* Con số 54 và 32

Par Index là Chỉ số cải cách hành chính, là công cụ quan trọng để theo dõi, đánh giá hoạt động cải cách hành chính (CCHC) được Bộ Nội vụ ban hành tại Quyết định số 1294/QĐ-BNV ngày 03/12/2012 về phê duyệt Đề án "Xác định chỉ số CCHC của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương" với mục tiêu: Xác định Chỉ số CCHC để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả CCHC hàng năm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020. Trong chỉ số này, các bộ, ngành Trung ương được đánh giá, so sánh với nhau gồm 7 lĩnh vực, 31 tiêu chí và 89 tiêu chí thành phần. Các tỉnh, thành được đánh giá so sánh với nhau gồm 8 lĩnh vực, 34 tiêu chí và 104 tiêu chí thành phần.

Par Index gồm đánh giá bên trong của cơ quan (có thẩm định của Hội đồng Thẩm định Trung ương) và đánh giá bên ngoài của người dân. Nội dung của Chỉ số được xác định trên 8 lĩnh vực, gồm: Công tác chỉ đạo điều hành CCHC; Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; Hiện đại hóa nền hành chính; Thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Tổng điểm của Par Index là 100 điểm với phương pháp đánh giá: thông qua kết quả tự chấm điểm của địa phương (đánh giá bên trong) với số điểm tối đa là 62/100 điểm và kết quả điều tra xã hội học (đánh giá bên ngoài) với số điểm tối đa là 38/100 điểm.

thai nguyen no luc thuc hien nhieu giai phap nang cao chi so cai cach hanh chinh par index bai du thi
Thái Nguyên xếp vị trí 54/63 tỉnh, thành trên Bảng xếp hạng chỉ số cải cách hàng chính năm 2016

Đối với tỉnh Thái Nguyên, trong năm đầu tiên - năm 2012, xếp hạng chỉ số CCHC Par Index, tỉnh xếp vị trí 26/63 tỉnh, thành, với tổng điểm 79,03. Năm 2013, Thái Nguyên tụt 12 bậc, xếp vị trí 38 với 77,01 điểm. Tiếp đó, năm 2014, Thái Nguyên được 80,05 điểm, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành, tụt 4 bậc so với năm 2013. Năm 2015, Thái Nguyên bứt phá lên vị trí 22 với tổng điểm 86,71 điểm. Và theo kết quả công bố chỉ số Par index năm 2016, tỉnh Thái Nguyên có tổng số điểm là 69.03/100 điểm (trong đó điểm tự chấm là 42.75/62 điểm, điểm đánh giá tác động của CCHC là 26.28/38 điểm), chỉ xếp thứ 54, giảm tới 32 bậc so với năm 2015.

Bên cạnh một số lĩnh vực có tiêu chí đạt cao như: Lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đạt điểm tối đa 9/9 điểm; lĩnh vực Cải cách tài chính công đạt 3.5/4 điểm, còn khá nhiều lĩnh vực có tiêu chí bị trừ điểm, điểm thấp như: công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, hiện đại hóa hành chính,…

* Thẳng thắn nhìn nhận từ thực tế

thai nguyen no luc thuc hien nhieu giai phap nang cao chi so cai cach hanh chinh par index bai du thi
Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa phường Ba Hàng, thị xã Phổ Yên

Trong những năm qua, công tác CCHC của tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực, đáng chú ý là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự tham gia của các tập thể, cá nhân liên quan đối với công tác CCHC của cơ quan Nhà nước. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền các cấp, góp phần cải thiện các chỉ số đánh giá về CCHC.

Đặc biệt là nhận thức của người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị, các cấp đối với công tác CCHC được nâng lên. Cùng với đó công tác CCHC trong việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã góp phần làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, xây dựng nền hành chính phục vụ, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi đến giao dịch với các cơn quan hành chính Nhà nước.

Tuy nhiên, nhìn vào bảng xếp hạng chỉ số Par Index của Thái Nguyên trong 5 năm qua cho thấy, tổng điểm cũng như các tiêu chí thành phần tăng, giảm qua mỗi năm không đồng đều, tính bền vững không cao. Điều này đã cho thấy, hiện nay, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc.

Theo ông Nguyễn Thái Hà, Chủ tịch UBND phường Mỏ Chè, thành phố Sông Công chia sẻ: "Là một phường trung tâm của thành phố Sông Công nên công việc giải quyết các thủ tục hành chính nhiều và bận rộn hơn. Hiện nay, bên cạnh khó khăn về cơ sở hạ tầng, hệ thống mạng chưa đồng bộ, ít kinh phí đầu tư nâng cấp; thì đội ngũ cán bộ, công viên chức, đặc biệt tại Bộ phận một cửa của phường do làm nhiều công việc kiêm nhiệm đã ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các thủ tục. Ví dụ như: cán bộ địa chính của phường ngoài nhiệm vụ nhận hồ sơ, giải quyết các thủ tục cho người dân còn phải đi thực địa ở cơ sở; cùng với đó cập nhật và nghiên cứu nhiều văn bản mới từ Trung ương, các bộ, ngành đến tỉnh và thành phố".

Đối với các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh, vấn đề CCHC luôn được quan tâm hàng đầu. Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, mặc dù, ngành ngân hàng đã thường xuyên quan tâm đến vấn đề hiện đại hóa các quy trình giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng cho người dân, đơn vị khi đến giao dịch, tuy nhiên trong quá trình làm việc, người dân vẫn phải qua nhiều thủ tục hành chính khác, mất nhiều thời gian, công sức đi lại như: xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, cấp quyền sử dụng đất, phê duyệt phương án đầu tư,…

Bên cạnh những mặt tích cực về CCHC đạt được những năm qua, người dân đã dễ dàng, thuận tiện hơn khi thực hiện nhiều quy trình, tuy nhiên thực tế hiện nay, việc giải quyết thủ tục hành chính tại các địa phương, đặc biệt ở tuyến xã, phường vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được quan tâm giải quyết. Ông Hà Trọng Hùng, tổ 10, phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Thủ tục hành chính của một số lĩnh vực như đất đai, hộ tịch, vẫn còn rườm rà, phức tạp, chưa rõ trách nhiệm giữa các cơ quan. Nhiều khi phải đi đến 3, 4 lần mới giải quyết được công việc".

Vấn đề CCHC, phân tích, chỉ ra những tồn tại, hạn chế từ đó đưa ra các giải pháp để nâng cao chỉ số Par index, đặc biệt là hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân còn là nội dung chính được trao đổi, thảo luận trong nhiều cuộc họp giữa lãnh đạo tỉnh và các ngành, đơn vị, địa phương. Đặc biệt là trong Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XIII diễn ra trong 2 ngày 20 và 21/7, nội dung này đã được đưa vào chương trình nghị sự. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương đã thẳng thắn và trách nhiệm nhận khuyết điểm, chỉ ra những tồn tại của công tác CCHC hiện nay.

Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh đã thẳng thắn nhìn nhận: Chỉ số Par index năm 2016 so với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI như chân to - chân bé, thậm chí là khập khiễng. Cả hệ thống cần phải kiểm điểm, nhìn nhận lại công tác này đối với từng đơn vị, lĩnh vực.

Cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh: Đội ngũ cán bộ, công chức còn chậm đổi mới, hiệu quả công việc chưa cao. CCHC tại tuyến xã, phường đang dậm chân tại chỗ, có nơi còn thụt lùi. Một số ngành, đơn vị thủ tục tục hành chính vẫn còn rườm rà, phức tạp; niêm yết chưa đầy đủ, kịp thời. Chất lượng giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh còn thấp, số hồ sơ giải quyết TTHC quá hạn ngày càng gia tăng; các dịch vụ công chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, mức độ hài lòng của người dân còn thấp;…Trên cơ sở chỉ ra những tồn tại, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: CCHC phải bằng những giải pháp cụ thể, không được chung chung.

* Quyết liệt và trách nhiệm, hướng tới chính quyền kiến tạo

Ngay khi có kết quả về chỉ số Par index, với tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn và trách nhiệm, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh đã họp bàn, xây dựng kế hoạch với các giải pháp cụ thể về nâng cao chỉ số, đồng thời quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương chủ động triển khai thực hiện. Trong đó, vấn đề cốt lõi được đưa ra là đánh giá nghiêm túc thực trạng CCHC của ngành, địa phương mình và triển khai các giải pháp thực hiện nâng cao Chỉ số CCHC trong những tháng cuối năm 2017 và những năm tiếp theo.

Theo đó, trong Kế hoạch số 121 của UBND tỉnh nhấn mạnh: Để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch CCHC năm 2017 và Đề án CCHC giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện đến xã, phường cần phải nỗ lực, có những bước thay đổi tích cực, có phương pháp đổi mới về CCHC từ nhận thức đến phương pháp tiếp cận và triển khai thực hiện. Các địa phương có giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém hiện nay. Các sở, ban, ngành trực tiếp tham mưu UBND tỉnh về CCHC cần rà soát các tiêu chí, tiêu chí thành phần, tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể nâng cao, cải thiện chỉ số. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, gắn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đối với công tác CCHC.

Bên cạnh đó quan tâm đến vai trò, trình độ và trách nhiệm trong công việc của cán bộ, công chức; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị; xây dựng trung tâm dịch vụ hành chính công, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát thực hiện CCHC, kiểm tra, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại đơn vị, địa phương….

Thông qua Chỉ số CCHC - Par index, bên cạnh đưa ra thứ hạng của các tỉnh, các bộ, ngành về kết quả CCHC, điều quan trọng hơn là xác định rõ những điểm mạnh, điểm yếu của từng bộ, ngành, địa phương trong các lĩnh vực CCHC để có giải pháp hiệu quả khắc phục. Với sự chỉ đạo quyết liệt cùng những giải pháp cụ thể đã cho thấy quyết tâm chính trị của lãnh đạo tỉnh, cùng tinh thần trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để Thái Nguyên nỗ lực nâng cao thứ hạng về cải cách hành chính, đặc biệt là xây dựng được một nền hành chính hiện đại, công khai minh bạch, dân chủ, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập quốc tế của quốc gia./.