Không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu
Sáng 21/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, với đa số phiếu tán thành.
Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua được kỳ vọng sẽ làm "rã cục máu đông" nợ xấu trong hệ thống ngân hàng (Ảnh minh họa: KT) |
Nghị quyết gồm 19 điều và phụ lục về xử lý nợ xấu kèm theo, quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.
Nợ xấu quy định tại Nghị quyết này là khoản nợ hình thành trước ngày 15-8-2017.
Nghị quyết quy định rõ quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.
Nguyên tắc xử lý nợ xấu
Theo Nghị quyết, việc xử lý nợ xấu phải bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Quá trình xử lý nợ xấu phải phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng nêu rõ: Không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Về bán nợ xấu và tài sản bảo đảm, Nghị quyết quy định: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ./.