Cần chăm sóc điều trị sớm cho trẻ tự kỷ
Điều trị cho những trẻ tự kỷ cần nhiều phương pháp trị liệu kết hợp

Không phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác, 4 tuổi, bé Nguyễn Bảo An vẫn rụt rè, ít nói và sống thu mình. Sau khi đi khám, gia đình mới biết bé bị chứng tự kỷ. Bà Đặng Ngọc Nõn, xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên cho biết: “Cháu tôi ở nhà không nghịch nhưng mà không nói thành câu. Nhà cứ tưởng nó bị chậm nói nên lúc đầu không để ý mấy”.

Điều trị cho những trẻ tự kỷ có nhiều phương pháp trị liệu như: hướng dẫn kỹ năng sống tự lập; Ứng dụng phân tích hành vi; Điều hòa giác quan. Trong đó, việc phối hợp giữa trung tâm với gia đình đóng vai trò quan trọng để nâng cao hiệu quả trị liệu.

Anh Bàn Văn Thuận, Cơ sở chăm sóc và can thiệp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thị xã Phổ Yên cho biết về sự phối hợp giữa cơ sở và gia đình: “Mỗi ngày, trung tâm đều có giáo án riêng cho mỗi cháu sau đó trao đổi thường xuyên với gia đình. Phụ huynh sẽ nắm bắt được mọi hoạt động để hỗ trợ điều trị hiệu quả”.

Trên địa bàn thị xã Phổ Yên hiện có trên 43.400 trẻ em, trong đó có hơn 300 cháu bị mắc bệnh tự kỷ - là một trong những địa phương có số trẻ mắc bệnh tự kỷ cao nhất của tỉnh Thái Nguyên. Những năm qua, các cấp ngành liên quan của thị xã Phổ Yên đã rất quan tâm đến công tác chăm sóc trẻ em, trong đó có chăm sóc trẻ tự kỷ.

Cần chăm sóc điều trị sớm cho trẻ tự kỷ
Gia đình cần quan tâm để phát hiện sớm, kịp thời bệnh tự kỷ của trẻ để giúp việc điều trị bớt khó khăn

Bà Dương Thị Ngọc Mỹ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh, Xã hội thị xã Phổ Yên cho biết về những công việc cụ thể của đơn vị trong những năm vừa qua: “Chúng tôi thường xuyên hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, tập huấn cho đội ngũ giáo viên của cơ sở; đồng thời thường xuyên kiểm tra hoạt động của các cơ sở trên địa bàn”.

Việc phát hiện sớm trẻ tự kỷ sẽ giúp các em sẽ có nhiều cơ hội để trị liệu và hòa nhập tốt hơn với cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay, điều đáng báo động là nhiều bậc cha, mẹ không phát hiện ra con mình tự kỷ hoặc không chịu thừa nhận con mình mắc chứng bệnh này, dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị gặp nhiều khó khăn.

Thạc sỹ Nguyễn Trọng Tiến, nghiên cứu, tư vấn và phát triển cộng đồng Thái Hà chia sẻ: “Khi trẻ sinh ra có thể có nhiều lý do khác nhau. Có thể là thể chất không đảm bảo, đặc biệt là thiếu sự quan tâm sát sao của các gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ hiện nay, với áp lực công việc lớn, bận rộn đi làm từ sáng đến tối... không có sự quan tâm đầy đủ đến con cái, hoặc là về thực phẩm khi bà mẹ mang thai không chú ý có thể ảnh hưởng đến đứa trẻ khi được sinh ra.”

Theo thống kê, hiện nay tỉnh Thái Nguyên có khoảng 0,1% số trẻ em bị mắc bệnh tự kỷ, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do yếu tố gia đình. Do vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm, sát sao hơn nữa đối với con em mình, phát hiện và can thiệp điều trị, sớm giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả cao./.