Cấm bán rượu, bia theo giờ: Lo ngại nhiều hệ lụy khó lường?
Bộ Y tế đang lấy ý kiến về Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, Bộ đưa ra 3 phương án điều chỉnh khung giờ cấm bán rượu bia.
Cụ thể, phương án 1 là chỉ được bán rượu bia trong khoảng thời gian từ 11-14h và 17-22h hàng ngày, trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch; Phương án 2 là chỉ được bán rượu, bia trong khoảng thời gian từ 6-22h; Phương án 3 là thời gian không được bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ.
Bộ Y tế đang đề xuất 3 phương án giờ cấm bán rượu, bia (Ảnh minh họa: KT) |
Bà Đặng Thị Thanh Vân- Giám đốc Đối ngoại và pháp lý, Công ty TNHH Pernod- Ricard Việt Nam cho rằng, 3 phương án điều chỉnh khung giờ cấm bán rượu bia mà Bộ Y tế vừa đưa ra thiếu tính khả thi trong quá trình thực hiện. Đặc biệt là hoạt động giám sát và kiểm tra sau nửa đêm.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến phát triển du lịch và ngành dịch vụ phụ trợ (khách sạn, quán bar, nhà hàng…). Bên cạnh đó, việc cấm bán rượu, bia theo giờ không rõ mục đích và hiệu quả.
Theo ông Matt Wilson- Giám đốc ngoại vụ cấp cao, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam, việc hạn chế giờ bán rượu, bia như trong Dự thảo đưa ra không giúp người tiêu dùng điều chỉnh được hành vi thậm chí còn đẩy họ tìm đến những sản phẩm có hại cho sức khỏe, khiến người dân mua hàng bất hợp pháp trong khung giờ cấm nhiều hơn.
“Ví dụ nếu cấm bán bia sau 10h thì trước 10h người ta sẽ cố uống, sau 10h người ta có thể sẽ tìm đến những sản phẩm không hợp pháp. Việc cấm bán rượu bia sẽ tạo ra tác động vô cùng lớn về mặt tiêu cực với nền kinh tế của Việt Nam, thậm chí giúp thúc đẩy thị trường bia rượu bất hợp pháp phát triển”- ông Matt Wilson nói.
Nếu sử dụng rượu, bia điều độ, phù hợp với khuyến cáo của bác sỹ thì bản thân rượu bia không có hại cho sức khỏe. Chỉ có lạm dụng rượu, bia mới gây ra tác hại đối với sức khỏe và Tổ chức Y tế thế giới đã đề ra chiến lược toàn cầu về giảm thiểu tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn.
Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, nên sửa đổi tên của Luật thành “Luật phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn”. Bên cạnh đó, cần đề xuất phương án đánh thuế thật cao với mặt hàng này, thay vì đưa ra quy định về bán theo giờ.
Ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cách tốt nhất là nên tăng cường tuyên truyền, Bộ Y tế cần đưa ra khuyến cáo để người dân thấy tác hại của việc dùng quá nhiều rượu bia để tự điều chỉnh hành vi của mình.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay, các nước đều có luật về phòng chống tác hại rượu, bia. Tại Việt Nam, cũng đã có một số quy định liên quan đến sử dụng rượu, bia trong một số lĩnh vực. Tuy nhiên vẫn cần phải có Luật phòng chống tác hại của rượu, bia riêng, nhằm tác động sâu rộng tới nhiều người dân. Theo ông Nguyễn Huy Quang, sẽ cần phải có một quá trình thực hiện mới phát huy hiệu quả.
“Việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi của người dân, các chương trình tổ chức thường xuyên để tuyên truyền lâu dài về tác hại thì việc sử dụng sẽ giảm đi. Quan trọng nhất vẫn là ý thức nghiêm túc thực hiện của người dân”- ông Nguyễn Huy Quang nói./.