sẻ: là doanh nghiệp trực tiếp sản xuất hàng tiêu dùng mang thương hiệu Việt Nam nên khó khăn đầu tiên là đưa sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận được với nhiều người tiêu dùng.
“Thời gian qua, doanh nghiệp chúng tôi đã thông qua hệ thống bán lẻ của chính doanh nghiệp để đưa sản phẩm đến với người sử dụng. Khi tiếp thu được hiệu ứng truyền thông của chương trình, người tiêu dùng đã biết đến Alcado nhiều hơn, sản phẩm của chúng tôi đã đến tay người tiêu dùng nhiều hơn”.
Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, từ cuộc vận động này, cần có sự thay đổi lớn về chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp thì mới có thể gọi là thành công.
Ông Phạm Hồng Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng thành phố Hà Nội cho rằng, mong muốn lớn nhất của người tiêu dùng cuộc vận động này ngày càng phát triển và thành công bởi lẽ nó sẽ giúp phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tiếp cận người tiêu dùng để biết được người tiêu dùng cần gì, thích gì từ đó, đặt ra yêu cầu đối với người sản xuất. Theo ông Hồng, doanh nghiệp trong nước đang phải vật lộn trên thị trường, bởi phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa từ nước ngoài. Giá cả là một bài toán lớn, nhưng người tiêu dùng thật sự mong muốn được sử dụng sản phẩm chất lượng giá cả hợp lý.
“Nhiều người tiêu dùng mong muốn sử dụng hàng hóa Việt Nam an toàn. Khi có thương hiệu hoặc nhóm thương hiệu tập thể đảm bảo chất lượng như chè đạt tiêu chuẩn VietGap, gà đồi Ba Vì... người tiêu dùng rất an tâm sử dụng sản phẩm. Bên cạnh đó, cần phát hiện, khen thưởng, xây dựng điển hình những tập thể, cá nhân dùng hàng Việt Nam nhiều”, ông Hồng nói./.