Đánh giá, xếp hạng chỉ số cải cách hành chính góp phần nâng cao chất lượng điều hành
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên kiểm tra việc ứng dụng công nghệ số vào cải cách hành chính tại Trung tâm hành chính công của tỉnh

Khu vực tiếp nhận và trả kết quả các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa Phường Trưng Vương, mỗi ngày tiếp nhận trên dưới 30 hồ sơ của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Với trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, thời gian qua công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ luôn đạt tỷ lệ 100%, không có hồ sơ quá hạn. Bên cạnh đó, tất cả thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực đều được niêm yết công khai để người dân dễ dàng theo dõi, rà soát. Công dân khi đến làm thủ tục đều được cán bộ, công chức của phường hướng dẫn tận tình, trách nhiệm, mọi thủ tục đều được giải quyết nhanh chóng, đúng hẹn.

Ông Nguyễn Văn Túy, Tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên nhận xét:“Qua làm việc với phường Trưng Vương thấy nhân viên và các đồng chí lãnh đạo ở đây đều rất nhiệt tình, chu đáo”.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Công chức Phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên cho biết: “Để giải quyết thủ tục cho công dân nhanh gọn thì cán bộ công chức chúng tôi thường hướng dẫn các thủ tục như có tờ khai hồ sơ; để giải quyết cho công dân thường ứng dụng phần mềm trên cổng thông tin điện tử của thành phố cập nhật cho nhanh, công dân có thể truy cập thẳng vào vào cổng này để tra tiến độ thủ tục của mình đã giải quyết đến đâu”.

Coi cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, đặt người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, lãnh đạo phường Trưng Vương luôn quán triệt cho cán bộ nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm phục vụ người dân, doanh nghiệp, đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính theo tinh thần Nghị quyết 01/2018 của Chính phủ, kết hợp thực hiện Nghị quyết số 09/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.

Đánh giá, xếp hạng chỉ số cải cách hành chính góp phần nâng cao chất lượng điều hành
Bộ phận 1 cửa tại cơ sở đã và đang nâng cao chất lượng phục vụ dịch vụ công trực tuyến

Bà Lương Thị Thu Hà, Công chức Phường Trưng Vương cho biết: “Qúa trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ công chức của phường quán triệt không hách dịch, cửa quyền và hướng dẫn thủ tục cho người dân hiểu được thủ tục hành chính họ đang làm. Người dân đến đây được chúng tôi hướng dẫn làm sao để các thủ tục được tiến hành nhanh gọn nhất”.

Hiện đại hóa nền hành chính đang là yêu cầu bức thiết vào thời điểm hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh tỉnh Thái Nguyên quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số trong giai đoạn 2020 – 2025. Điều này đặt ra cho các đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO.

Bộ phận 1 cửa của Sở Công thương đã và đang áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, trong đó 9 thủ tục mức độ 4, 27 thủ tục mức độ 3 tập trung vào 13 lĩnh vực chủ yếu như: Xúc tiến thương mại; Quản lý cạnh tranh; thương mại quốc tế; Dịch vụ thương mại; Lưu thông hàng hóa; Lĩnh vực điện. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến góp phần rút ngắn thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân khi đến giải quyết các cải cách hành chính.

Bà Đỗ Thị Thu Nga, Chuyên viên Bộ phận một cửa, Sở Công thương Thái Nguyên chia sẻ: “Lãnh đạo sở luôn quan tâm đến thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân, quán triệt tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân phải nhanh chóng, chính xác, đảm bảo hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện nhanh nhất”.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cũng là một trong những đơn vị đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính, minh bạch hóa các quy trình, thủ tục hành chính, phát huy tốt hoạt động của bộ phận “một cửa”, xử lý trực tuyến các dịch vụ công; tiếp nhận hồ sơ qua hệ thống bưu điện, qua mạng và giải quyết nhanh gọn hiệu quả. Ban cũng đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO để hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp về quy trình, thủ tục, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhất là các vấn đề về cấp điện, cấp nước, thuê đất, ưu đãi đầu tư, thủ tục hành chính.

Bà Trịnh Thị Thanh Hòa, Trưởng bộ phận 1 cửa, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên khẳng định:“Chúng tôi đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO/2011-2015. Trong quá trình thực hiện, bộ phận tiếp nhận 1 cửa tăng cường sử dụng dịch vụ mức độ 3, 4”.

Đánh giá, xếp hạng chỉ số cải cách hành chính góp phần nâng cao chất lượng điều hành
Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích đang góp phần hiện đại hóa nền hành chính công của tỉnh

Thời gian qua, việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp mà còn góp phần từng bước hiện đại hóa nền hành chính công của tỉnh. Võ Nhai là huyện đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên thực hiện chuyển địa điểm Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả từ UBND huyện sang Bưu điện huyện. Từ đầu năm 2020, tất cả các giao dịch của người dân và doanh nghiệp được thực hiện tại trụ sở của bưu điện đã tạo điều kiện cho các giao dịch thuận lợi theo hướng văn minh, hiện đại.

Ông Nguyễn Văn Doanh, Xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai đánh giá: “Đến đây làm thủ tục, các cô làm thủ tục rất nhiệt tình, chu đáo, không vấn đề gì. Thủ tục cấp 20 ngày lấy kết quả thì đúng ngày ra lấy thôi”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Tuyết, Giám đốc Bưu điện huyện Võ Nhai cho biết: “Trong quá trình chuyển đổi thì cũng có khó khăn là bà con nhân dân chưa được tiếp nhận nhiều về dịch vụ công ích này. Vì vậy, nhận 1 hồ sơ phải giải thích rất nhiều lần bà con mới hiểu được và sử dụng dịch vụ của bưu điện và trả kết quả về đến tận nhà”.

Còn tại huyện Đồng Hỷ, bắt đầu từ tháng 12 thực hiện chuyển đổi thí điểm bộ phận một cửa của ubnd xã Hóa Trung sang điểm bưu điện văn hóa xã, các dịch vụ hiện đang được khách hàng sử dụng phổ biến là: Chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội; chuyển phát hồ sơ bảo hiểm xã hội; chuyển, trả kết quả chứng minh nhân dân. Việc chuyển phát hồ sơ, kết quả giải quyết cải cách hành chính được thực hiện theo đúng cam kết với cơ quan giải quyết cải cách hành chính và người dân.

Chị Hà Thị Ngọc Ánh, Chuyên viên kinh doanh Bưu điện Đồng Hỷ cho biết: “Hàng ngày sẽ có nhân viên bưu chính sẽ đến thu gom tại các địa điểm. Nhân viên bưu chính và đại diện bên cung cấp hồ sơ sẽ ký vào hồ sơ ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, số điện thoại của người gửi, tên địa chỉ cơ quan nhận giải quyết thủ tục hành chính, loại thủ tục hành chính”.

Ông Lâm Văn Vượng, Giám đốc bưu điện huyện Đồng Hỷ chia sẻ: “Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính đơn vị đã có những tính toán nhất định về nhân lực, về con người. Đặc biệt là về tiếp cận với người dân thông qua lãnh đạo UBND xã đã biết về sự tham gia vào dịch vụ này”.

Năm 2020, 100% hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích đều được phát đến địa chỉ nhận an toàn và chính xác; mọi văn bản giấy tờ hồ sơ đều được giữ nguyên, không xảy ra tình trạng hư hỏng, thất lạc hồ sơ. Thời gian tới, Bưu điện tỉnh tiếp phối hợp với chính quyền địa phương thông tin đến người dân về lợi ích của việc sử dụng các dịch vụ hành chính công, qua đó góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của các cơ quan giải quyết cải cách hành chính và của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Ngay từ khi mới triển khai, lãnh đạo Bưu điện tỉnh xác định đây là nhiệm vụ quan trọng vì nó ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Vì vậy, chúng tôi chỉ đạo các phòng chuyên môn lập kế hoạch, giao nhiệm vụ, quy trách nhiệm cụ thể, rõ ràng để làm sao đảm bảo khi thực hiện nhanh chóng, chính xác, đảm bảo an toàn”.

Năm 2019, chỉ số PCI Thái Nguyên xếp vị trí thứ 12 với tổng điểm 67,71 điểm, tăng 6 bậc, chỉ số Par Index xếp vị trí 14/63 tỉnh thành phố với tổng điểm 83,01 tăng 4 bậc so với năm 2018, việc triển khai áp dụng đánh giá, xếp hạng Chỉ số Par Index thời gian qua đã cho thấy sự toàn diện và hiệu quả. Trong năm qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số: 86 về cải thiện và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (Par Index), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (Sipas) năm 2020 với mục đích triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm duy trì kết quả đã đạt được và cải thiện, nâng cao điểm số, các tiêu chí thành phần. Đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Thái Nguyên trong triển khai, thực hiện công tác cải cách hành chính.

Ông Nguyễn Đức Lực, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Việc xây dựng các kế hoạch cải cách hành chính hàng năm đặc biệt là năm 2020, chúng tôi đã bố trí các nguồn lực để triển khai đảm bảo tiến độ kịp thời. Thứ 2, các cơ quan đơn vị ngành dọc trên địa bàn đã được bố trí tại các bộ phận 1 cửa. Thứ 3 là ứng dụng công nghệ thông tin và nổi bật là giải quyết các thủ tục hành chính thông qua bộ phận 1 cửa và 1 cửa liên thông, cung cấp dịch vụ mức độ 3 và mức độ 4 được thực hiện tốt. Gửi nhận văn bản điện tử giữa các cấp với trung ương với Chính Phủ được liên thông”.

Có thể thấy, việc đánh giá, xếp hạng chỉ số cải cách hành chính đối với các Sở, ngành, địa phương đã và đang mang đến những chuyển biến tích cực, góp phần tạo dựng một nền hành chính công hiện đại, minh bạch, đặt người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, từ đó nâng cao chất lượng điều hành kinh tế của các cấp chính quyền, cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới./.