Để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng
Bị tai biến từ năm 2001, không nơi nương tựa, năm 2014 bà Đào Thị Phượng được Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh chăm sóc và nuôi dưỡng. |
Bị tai biến từ năm 2001, không nơi nương tựa, năm 2014 bà Đào Thị Phượng được Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh chăm sóc và nuôi dưỡng. Sau tai biến, việc vận động của bà Phượng gặp nhiều khó khăn do bị liệt nửa người. Hơn 10 năm nay, các cán bộ ở trung tâm đã tận tình chăm sóc và giúp bà phục hồi sức khỏe. Bà Đào Thị Phượng chia sẻ: "Trước kia phải nằm một chỗ, bây giờ tôi cũng có tiến triển lên. Tôi đi lại và phục vụ được bản thân. Mọi sinh hoạt tôi tự lo được".
trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm đến công tác người khuyết tật và thực hiện đầy đủ các chính sách theo quy định. |
Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội hiện đang quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng 65 người, bao gồm trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi cô đơn. Trong đó có nhiều đối tượng bị khuyết tật nặng và đặc biệt nặng không có khả năng tự chăm sóc bản thân, không có nơi nương tựa nên rất thiếu thốn tình thân. Bên cạnh làm tốt công tác phục vụ, chăm sóc, nuôi dưỡng, đơn vị còn cố gắng mang đến cho họ mái nhà chung, không khí ấm áp, thân thiết và gắn bó.
Bà Nguyễn Thúy Hường, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên cho hay: "Đối tượng khuyết tật nặng và đặc biệt nặng có chế độ chăm sóc phục hồi khác nhau và tùy theo các bệnh lý cũng như sức khỏe thể trạng của mỗi người để động viên về tâm lý cho đối tượng thường xuyên tập luyện".
Còn tại Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Tâm thần kinh, hơn 200 đối tượng khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng không chỉ được quan tâm, đảm bảo đầy đủ, kịp thời các chế độ theo quy định của Nhà nước mà còn được tham gia các hoạt động phục hồi chức năng, lao động trị liệu, các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa văn nghệ.
Ông Hà Viết Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Tâm thần kinh tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho bệnh nhân 2 lần/năm theo đúng các quy định. Qua việc khám sức khỏe giúp quá trình sàng lọc các bệnh của bệnh nhân để từ đó chúng tôi có hướng điều trị được tốt hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức các liệu pháp lao động và phục hồi cho bệnh nhân".
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 26.000 người khuyết tật, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm đến công tác người khuyết tật và thực hiện đầy đủ các chính sách theo quy định như: Trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; cấp thẻ bảo hiểm y tế; miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh khuyết tật; vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội... Những chính sách này đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật. Nhiều người đã tự tin, nỗ lực phấn đấu học tập, làm việc để cải thiện cuộc sống; tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, hòa nhập với cộng đồng./.