hop ban nang cap cai tao truong trung cap nghe dan toc noi tru thai nguyen
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị

Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú Thái Nguyên chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1 năm 2011, với chức năng đào tạo tay nghề trình độ trung cấp, sơ cấp, giới thiệu việc làm cho lao động là đối tượng chính sách, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn của tỉnh Thái Nguyên. Cho đến nay, trường đã đào tạo được 6 khóa với 500 lượt học sinh trung cấp, 1.800 lượt học viên sơ cấp và lao động nông thôn với tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt trên 70%. Tuy nhiên, hiện cơ sở vật chất nhà trường chưa được đầu tư, hiện vẫn đang đóng trụ sở tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Phú Lương, trang thiết bị dạy và học chưa đáp ứng được công tác giảng dạy; việc thực hiện chính sách cho cán bộ, giáo viên, học sinh chưa được triển khai theo các quy định hiện hành.

Xác định thực tế những khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của đơn vị, cùng nhiều ý kiến của các đại biểu tham dự hội nghị về việc việc nâng cấp, cải tạo trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú Thái Nguyên, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động tại các địa bàn vùng khó khăn của tỉnh Thái Nguyên, trên cơ sở đó, đồng chí yêu cầu các đơn vị liên quan như Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài chính thống nhất chủ trương, đề xuất cụ thể việc bàn giao theo lộ trình; đề xuất báo cáo chủ trương đầu tư; UBND huyện Phú Lương sớm kiểm tra, rà soát, đề xuất báo cáo việc nâng cấp Trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp đảm bảo chất lượng đào tạo; đồng thời yêu cầu Hội Nông dân sớm có báo cáo về hiệu quả hoạt động của Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh trước ngày 15/8; Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về đào tạo nghề trên địa bàn, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học tại các trường nghề hiện nay./.