38 cán bộ bị xử lý liên quan đến oan sai, bỏ lọt tội phạm
Sáng 28/10, báo cáo Công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, ngành tiếp tục chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp chống oan, sai ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Bên cạnh đó, VKSND Tối cao tích cực, chủ động phối hợp với TAND tối cao, Bộ Công an thu thập tài liệu, thẩm tra, giải quyết dứt điểm một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng có mức án trên 20 năm, chung thân, tử hình có đơn kêu oan như vụ án: Trần Văn Vót, Huỳnh Văn Nén.Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí
Ngành kiểm sát cũng chú trọng nắm thông tin, quản lý chặt chẽ tình hình oan, sai, nhất là các trường hợp khiếu nại kéo dài, báo chí đưa tin, kịp thời chỉ đạo giải quyết minh oan cho người bị oan, xử lý nghiêm cán bộ lãnh đạo, Kiểm sát viên có sai phạm dẫn đến oan, sai vi phạm kỷ luật.
Viện trưởng Lê Minh Trí thẳng thắn nhìn nhận, trong năm năm 2016, có 38 trường hợp bị xử lý, trong đó 1 viện trưởng cấp tỉnh, 6 viện trưởng cấp huyện, 4 phó viện trưởng, còn lại là kiểm sát viên.
Theo Viện trưởng VKS Nhân dân Tối cao, các cán bộ này bị xử lý do liên quan đến oan sai và bỏ lọt tội phạm.
Người đứng đầu ngành kiểm sát cũng cho hay, để đảm bảo chống oai sai, trách nhiệm trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định ngành kiểm sát ngoài nhiệm vụ kiểm sát hoạt động điều tra còn phải trực tiếp điều tra để bổ sung tài liệu, chứng cứ khi phê chuẩn, khi phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật hoặc phải trực tiếp điều tra để kiểm tra, bổ sung, chứng cứ khi quyết định truy tố.
Ngoài ra, trực tiếp kiểm sát nhiều hoạt động điều tra của điều tra viên, trực tiếp thực hiện nhiều hoạt động tố tụng để việc giải quyết vụ án hình sự khách quan, chính xác, bảo đảm quyền con người, quyền bào chữa, như: ghi âm, ghi hình, cung cấp hồ sơ, tài liệu cho bị can, người bào chữa…
Luật thi hành việc tạm giữ, tạm giam quy định VKSND phải tăng cường công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, khắc phục việc quá hạn hoặc vi phạm trong công tác này, nhằm bảo đảm quyền con người.
Nếu vi phạm nghiêm trọng kiểm sát viên có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Viện trưởng Lê Minh Trí kiến nghị tiếp tục giám sát thực hiện nhiệm vụ chống oan, sai.
Đồng thời, quan tâm giám sát thực hiện nhiệm vụ chống bỏ lọt tội phạm, nhất là tội phạm về tham nhũng, chức vụ và kinh tế.
VKSNDTC cũng kiến nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành Nghị quyết chống bỏ lọt tội phạm để góp phần phòng ngừa, phát hiện tội phạm và phòng, chống tiêu cực trong cơ quan bảo vệ pháp luật các cấp./.