Bảo vệ trẻ em trước ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội
Thông tin trên báo về vụ việc bé gái 5 tuổi ở TP Hồ Chí Minh học theo trò thắt cổ trên Youtube |
Học theo trò thắt cổ trên Youtube, một bé gái 5 tuổi ở TP Hồ Chí Minh đã tử vong. Sự việc thương tâm xảy ra chỉ cách đây vài ngày đã khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng, hoang mang. Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên có trường hợp trẻ học theo các trò trên mạng xã hội gây hại đến bản thân.
Chị Vũ Thu Thủy, phường Tân lập, TP Thái Nguyên chia sẻ suy nghĩ: “ Đầu tiên tôi nghĩ là cháu bé đó có thời gian xem youtube nhiều, không được sự theo dõi của bố mẹ về chọn lọc nội dung. Cháu 5 tuổi nên không lựa chọn được nội dung nào là phù hợp với mình.”
Trên mạng xã hội có nhiều video nội dung không lành mạnh, hình ảnh phản cảm |
Mối nguy hiểm là hiện hữu, thế nhưng không thể cấm và làm thế nào để kiểm soát các nội dung trên mạng xã hội là trăn trở của hầu hết các bậc phụ huynh đang có con nhỏ. Facebook, zalo, youtube với những video chứa nội dung không lành mạnh, hình ảnh phản cảm, thậm chí cả những nhân vật trong truyện cổ tích và phim hoạt hình cũng bị xuyên tạc theo chiều hướng kinh dị, dung tục gây ám ảnh cho trẻ nhỏ.
Chị Nguyễn Thị Trà My, phường Quang Trung, TP Thái Nguyên chia sẻ: “ Càng những video đang hot, càng được lượng truy cập nhiều thì nó sẽ tự xuất hiện ở trên mạng nhiều. Do đó việc các con truy cập vào mạng, vô thức thôi không chủ ý sẽ truy cập vào nội dung đó.”
Nguy hiểm hơn, những video chứa nội dung xấu, độc lại nhắm đến đến đối tượng là trẻ nhỏ, thanh thiếu niên - độ tuổi vẫn chưa có sự phát triển đầy đủ về nhận thức và tâm sinh lý. Hàng trăm cuộc điện thoại phản ánh tình trạng xâm hại trẻ em qua mạng xã hội được ghi nhận mỗi năm tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra đó là sự buông lỏng quản lý, thiếu định hướng của cha mẹ khi trẻ sử dụng mạng xã hội.
Chị Trần Bảo Khánh, Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Nhiều trường hợp trẻ chậm nói, trẻ rối loạn phát triển là do ảnh hưởng của việc xem điện thoại và ti vi thông minh quá nhiều, dẫn đến việc các con không chủ động, không có ngôn ngữ giao tiếp, sự tương tác và nhiều hậu quả của mặt trái mạng xã hội tác động đến trẻ. Đặc biệt là về tâm lý, nhận thức, dẫn đến hành vi của các em lệch chuẩn.”
Cha mẹ cần tăng cường quan tâm, quản lý trẻ, nhất là trên mạng xã hội |
Trong khi các biện pháp để kiểm soát, ngăn chặn các nội dung xấu trên không gian mạng vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để, thì giải pháp duy nhất hiện nay là cha mẹ phải tăng cường quản lý nội dung mà trẻ con theo dõi trên mọi nền tảng mạng xã hội.
Chị Nguyễn Thị Trà My, phường Quang Trung, TP Thái Nguyên chia sẻ: “Có sự định hướng theo từng độ tuổi. Ví dụ khi các con còn nhỏ thì lựa chọn các chương trình vừa mang tính giải trí nhưng phải đảm bảo tính giáo dục một cách nhẹ nhàng cho các con. Đối với độ tuổi các con đi học thì lựa chọn các chương trình phù hợp với con, nhưng phải có quy định về thời gian và có tôn trọng sở thích của con nữa.”
Chị Vũ Thu Thủy, phường Tân lập, TP Thái Nguyên cũng chia sẻ: “ Định hướng các con nên xem cái gì, không nên xem cái gì. Một số cái mình cùng xem với con và phân tích như những clip này, nội dung này chưa phù hợp với tuổi các con, hoặc không nên làm theo như thế này vì nguy hiểm.”
Đồng hành với trẻ trên không gian mạng là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Bởi thực tế, việc kiểm soát của cha mẹ sẽ là không thể nếu như trẻ không được xây dựng ý thức tự sử dụng và bảo vệ mình an toàn trước những tác động tiêu cực từ mạng xã hội./.