Website Trung Quốc gây phẫn nộ khi sử dụng trẻ em châu Phi làm công cụ quảng cáo
Một trong số những bức ảnh bị lên án do sử dụng trẻ em châu Phi làm công cụ quảng cáo |
Những tấm ảnh và video ghi lại nội dung một đám trẻ em người châu Phi, đa số thuộc quốc tịch Zambia cầm một tấm bảng ghi lại những thông điệp quảng cáo của doanh nghiệp, đi kèm cả số điện thoại liên lạc, đồng thời ca hát hoặc nhảy múa theo nhạc.
Theo báo cáo của Beijing Youth Daily, chúng đã nhanh chóng được người dùng "mua" trên Taobao nhằm làm kỷ niệm ngày sinh nhật, hay nhắn gửi tới người thân trong các dịp lễ đặc biệt vì có giá tương đối rẻ, chỉ khoảng 1 USD.
Tờ Hong Kong Free Press cho biết một vài doanh nghiệp lập luận đây là các hoạt động liên quan đến từ thiện. Tuy nhiên khi được hỏi rằng liệu số tiền kiếm được từ các đoạn video có được gửi tới cho lũ trẻ cùng gia đình, doanh nghiệp đã từ chối trả lời.
Một nguồn tin khác tiết lộ đám trẻ chỉ nhận được vài gói snack, cùng với một vài đô-la sau khi quay xong video, coi như trả tiền công khiến cư dân mạng phẫn nộ khi sự việc bị phanh phui. Nhiều ý kiến cho rằng bấy nhiêu là quá rẻ mạt so với mức tiền quảng cáo thông thường.
Các video này được "bày bán" công khai trên website Taobao, và người dùng sẽ phải trả phí nếu muốn sở hữu chúng cho các mục đích như gửi tặng, làm quà cho người thân, hay chỉ đơn giản là do hiếu kỳ. |
Một đại diện của nhóm doanh nghiệp sử dụng hình ảnh của đám trẻ em châu Phi làm công cụ quảng cáo cho biết, phần đông người Trung Quốc chưa từng rời khỏi đất nước này, và họ thích thú với những thứ "không thuộc về Trung Quốc". Những con người này thậm chí chưa từng gặp người đến từ những quốc gia, châu lục khác.
Việc sử dụng hình ảnh trẻ em, hay đặc biệt là có liên quan tới vấn đề sắc tộc, giới tính,... cho các mục đích thương mại là hành động từng bị lên án tại nhiều quốc gia. Có thể kể tới vụ việc khiến trang web Fiverr "điêu đứng" vào năm 2015, khi công khai kiếm tiền bằng các đoạn video có hình ảnh trẻ em Ấn Độ tại Mỹ.
Hồi đầu năm nay, "ngôi sao YouTube" PewDiePie cũng từng bị YouTube phạt nặng sau khi đăng tải video trích dẫn hình ảnh 2 người đàn ông Ấn Độ cầm tấm biển: “Death To All Jews” có nghĩa "Cái chết cho tất cả người Do Thái" khiến cộng đồng mạng phản ứng dữ dội.
Ngay sau đó, video này đã bị gỡ xuống và hai người đàn ông Ấn Độ trong video cũng lên tiếng xin lỗi. Họ khẳng định không biết tấm biển đó có ý nghĩa là gì và chỉ làm vì được thuê thông qua trang web Fiverr.