Kỳ thi THPT Quốc gia 2017: Cơ hội hay nguy cơ cho thí sinh?
Quy chế thi THPT Quốc gia 2017 ngay sau khi được ban hành đã thu hút nhiều ý kiến về những điểm mới trong quy chế. Bài thi tổ hợp sẽ được tổ chức ra sao, cách tính điểm liệt như thế nào... đang khiến cả thầy và trò băn khoăn.
Tìm kiếm sự may rủi
Theo Quy chế thi THPT Quốc gia năm nay, để xét công nhận tốt nghiệp thì thí sinh là học sinh THPT thi 4 bài (Toán, Văn, Ngoại ngữ và một bài tổ hợp tự chọn). Để tăng cơ hội xét tuyển đại học (ĐH), thí sinh có thể thi cả 2 bài tổ hợp gồm khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, khi đó điểm bài thi nào cao hơn được tính điểm xét tốt nghiệp.
Quy đinh mới tạo điều kiện cho thí sinh tìm kiếm sự may rủi? |
PGS Văn Như Cương băn khoăn: “Với quy định này, chắc chắn nhiều em chọn phương án thi 2 bài tổ hợp để tìm kiếm sự may rủi, nhất là những học sinh trung bình. Điều này cũng sẽ gây sự mất định hướng nghề nghiệp ban đầu của các em, bởi cứ môn nào được điểm cao các em sẽ chọn nghề tương ứng, kể cả không đúng ngành yêu thích. Như vậy ngay cả trung cấp, dạy nghề sẽ càng khó khăn hơn trong việc tuyển sinh. Bộ cứ tự đưa ra lập luận để quyết định làm chứ không dựa vào cơ sở khoa học nào cả”.
Em Minh Tuấn, một học sinh (HS) THPT ở Hà Nội cho rằng: “Em và rất nhiều bạn muốn lựa chọn thi cả hai để cơ hội trúng tuyển cao hơn. Em dự tính sẽ thi cả 2 bài thi tổ hợp, sau đó lấy điểm môn Ngữ văn, Vật lý, Địa lý, Lịch sử để kết hợp xét tuyển ĐH. Cộng tổng với các môn bắt buộc thì số lượng môn em phải thi là 9 môn. Dù từng môn thành phần trong bài thi tổ hợp đã có đề riêng, thời gian thi riêng thì không nên bắt buộc những thí sinh chỉ cần lấy điểm 1, 2 môn mà phải dự thi hết cả bài tổ hợp. Theo em, việc này vừa không có ý nghĩa gì mà lại gây mệt mỏi, áp lực lớn cho chúng em”.
“Quan điểm của tôi là khi vào cấp 3 mỗi em đều có lựa chọn nghề nghiệp của riêng mình và nó ứng với mỗi môn học. Nếu các em lựa chọn nhiều môn, ôn thi dàn trải, không học sâu được thì kết quả chắc sẽ không cao. Không nên lựa chọn thi cả 2 bài tổ hợp bởi đây là 2 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Học sinh cứ cố tìm kiếm sự may rủi thì dù có đỗ nhưng không đúng ngành nghề yêu thích thì kết quả học cũng không tốt được. Vì thế, các em chỉ nên tập trung học môn học chuyên sâu phục vụ cho ngành học, trường mà mình yêu thích để có đạt được kết quả tốt nhất” - thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) đưa ra lời khuyên cho HS.
Dễ “dính” điểm liệt
Xung quanh quy định để tăng cơ hội xét tuyển ĐH, thí sinh là HS phổ thông bắt buộc phải thi hết cả 3 môn thành phần của bài tổ hợp chứ không được quyền dự thi từng môn lẻ cũng gây nhiều tranh cãi. (Chỉ những TS đã tốt nghiệp (TS tự do) mới được quyền lựa chọn dự thi từng môn thành phần của bài thi tổ hợp). Bởi lẽ, trong bài thi tổ hợp thì 3 môn vẫn hoàn toàn tách biệt mà bắt các em chỉ vì lấy điểm 1 môn mà phải thi 3 môn thì gây căng thẳng cho HS. Hơn nữa, trong bài tổng hợp nếu 1 trong 3 môn bị điểm liệt thì sẽ thiệt thòi cho HS.
Thi tổ hợp tạo áp lực không đáng có cho học sinh? |
Phần lớn các giáo viên lo rằng, điều này vô tình tạo áp lực không đáng cho thí sinh. Đại diện một Sở GD&ĐT tại Đồng Bằng sông Cửu Long cho biết, Sở đã áp dụng hình thức thi trắc nghiệm 2 bài thi tổ hợp trong đợt kiểm tra học kỳ 1 vừa rồi và nhận thấy nhiều học sinh bị đuối khi thi liên tiếp 3 môn. Nhiều ý kiến các trường, các sở đề xuất, nên cho phép HS thi từng môn để phục vụ xét tuyển và xếp các học sinh này dự thi chung với thí sinh tự do. Khi đó, các em này sẽ thi theo từng môn chứ không thi theo bài, vừa đảm bảo giữ trật tự trong và ngoài phòng thi mà vẫn đảm bảo được quyền lợi thí sinh.
Trước băn khoăn HS cần điểm 1 môn phải thi cả 3 môn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, nếu cho phép tất cả thí sinh được chọn môn thành phần trong bài thi tổ hợp thì việc kiểm soát một lượng lớn thí sinh vào ra phòng thi, khu vực thi là không thể thực hiện được trong một buổi... Nếu đã tự tin với một bài thi tổ hợp để xét tốt nghiệp THPT thì bài thi tổ hợp thứ hai thí sinh chỉ cần tập trung làm thật tốt môn thành phần sử dụng để xét tuyển sinh ĐH, các môn còn lại phải làm để không bị điểm liệt (1 điểm) là đủ.
Cần có lộ trình, tránh thay đổi đột ngột
Có thể nói, chỉ trong vòng một tháng qua, Bộ đã liên tục có những thay đổi lớn khiến không chỉ thầy trò mà ngay cả các trường cũng lo lắng. Hai trường hợp gần đây nhất đã chứng tỏ điều đó. Thứ nhất, Bộ quyết định trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2017 sẽ bỏ “điểm sàn”. Nhưng chỉ một tháng sau lại có quyết định “quay ngoắt 180 độ” là vẫn cứ giữ điểm sàn. Thứ hai, trước Tết, Bộ quyết định không công bố đề thi và đáp án các môn thi trắc nghiệp với nhiều giải thích để chứng minh rằng đó là sự đổi mới cần thiết. Nhưng vừa ra Tết, Bộ lại quyết định đổi mới lại như cũ đó là: Đề thi và đáp án vẫn được công bố.
Những thay đổi cần có lộ trình, tránh thay đổi đột ngột. |
Nhìn nhận về vấn đề này, PGS Văn Như Cương cho rằng, Bộ GD&ĐT có lẽ đứng số 1 trong các Bộ về việc liên tục có đổi khác (chứ không phải là đổi mới). Sau đợt thi này Bộ nên tổng kết rút kinh nghiệm để xây dựng một phương án thi ổn định trong vài năm. Đặc biệt, phải ban hành quy chế từ đầu năm học để HS định hướng được việc học tập, thầy trò có thời gian luyện tập, chứ không giờ chỉ còn mấy tháng nữa là thi mới thông báo.
Mà cho đến thời điểm này thầy trò vẫn rất lo lắng không biết Bộ còn thay đổi nào nữa không?! Cứ mỗi năm lại có “phương án mới” cho tốt nghiệp THPT là quá vất vả cho các em HS. Thầy Nguyễn Quốc Bình cũng cho rằng, quy chế thay đổi sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu HS nên Bộ cần phải có lộ trình từng bước để HS thích ứng kịp, tránh những thay đổi đột ngột, bất ngờ gây xáo trộn tâm lý cho thầy và trò như hiện nay./.