Đảm bảo an toàn trong khai thác, chế biến khoáng sản mùa mưa bão
Mỏ sắt Tiến Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, |
Đi vào hoạt động từ năm 2015, mỗi ngày, Mỏ sắt Tiến Bộ thải ra hồ Bàn Cờ hơn 200m3 nước, bùn và chất thải; trong đó có khoảng 100m3 bùn và chất thải. Hồ Bàn Cờ rộng 6ha, dung tích chứa tối đa hơn 5 triệu m3, đáp ứng được sức chứa hoạt động 30 năm của mỏ. Để đảm bảo an toàn cho hồ, đặc biệt trong mùa mưa bão, thời gian vừa qua, đơn vị đã thực hiện nhiều giải pháp. Ông Nguyễn Văn Khải, Trưởng phòng Kế hoạch, Mỏ sắt Tiến Bộ, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên cho hay: "Đối với hồ đập, căn cứ các hồ sơ thiết kế, định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm, trên cơ sở các phương án biện pháp được phê duyệt, Mỏ đã thi công, gia cố, cải tạo, đảm bảo an toàn mức cao nhất".
Khai thác đá vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn lao động, đặc biệt trong mùa mưa bão |
Theo số liệu thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có hơn 20 mỏ khai thác đá đang hoạt động trong tổng số 44 mỏ. Khai thác đá vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn lao động, đặc biệt trong mùa mưa bão, do vậy, các đơn vị cần quan tâm thực hiện một cách triệt để, hạn chế thấp nhất những tai nạn lao động có thể xảy ra. Ông Tạ Tuấn Khải, Giám đốc Chi nhánh Mỏ đá Núi Chuông, Công ty Cổ phần khai khoáng Miền núi cho biết: "Trong mùa mưa, thời gian khai thác được điều chỉnh theo thời tiết, khi mưa sẽ nghỉ, nắng tranh thủ sản xuất. Trong mùa mưa, các tầng cao không cho thi công, thi công ở dưới thấp để đảm bảo an toàn".
Hiện nay, việc đảm bảo an toàn trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản đang là vấn đề được các ngành chức năng tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm. Ngoài việc tổ chức tuyên truyền, tập huấn về công tác đảm bảo an toàn trong hoạt động khai thác khoáng sản cho các doanh nghiệp, công tác thanh tra, kiểm tra cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những đơn vị vi phạm, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra.