Các làng nghề hối hả vào vụ Tết
Làng nghề Bánh chưng Bờ Đậu, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương tấp nập chuẩn bị hàng hóa cung cấp cho dịp Tết.

Với truyền thống gần 60 năm, Làng nghề Bánh chưng Bờ Đậu, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương là một trong những làng nghề bánh chưng nổi tiếng nhất miền Bắc. Cũng bởi vậy, mà các cơ sở sản xuất ở đây đều “nổi lửa” quanh năm, nhưng nhộn nhịp, tấp nập nhất vẫn là vào vụ Tết Nguyên đán. Vào dịp này, trung bình mỗi cơ sở bán ra thị trường từ 200 - 300 chiếc bánh/ngày. Nhu cầu dịp gần Tết có thể tăng lên gấp 2 đến 3 lần, bởi vậy, những cơ sở sản xuất lớn như gia đình nhà bà Nguyễn Thị Oanh (Cơ sở sản xuất Sỹ Oanh) đã chủ động chuẩn bị nguồn nguyên liệu từ rất sớm để kịp thời đáp ứng thị trường cả về số lượng, mẫu mã và chủng loại bánh. Bà Nguyễn Thị Oanh cho biết: "Nhiều năm nay, cơ sở làm bánh chưng bằng gạo nếp cái vải. Hiện giờ, gia đình tôi đã chuẩn bị được 4 tấn gạo và 1 tấn đỗ để làm bánh phục vụ dịp Tết".

Ngoài công đoạn gói bánh bằng tay theo truyền thống, những năm gần đây, nhiều cơ sở trong làng nghề đã áp dụng các thiết bị, máy móc vào các công đoạn sản xuất nhằm vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng hàng hóa. Nếu như trước đây, 1 mẻ gạo làm bánh chưng, với khoảng 60kg gạo, bà Oanh phải huy động thêm 2 người và phải mất đến nửa tiếng cho riêng công đoạn vo và đãi gạo; thì nay bằng máy móc, nhân công và thời gian đều tiết kiệm hơn. Bà Nguyễn Bích Liên, Trưởng Làng nghề Bánh chưng Bờ Đậu cho hay: "Thị trường năm nay so với thị trường năm ngoái sẽ chậm hơn một ít do tác động của dịch COVID-19. Nhưng tôi tin chắc rằng từ giờ đến Tết số lượng sẽ tăng lên nhiều so với trong năm. Bởi vậy, Ban Quản lý Làng nghề động viên hội viên dù số lượng tăng lên nhưng bà con vẫn phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để giữ được thương hiệu của Làng nghề Bánh chưng Bờ Đậu".

Các làng nghề hối hả vào vụ Tết
Hoạt động sản xuất tại HTX Miến Việt Cường

Còn tại Làng nghề miến Việt Cường (xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ), không khí tấp nập sản xuất cho vụ Tết năm nay đã bắt đầu từ tháng 10 âm lịch, với nhiều đơn hàng lên đến cả tấn. Việc tích trữ, thu mua bột dong nguyên liệu vì thế mà được chuẩn bị ngay từ vụ dong của năm trước. Mặc dù, tỷ lệ cơ giới hóa trong quy trình sản xuất đã chiếm tới 90%, tuy nhiên, để đáp ứng sức mua tăng đột biến trong dịp này, nhân công lao động thủ công cũng được huy động tăng gấp rưỡi so với ngày thường. Chị Ma Thị Xoan, HTX Miến Việt Cường chia sẻ: "Tôi tăng ca 3-4 tiếng/ngày, nhiều lúc tăng ca mệt, nhưng rất vui vì hàng sản xuất ra đến đâu đều tiêu thụ hết, thu nhập ổn định".

Từ một vài hộ sản xuất nhỏ lẻ, đến nay, Làng nghề Miến Việt Cường đã phát triển được 3 HTX, với trên 50 hội viên. Dự tính đợt Tết năm nay, làng nghề sẽ cung ứng ra thị trường trên 300 tấn miến các loại. Đặc biệt, ngoài chú trọng về số lượng, việc nghiên cứu sản xuất ra các loại miến mới cũng được quan tâm, qua đó góp phần đưa sản phẩm Miến Việt Cường đến nhiều thị trường trong cả nước.

Anh Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc HTX Miến Việt Cường cho biết: "Bên cạnh miến dong truyền thống, HTX đã nghiên cứu, sản xuất sản phẩm khác như: miến khoai lang, miến sắn dây, miến tỏi đen. Năm nay, số lượng bán được trên 50 tấn. Từ giờ đến Tết, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp ra thị trường trên 100 tấn miến".

Cũng giống như các làng nghề nói trên, tại hơn 230 làng nghề, làng nghề truyền thống khác trên địa bàn tỉnh với các nghề làm bún, tương nếp, đồ gỗ mỹ nghệ, sinh vật cảnh…, không khí chuẩn bị, sản xuất hàng hóa diễn ra khá tất bật. Người dân tại các làng nghề đang tranh thủ thời tiết, triển khai kế hoạch sản xuất hợp lý để có đủ lượng sản phẩm cung ứng phục vụ thị trường Tết. Không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân mà sản phẩm phong phú, độc đáo đến từ các làng nghề còn đem lại hương vị đậm đà, ấm cúng cho mỗi người, mỗi nhà trong dịp Tết đến Xuân về./.