Xử lý nợ xấu: Nghị quyết không phải để hợp thức hóa các vi phạm
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu. Dự thảo này được giới chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá là gỡ được nhiều nút thắt trong xử lý nợ xấu hiện nay, đặc biệt là điểm nghẽn từ tài sản đảm bảo.
Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, tổng số nợ xấu chưa được xử lý vào khoảng 450.000 - 500.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng 20 - 25 tỷ USD. Tính đến đầu năm nay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.
Ảnh minh họa |
Nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ này sẽ là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế. Trong khi đó, nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại. Các quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm còn nhiều vướng mắc, không bảo đảm quyền của bên nhận; chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của các tổ chức tín dụng. Thời gian xử lý nợ, tài sản bảo đảm qua tòa án thường kéo dài, trong khi pháp luật về tố tụng dân sự chưa cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ liên quan của các bên.
Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu đã trao quyền thu giữ tài sản đảm bảo cho tổ chức tín dụng; đồng thời áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp tại tòa. Đây cũng là lần đầu tiên quyền của chủ nợ được công nhận.
Ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng: "Điểm đột phá quan trọng nhất của Nghị quyết đó là việc tháo các nút thắt liên quan tới xử lý các tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp mà có liên quan tới các khoản nợ xấu. Nếu chúng ta không xử lý được các khoản tài sản đảm bảo cũng như tài sản thế chấp bằng các quy định pháp lý khả thi và hợp pháp thì nợ xấu sẽ vẫn tiếp tục là cục máu đông trong nền kinh tế và khi cục máu đông đó càng lớn lên thì chắc chắn sẽ tác động rất tiêu cực tới toàn nền kinh tế".
Dự thảo này được coi là một trong những điểm nhấn đáng chú ý kể từ khi chủ trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và đề án xử lý nợ xấu được triển khai từ 2011 đến nay. Tuy nhiên, không ít ý kiến lo ngại dự thảo này có phần ưu tiên đối với các tổ chức tín dụng và buông lỏng trách nhiệm của những cán bộ ngân hàng đã gây ra nợ xấu.
Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam cho biết, Nghị quyết này khi được ban hành không phải là để hợp pháp hóa các hành động trái pháp luật, mà vẫn đề cập nguyên tắc là phải xử lý trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân do vi phạm pháp luật tạo ra nợ xấu.
"Việc xem xét về trách nhiệm pháp lý trong vấn đề để xảy ra nợ xấu là chuyện khác chứ không nên gắn liền với việc xử lý nợ xấu, bởi xử lý nợ xấu là mục tiêu để tái tạo nguồn lực để phục vụ cho nền kinh tế. Còn án tại hồ sơ, tất cả những chuyện trách nhiệm của những người sinh ra nợ xấu, có thể từ phía khách hàng, từ phía ngân hàng, nguyên nhân khách quan-chủ quan khác nhau thì án tại hồ sơ và tình tiết đó cơ quan pháp luật vẫn xử lý bình thường chứ không phải vì có nghị quyết này sẽ sinh ra ỷ lại của các tổ chức tín dụng" - ông Nguyễn Tiến Đông cho biết thêm.
Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu nếu được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 và có hiệu lực trong vòng 5 năm, đối tượng là các khoản nợ phát sinh trước ngày 31/12/2016. Do vậy, các chuyên gia cho rằng quy định này chưa hoàn thành phù hợp trong bối cảnh nợ xấu luôn phát sinh và gia tăng trong thời gian tới, đồng thời, có thể sẽ tạo ra rào cản trong tiến trình xử lý nợ xấu.
Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính-ngân hàng, Chính phủ và Quốc hội nên tạo thông lệ tốt cho việc xử lý cả những khoản nợ xấu phát sinh sau ngày 31/12/2016.
Cũng theo ông Cấn Văn Lực: "Sau thời điểm 2016, nợ xấu vẫn còn tồn tại và nếu sau này có những khoản nợ xấu phát sinh mới mà nó đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện của Nghị quyết thì tại sao lại không cho phép áp dụng Nghị quyết để xử lý nó? Như vậy, vô hình chung tạo ra rào cản đối với tiến trình xử lý nợ xấu. Các khoản nợ xấu sau thời điểm 31/12/2016 giả sử đáp ứng được đầy đủ điều kiện về tiêu chuẩn của nợ xấu mà được VAMC hoặc tổ chức khác mua lại thì không nên quy định hẹp hòi là họ không được điều chỉnh theo Nghị quyết này của Quốc hội".
Xử lý nợ xấu không phải là cho riêng ngân hàng mà ảnh hưởng đến cả một nền kinh tế, giải phóng được cục máu đông nợ xấu sẽ có nguồn vốn cho tăng trưởng kinh tế. Về lâu dài, cần có luật điều tiết hoặc cần sửa đổi Luật để có thể áp dụng trong một khoảng thời gian dài về sau, tháo gỡ triệt để tận gốc của vấn đề./.