Bảo tồn và phát triển giống chè Trung du trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
Chè trung du sau khi được đầu tư cải tạo, năng suất chè búp khô tăng lên 5kg/sào/lứa |
Giống chè Trung Du là giống chè thuộc biến chủng Trung Quốc lá to, có lịch sử lâu đời, thích ứng cao với khí hậu và thổ nhưỡng tại Thái Nguyên. Với những đặc tính vốn có của một giống bản địa: sinh trưởng khỏe, chống chịu tốt với sâu bệnh và các điều kiện thời tiết bất thuận, giống chè Trung du có lợi thế hơn so với các giống chè lai khác tuy có chất lượng cao hơn nhưng thích ứng kém hơn. Do vậy, cùng với việc phát triển giống mới để nâng cao chất lượng giống, cần bảo tồn và phát triển giống chè Trung du bản địa góp phần thúc đẩy sản xuất chè bền vững găn với Chỉ dẫn địa lý Tân Cương.
Ông Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc Hợp tác xã chè Trung du Tân Cương chia sẻ: “Tôi cũng rất vui khi Sở Sở Khoa học và Công nghệ và ban ngành đã có đánh giá chương trình Bảo tồn và phát triển giống chè trung du. Đây là tín hiệu đáng mừng. Vì giống chè này đang mai một rồi. Mình làm chương trình này để mở rộng, khôi phục giống chè bản địa của Tân Cương”.
Dự án được triển khai từ tháng 9/2017. Dự án đã điều tra tuyển chọn cây chè Trung du ưu tú tại vùng chè Tân Cương; hướng dẫn người dân về kĩ thuật nhân giống, trồng trọt và thâm canh giống chè này. Trong khi tiến hành cải tạo nương chè, các hộ dân được hỗ trợ 40% giá phân bón, đồng thời cán bộ kỹ thuật cũng thường xuyên bám sát quá trình thực hiện và hướng dẫn kỹ thuật cải tạo, trồng cây cải tạo đất xung quanh vườn chè và sử dụng các loại phân bón phù hợp như: bón thêm các loại phân vi lượng, bón đủ lượng và đúng cách, bổ sung phân bón qua lá. Vì vậy, hiện nay đã có nhiều hộ dân quay trở lại cải tạo giống chè trung du hoặc trồng mới theo quy trình kĩ thuật của dự án.
Chị Hà Thị Mỵ, Cán bộ phụ trách Khuyến nông, xã Tân Cương, T.P Thái Nguyên cho biết: “Giống chè trung du có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt hơn giống chè lai. Đặc biệt là nó có khả năng chịu hạn tốt, có thể đưa vào sản xuất vụ chè đông”.
Qua điều tra, đánh giá, khảo sát, ban chủ nhiệm dự án và Cơ quan chuyển giao công nghệ đã lựa chọn được 05 xã tham gia triển khai, thực hiện dự án là: Tân Cương, Thịnh Đức, Phúc Trìu, Phú Hà, Phúc Xuân và lựa chọn được 42 cây chè trung du ưu tú. Đặc biệt, Ban chủ nhiệm đã tiếp tục chọn lọc, hoàn thiện các hồ sơ và trình cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận được 07 cây chè Trung du đầu dòng, ưu tú nhất trên địa bàn xã Tân Cương. 07 cây chè đầu dòng này đều được trồng từ hạt, sinh trưởng, phát triển khỏe, không bị sâu bệnh gây hại, trồng từ giai đoạn năm 1969 - 1974. Ban chủ nhiệm đã xây dựng được mô hình nhân giống: quy mô 6 vạn bầu tại xã Tân Cương; Xây dựng được mô hình trồng mới quy mô 3 ha; Lựa chọn và thực hiện được mô hình thâm canh cải tạo diện tích chè Trung du với quy mô 7ha tại 5 xã
Bà Triệu Thị Huệ, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên thông tin: “Chúng tôi đã hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc,kỹ thuật đốn, tạo, tỉa cây. Trong quá trình thực hiện dự án trung tâm đã hỗ trợ cho bà con về vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón để bà con thực hiện”.
Từ năm thứ 3 trở đi, 1ha vườn chè giống đã cung cấp khoảng hơn 1 triệu hom cung cấp giống cho khoảng hơn 60ha |
Đối với 3 ha chè giống Trung du được tuyển chọn, từ năm thứ 3 đã cung cấp khoảng 3 tấn hom/ha tương đương khoảng 3,9 triệu hom cung cấp giống cho khoảng 190ha. Đối với 7ha chè trung du sau khi được đầu tư cải tạo, năng suất chè búp khô tăng lên 5kg/sào/lứa; giá bán chè cũng tăng từ 150 lên 200 nghìn đồng/kg (tăng 15-20%) nên bà con rất phấn khởi. Dự án đã giúp một phần không nhỏ vào phát triển, bảo tồn cây chè Trung du, mở rộng diện tích chè. Từ đó đến nay sản xuất chè của tỉnh đang phát triển theo hướng bền vững hiệu quả, các sản phẩm chè đã được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế, đẩy mạnh du lịch sinh thái, nâng cao thu nhập cho các hộ trồng và sản xuất chè.
Ông Vũ Đức Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ, Chủ nhiệm dự án cho biết: “Kết quả của dự án đã mở rộng được thêm 3ha trồng mới, cải tạo và thâm canh hơn 7ha những nương chè già cỗi. Đặc biệt, chúng tôi đã hoàn thiện được quy trình trồng, chăm sóc cây chè trung du phù hợp với địa bàn các xã trong vùng chè Tân Cương”.
Từ kết quả dự án này đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân vùng chè, tạo động lực để người dân trong vùng tiếp tục lựa chọn, mở rộng diện tích trồng giống chè trung du. Tuy nhiên, Dự án mới chỉ đạt được kết quả trên một diện tích nhỏ. Để giữ gìn và phát triển chỉ dẫn địa lý Tân Cương cho sản phẩm chè Thái Nguyên, cũng như bảo tồn hương vị truyền thống, bà con vùng chè cần chung tay, góp sức nhân rộng diện tích, nâng cao giá trị sản phẩm chè trung du, góp phần chắp cánh cho thương hiệu Trà Thái ngày càng bay xa.