Xét xử vụ chạy thận: Vắng mặt ông Trương Quý Dương có thể gây oan sai
Sáng 25/5, TAND TP Hòa Bình tiếp tục xét xử vụ án chạy thận xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Nữ kiểm sát viên xin lỗi luật sư và bị cáo
Trước đó, sáng 24/5, phiên xét xử vụ án chạy thận khiến 9 người tử vong xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ 8.
Nữ kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử vụ chạy thận. |
Tại phiên tòa, trong khi bào chữa cho bị cáo Trần Văn Sơn, cán bộ phòng Vật tư – Thiết bị (BVĐK tỉnh Hòa Bình), luật sư của bị cáo đã tố Viện Kiểm sát nhầm lẫn nội dung ghi trong bút lục. Sau đó, nữ công tố viên đã lên tiếng xin lỗi luật sư và bị cáo.
Đại diện Viện Kiểm sát cho biết, tại bút lục 3808, bà đã “ghi nhầm” về quy chế chuyên môn, nhưng thực ra đó là quy trình về xử lý nước trong lọc máu, đồng thời xin lỗi luật sư và bị cáo.
“Tôi xin lỗi, đây là quy trình xử lý nước trong lọc máu của bệnh viện. Do số 3 và số 8 có phần giống nhau nên dẫn đến sự nhầm lẫn này" - nữ công tố viên nói.
Cũng theo đại diện Viện kiểm sát, tại ngày xảy ra sự cố y khoa (29/5/2017), tất cả các y bác sỹ trong bệnh viện đều là người thực hiện trực tiếp ca trực, nên làm rõ trách nhiệm của họ thì để đảm bảo tính bao quát, VKS xác định họ là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
"Việc vắng mặt ông Dương tại toà có thể gây oan sai"
Trong phiên tòa sáng 24/5, các luật sư nêu quan điểm về trách nhiệm của nguyên Giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương. Ông Dương liên tiếp không đến toà, người được ông đại diện ủy quyền cũng có mặt buổi có buổi không.
Các bị cáo trong vụ án chạy thận Hòa Bình. |
Tiếp đến phần bào chữa của mình, luật sư Trần Vũ Hải (bào chữa cho Bùi Mạnh Quốc) đề nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan điều tra và đại diện viện kiểm sát. Họ đã để “vụ án kéo dài” khi không mời được nguyên giám đốc Trương Quý Dương đến toà. Đang liên quan đến vụ án nhưng ông Dương lại được xuất cảnh ra nước ngoài.
Luật sư Hải cho rằng, đây là sự cố y khoa lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Theo ông Hải, sau khi xảy ra vụ án, Bộ Y tế ban hành quy chế quy trình lọc máu và vận hành hệ thống lọc nước RO nên Bộ này cũng có phần trách nhiệm.
Tiếp tục phần tranh luận, luật sư Nguyễn Danh Huế (đại diện BVĐK tỉnh Hòa Bình) nêu quan điểm: "Việc vắng mặt ông Dương tại toà rất có thể gây oan sai". Người đứng đầu bệnh viện phải chịu trách nhiệm trong vụ án này. Ông Huế cũng kiến nghị triệu tập ông Trương Quý Dương từ trước và trong khi diễn ra phiên toà nhưng HĐXX không thực hiện.
Theo ông Huế, công ty Thiên Sơn phủi bỏ trách nhiệm khi nhượng thầu xong không giám sát đơn vị thực hiện. Đây được xem là một trong những nguyên nhân để xảy ra sự cố y khoa khiến 9 người chết.
Luật sư Huế cho rằng nguyên nhân mấu chốt khiến 9 nạn nhân tử vong khi đang chạy thận là do Thiên Sơn chuyển nhượng “gói thầu” cho một công ty không có năng lực như Trâm Anh. Giám đốc công ty Trâm Anh là Bùi Mạnh Quốc không được đào tạo, chỉ làm việc bằng “12 năm kinh nghiệm”.
Đối đáp lại hai vị luật sư về việc ông Trương Quý Dương xuất cảnh, nữ công tố viên cho rằng trong vụ án, ông Dương chỉ là người có quyền và nghĩa vụ liên quan nên không có cơ sở cấm xuất cảnh. Ông Dương không phải là bị can, bị cáo hay người sắp bị khởi tố nên không thể cấm xuất cảnh.
Tiếp theo, nêu quan điểm trách nhiệm để xảy ra sự cố, luật sư Nguyễn Tiến Thuỷ (bào chữa cho Trần Văn Sơn) cho rằng, theo quy chế Bộ Y tế ban hành, người đầu tiên phải chịu trách nhiệm là ông Trần Văn Thắng (Trưởng phòng vật tư). "Ông Thắng phải là người đầu tiên kiểm tra các thiết bị sau đó chuyển sang cho điều dưỡng. Tuy vậy, chưa ai hỏi rõ về cơ cấu tổ chức của điều dưỡng khiến nhiều người lầm tưởng họ thuộc đơn nguyên thận nhân tạo. Điều dưỡng là bộ phận trực thuộc sự chỉ đạo của ban giám đốc và có liên quan đến quá trình chữa bệnh" - luật sư Thủy nói.
Về vấn đề này, đại diện viện kiểm sát cho rằng, Sơn đã được trưởng phòng vật tư Trần Văn Thắng phân công cụ thể và ghi trên bảng treo ở khoa. Ông Thắng hoàn toàn có quyền phân công nhiệm vụ cho cấp dưới của mình. Chính bị cáo Sơn cũng thừa nhận làm việc quản lý, sửa chữa từ năm 2013.
Nội dung đoạn clip giao nộp cho Tòa thể hiện điều gì?
Trước đó, chiều 23/5, luật sư Lê Văn Thiệp (bào chữa cho bị cáo Lương) đã giao nộp đoạn clip có lợi cho bác Lương đến Tòa. Đoạn clip được ông Hoàng Công Tình (chú của bị cáo Lương) gửi luật sư để giao nộp cho Thư ký Tòa.
Cũng liên quan đến tình tiết trên, chiều 24/5, ông Hoàng Đình Khiếu (Phó giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) trình bày về nguồn gốc clip trên.
Tại tòa, ông Hoàng Đình Khiếu cho biết, ít ngày sau sự cố y khoa xảy ra có một cuộc họp chuyên môn để kiểm điểm về sự cố. Trong cuộc họp, có 2 luồng ý kiến đã bàn giao và chưa bàn giao hợp đồng RO số 2, nhưng theo thủ tục thì chưa thấy bàn giao.
Theo ông Khiếu, mục đích việc quay đoạn clip để hỏi lại xem hợp đồng đã được thanh lý chưa, nếu hợp đồng được thanh lý tức là đã bàn giao xong.
"Ít hôm sau, tôi gọi mọi người đến phòng tôi để làm rõ việc đã bàn giao hợp đồng chưa. Tôi bảo mọi người ghi lại, ghi âm chứ không có ghi hình. Còn ghi hình lúc nào thì tôi không biết. Việc video clip trên tôi cũng không biết là có cắt ghép hay không. Trước đó, chúng tôi không có bàn bạc về việc quay. Nội dung ghi âm được ghi tại phòng tôi (phòng phó Giám đốc), có tôi, anh Tình, nhiều người khác nữa"- ông Khiếu nói.
Khi được Tòa hỏi về quan điểm đối với lời khai của ông Khiếu thì bà Vũ Thị Phương Thúy (phó Trưởng phòng Tài chính kế toán - Bệnh viện đa khoa Hòa Bình) là nữ nhân vật trong cuộc đối thoại cho biết: "Tôi không nhớ được tình tiết này. Khi đó tôi đang đi công tác ở Nha Trang. Thực tế, tôi chỉ biết là có hợp đồng, còn không biết đã bàn giao hợp đồng 315 hay chưa vì có rất nhiều hợp đồng. Trong clip tôi có trả lời với ông Khiếu nhưng tôi không biết là hợp đồng nào vì lúc đó nói chuyện qua điện thoại, không thể biết chắc được"./.