Cứ mỗi kỳ liên hoan sân khấu, không ít nhà hát, các đoàn nghệ thuật đầu tư dàn dựng vở diễn thật hoành tráng nhằm mục đích giành giải. Tuy nhiên, sau cuộc thi, những vở diễn đó có phát huy được hiệu quả tương xứng với mức đầu tư hay lại bị "cất kho"?

Vì sao chỉ đầu tư cho vở diễn đi thi?

Tại Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc diễn ra tại TP.HCM mới đây (từ ngày 11 - 25/4/2018) cũng vậy, không ít nhà hát, đoàn nghệ thuật của sân khấu phía Bắc tập trung đầu tư dàn dựng vở diễn hoành tráng để đi thi. Thế nhưng thực tế qua các kỳ liên hoan cho thấy, có những vở diễn được đầu tư hàng tỷ đồng lại bị “cất kho”, còn vở diễn được đầu tư “chừng mực” lại đạt đến con số vài trăm đêm diễn.

so phan vo dien sau cac cuoc thi
Vở "Bão tố Trường Sơn" của Nhà hát kịch Việt Nam.

Lý giải nguyên nhân xảy ra hiện tượng này, đạo diễn Sĩ Tiến - Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ: “Đi thi là dịp để các nhà hát, đoàn nghệ thuật khoe với bạn nghề và công chúng “màu cờ sắc áo” của đơn vị mình. Vì thế, lãnh đạo đơn vị ráo riết tìm kịch bản, mời đạo diễn tên tuổi dàn dựng và tập trung mọi nguồn lực tài chính và con người cho vở diễn. Có đơn vị còn thuê ca sĩ chuyên nghiệp thể hiện ca khúc trong vở diễn, mời dàn nghệ sĩ múa cho vở diễn thêm phần hấp dẫn, thậm chí đầu tư hàng trăm cái đèn phục vụ buổi biểu diễn. Nhưng sau cuộc thi, ở các buổi biểu diễn phục vụ công chúng, vở diễn thường bị cắt phần ca khúc, múa và hệ thống đèn cũng chỉ còn một nửa, thế nên độ hấp dẫn cũng giảm sút”.

Còn nhà viết kịch Lê Quý Hiền cho rằng: “Cuộc thi đang tạo áp lực cho các đơn vị nghệ thuật, vì có những đơn vị nếu đi thi mà không có giải thưởng về báo cáo thì có nguy cơ bị giải tán đoàn. Vì thế, các đơn vị nghệ thuật phải tập trung đầu tư để vở diễn có giải, dẫn đến không ít chuyện tiêu cực, chạy giải thưởng cho vở diễn, cho diễn viên. Vở diễn chỉ cần đoạt giải thưởng, còn sau cuộc thi, vở diễn có được biểu diễn thường xuyên hay không, có thu hồi vốn, tái đầu tư được hay không không quan trọng, thậm chí “đắp kho” cũng không sao”.

Nhà viết kịch Phạm Dũng cũng từng than thở vì vở “Huyết lệnh” do anh viết kịch bản được HCV tại Hội diễn sân khấu năm 2012, nhưng sau đó hầu như Nhà hát Kịch Hà Nội không biểu diễn, không để cho khán giả được thưởng thức vở diễn này. Hay đơn cử như vở “Chiếc áo thiên nga” được dàn dựng cách đây gần 10 năm với kinh phí lên đến gần 2 tỷ đồng, hàng trăm diễn viên tham gia, nhưng vở diễn này có số buổi biểu diễn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đây là một sự lãng phí chất xám, nguồn lực và tài chính.

so phan vo dien sau cac cuoc thi
Vở "Gặp lại người đã chết" của Đoàn kịch Công An Nhân dân.

Tránh lãng phí và tăng tuổi thọ vở diễn

Với nhiều nhà viết kịch, đạo diễn; giải thưởng không phải là đích đến cuối cùng mà phần thưởng ý nghĩa và giá trị hơn với họ là khi tác phẩm được sự đón nhận nhiệt tình của khán giả.

Nhà viết kịch Giang Phong cho biết, ông hạnh phúc khi biết kịch bản “Họa mi lại hót” của ông được nhận giải Ba cuộc thi Sáng tác kịch bản sân khấu. Thế nhưng, ông còn hạnh phúc và sung sướng hơn khi mới đây nhận được tổng kết của Nhà hát kịch Nam Định báo tin vở kịch đã kỷ niệm đêm diễn thứ 300 ở năm sinh nhật thứ 8 và vở diễn này vẫn tiếp tục nằm trong dàn kịch mục của nhà hát trong những năm tiếp theo.

Đạo diễn Sĩ Tiến chia sẻ, vở kịch “Bến bờ xa lắc”, hay “Tất cả đều là con tôi” đã công diễn nhiều năm và vẫn được công chúng đón nhận. Từ thực tế của những vở diễn có tuổi thọ lâu dài cho thấy, để giảm thiểu sự lãng phí thì nhất thiết từ khâu sáng tác kịch bản cho đến dàn dựng, biểu diễn rất cần sự hòa nhập, bắt nhịp giữa nghệ thuật với đời sống thực tiễn. Nghĩa là ngay ở khâu sáng tác kịch bản, tác giả phải nói được điều công chúng đang quan tâm và có những dự cảm, cảnh báo đối với từng vấn đề cụ thể.

Bên cạnh chất bay bổng, thổn thức trong sáng tạo, đạo diễn, nhất là các nhà quản lý, cần phải có cái đầu lạnh để định lượng cho vở diễn có thể tiếp cận với công chúng một cách thuận tiện, lâu dài. Nếu được như vậy, giải thưởng mới thực sự ý nghĩa và thiết thực!/.