Vụ “hiệp sĩ” bị chém thương vong: Mô hình 141 ở TPHCM, tại sao không?
Những ngày qua, dư luận khá bức xúc, phẫn nộ trước việc 2 "hiệp sĩ" đường phố thành phố ở Hồ Chí Minh phải bỏ mạng, 3 "hiệp sĩ" khác bị thương trong quá trình truy đuổi nghi can trộm xe SH.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thăm hỏi các "hiệp sĩ" đường phố bị nhóm trộm xe máy SH đâm chém vào tối 13/5 phải nhập viện. Ảnh: Vinh Quang/VOV-TPHCM. |
Trung tá Đào Trung Hiếu (Chuyên gia Tội phạm học, Bộ Công an) cho rằng, từ những vụ án đau lòng này, chúng ta cần phải đẩy nhanh tiến độ quy định pháp luật, chế độ người dân thiệt hại tính mạng, sức khỏe khi tham gia vào đấu tranh phòng chống tội phạm.
Nhìn từ mô hình 141 của Công an Hà Nội, Trung tá Đào Trung Hiếu cho biết, sau khoảng 7 năm thành lập, hoạt động tại Hà Nội, có thể nói mô hình tổ công tác 141 đã cho thấy hiệu quả rõ rệt và đang dần trở thành một phần trong thương hiệu về sức mạnh của Công an Hà Nội.
Trung tá Đào Trung Hiếu chia sẻ về "hiệp sĩ" bắt cướp ở Sài Gòn. |
Trước đây, ông Đào Trung Hiếu từng công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội, trực tiếp tham gia chỉ huy hoặc xử lý cùng tổ công tác đặc biệt 141. Tổ công tác liên ngành cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự kết hợp chốt chặn trên các tuyến giao thông có thể phát hiện, ngăn chặn sớm các vụ án, giải quyết mâu thuẫn xảy ra trên địa bàn.
Theo đánh giá của ông Hiếu, lực lượng này không chỉ hỗ trợ rất tốt trong công tác trấn áp tội phạm mà còn góp phần giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.
Rất nhiều các băng nhóm dẫn quân đi để thanh toán, mâu thuẫn nhưng trên đường đi gặp 141 bị cản lại.
"Chúng tôi cho rằng, tại TP Hồ Chí Minh, tình hình an ninh trật tự có những diễn biến phức tạp nên rất cần những tổ công tác 141, tạo thành thế trận đan xen, kịp thời ngăn chặn tội phạm". Ông Hiếu nêu quan điểm và cho biết, báo chí từng ví von lực lượng 141 như “cú đấm thép” của công an TP Hà Nội. Tháng 12/2012, TP HCM cũng đã học tập, triển khai mô hình tổ công tác liên ngành “141” nhưng chỉ hoạt động vào đợt cao điểm chứ không duy trì thường xuyên như ở Hà Nội. Thay vào đó, Công an TP HCM duy trì mô hình Đội hình sự đặc nhiệm thuộc phòng cảnh sát hình sự. Đơn vị này được thành lập năm 2008.
Theo Trung tá Hiếu, liên ngành 141 tại Hà Nội thực hiện rất tốt công tác kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông, ngăn chặn, xử lý vụ việc, đối tượng có dấu hiệu phạm tội.
Từ khi thành lập đến nay, lực lượng đã bắt giữ hàng chục nghìn vụ tội phạm về hình sự, ma túy và tội phạm về kinh tế, thu giữ hàng vạn dao kiếm, vũ khí quân dụng, chất nổ, xe tang vật, ma túy…
Ngoài kiểm tra, ngăn chặn, xử lý… các tổ công tác 141 Hà Nội còn phát hiện, thu hồi nhiều tài sản, phương tiện là tang vật của các vụ án trao trả cho người bị hại.
Theo trung tá Đào Trung Hiếu, nhóm "hiệp sĩ" đã lường trước nguy hiểm nhưng vẫn đối mặt bất chấp nguy hại đến tính mạng, đây là nghĩa cử cao đẹp cần trân trọng.
Qua việc này, ông Hiếu cho rằng, nên trang bị công cụ hỗ trợ, các thành viên của câu lạc bộ phòng chống tội phạm. Bởi đây là tổ chức được cấp chính quyền cơ sở thành lập ra. Câu chuyện trang bị công cụ hỗ trợ là điều hết sức cần thiết, thậm chí áo giáp, găng bắt dao, dùi cui, gậy trừ vũ khí quân dụng.
“Tôi từng tham dự các buổi sinh hoạt của các câu lạc bộ phòng chống tội phạm tương tự như CLB hiệp sĩ Tân Bình nhưng tại Hà Nội. Những người tham gia các CLB này là các bác xe ôm, tiểu thương làm việc ngoài đường. Các thành viên được phổ biến các kiến thức pháp luật, bắt giữ tội phạm trong trường hợp nào, quy trình ra sao. Có CLB còn triển khai hướng dẫn các động tác võ thuật cơ bản phục vụ bắt giữ tội phạm” – Trung tá Hiếu nói.
Trung tá Đào Trung Hiếu đề nghị, cần đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo kỹ năng xử lý tình huống, động tác võ thuật bắt giữ tội phạm, kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho lực lượng tự quản, hiệp sĩ, thành viên các câu lạc bộ phòng chống tội phạm để giảm thiểu thiệt hại khi tiếp cận tội phạm./.