Công khai Báo cáo tài chính Nhà nước: Cơ hội giám sát tài sản công?
Theo Dự thảo Nghị định Báo cáo tài chính Nhà nước, tới đây sẽ công khai nhiều nội dung quan trọng như tình hình tài chính nhà nước, tài sản nhà nước, nợ công, nguồn vốn, kết quả hoạt động tài chính của nhà nước, lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính của nhà nước…Những thông tin này lâu nay không được công khai cụ thể, do đó, việc đưa ra công chúng những thông tin này rất được dư luận quan tâm.
Báo cáo tài chính Nhà nước sẽ được dư luận hết sức quan tâm. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo các chuyên gia, khi Nghị định về Báo cáo tài chính Nhà nước có hiệu lực, Nhà nước sẽ có thêm công cụ thiết thực để quản lý các nguồn lực, đánh giá chính xác tình hình tài chính của các đơn vị, cấp, ngành và giúp khai thác, phân bổ nguồn lực hợp lý và hiệu quả. Còn người dân có thêm cơ hội để giám sát và biết sự thật về tài chính quốc gia.
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính – Học viện Tài chính cho biết, mục đích công khai thông tin là để người dân biết và giám sát. “Ngân sách cũng là từ nguồn thuế của dân. Nếu thông tin thì người dân sẽ có điều kiện để giám sát tiền đóng thuế của mình được sử dụng ra sao, hiệu quả thế nào, từ đó thu chi ngân sách cũng sát với thực tế hơn. Tuy nhiên, cũng còn phụ thuộc vào mức độ công khai trong báo cáo tài chính nhà nước như thế nào”, TS. Nguyễn Đức Độ chỉ rõ.
Nhìn vào danh mục dự kiến được công bố báo cáo tài chính nhà nước có thể thấy, báo cáo này rộng hơn và bao trùm lên báo cáo NSNN. Điều xã hội và người dân quan tâm trong báo cáo này là vấn đề minh bạch và mức độ công khai đến đâu, không phải một báo cáo chung chung hay lặp lại các thông tin từ lâu đã nằm trong diện công bố.
Đại diện Kho bạc Nhà nước – cơ quan được giao trực tiếp lập báo cáo tài chính nhà nước cho biết, ngoại trừ các số liệu chi tiết về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, dự trữ quốc gia, còn lại sẽ công khai thông tin về tình hình tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn, kết quả hoạt động tài chính và tình hình lưu chuyển tiền tệ…Người dân kỳ vọng nhìn vào báo cáo có thể thấy được cả những thông tin cụ thể như: chi phí mua xe công, chi tiêu ngân sách của địa phương, thậm chí cả những khoản chi tiếp khách, hay mua vé máy bay…
Tuy nhiên, theo ông Phạm Sỹ Danh, Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), Dự thảo Nghị định này, Nhà nước chỉ công khai một số thông tin chủ yếu theo hệ thống các chỉ tiêu. Ông Danh cho rằng, yếu tố công khai thông tin được quan tâm đầy đủ hơn nữa, nếu không, sẽ khó đáp ứng được các mục tiêu của việc lập báo cáo tài chính.
“Lập báo cáo tài chính nhà nước là đầy đủ tất cả tình hình tài chính nhà nước, nhưng chỉ công khai thông tin chủ yếu, tức là chỉ một phần, như vậy sẽ tạo dư luận hiểu rằng nhà nước giấu và không minh bạch với dân về tài chính công. Công khai một phần thì giải quyết vấn đề gì, giám sát ra sao. Vì vậy tôi đề nghị cần xem xét, có nên công khai thông tin chủ yếu hay không, hay là công khai những vấn đề không bí mật”, ông Danh nêu rõ.
Theo các chuyên gia, để lập được một Báo cáo tài chính Nhà nước đầy đủ, hoàn chỉnh phải có lộ trình vì liên quan đến nhiều vấn đề chủ trương, nguồn lực, công nghệ thông tin…Kinh nghiệm quốc tế cho thấy do tính chất phức tạp và quy mô của báo cáo, việc xây dựng báo cáo tài chính nhà nước hợp nhất thường phải mất nhiều năm mới cho ra một báo cáo đầu tiên.
Trong khi đó, mục tiêu xây dựng báo cáo tài chính nhà nước của Việt Nam bắt đầu cho năm tài chính 2018, tức là có báo cáo hợp nhất đầu tiên vào khoảng giữa 2020 là không đơn giản. Bởi hiện nay, hệ thống kế toán của Việt Nam còn thiếu sự thống nhất.
Bà Vũ Hoàng Quyên, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng, việc lập báo cáo tài chính nhà nước là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm quản lý tài sản công, giám sát các nguồn lực của nhà nước, tránh thất thoát và tham nhũng. Tuy nhiên, cũng cần phải thận trọng và có lộ trình từng bước.
“Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, lần đầu tiên trong vòng một vài năm tới mà có bức tranh tổng quát về tài chính nhà nước là rất ý nghĩa. Chúng ta có nhiều thách thức về mặt kỹ thuật, chế độ kế toán. Tài sản không chỉ hữu hình mà còn vốn nhà nước, phải đánh giá được cả hiệu quả về khai thác và quản lý rủi ro”, bà Quyên khuyến cáo.
Lập và công khai báo cáo tài chính nhà nước là một bước đi nhằm cải thiện minh bạch về chính sách tài khóa và ngân sách nhà nước. Nhưng nó chỉ thực sự có ý nghĩa nếu như báo cáo tài chính này được thực hiện một cách minh bạch và đầy đủ. Đặc biệt là phải có chế tài xử lý vi phạm.
Bởi thực tế, thời gian qua, mặc dù đã Nghị đinh 81/2015 bắt buộc doanh nghiệp phải công bố thông tin, nhưng tính đến hết tháng 7/2016, mới chỉ có 7/22 bộ ngành, 14/63 địa phương và 16/30 tập đoàn và tổng công ty nhà nước thực hiện đúng quy định công bố thông tin. Số còn lại không thực hiện, nhưng chưa có một trường hợp nào bị xử lý vi phạm.
Đấy mới chỉ là công bố thông tin về doanh nghiệp nhà nước. Còn báo cáo tài chính nhà nước với quy mô rộng lớn và phức tạp hơn gấp nhiều lần, nếu không có chế tài hoặc quy trách nhiệm cụ thể, sẽ khó thực hiện một cách nghiêm túc, minh bạch./.