VBF 2017: Nhiều rào cản cần được tháo gỡ cho doanh nghiệp
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2017 (VBF 2017) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC) và Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam tổ chức đã khai mạc sáng nay (12/12) tại Hà Nội. Chủ đề của VBF 2017 năm nay được chọn là “20 năm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng một số thành viên Chính phủ tham dự Diễn đàn.
Điều kiện kinh doanh trong nhiều lĩnh vực còn khó khăn
Tại diễn đàn, những khuyến nghị chính sách cụ thể, trực diện đã được chuyển tới người đứng đầu Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ. Nêu rõ khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, điều kiện kinh doanh trong nhiều lĩnh vực còn khó khăn, phiền hà, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu chưa chuyển động nhanh như mong muốn. Nhiều Bộ, ngành còn chần chừ, chưa mạnh dạn cắt bỏ và đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm chi phí trong kiểm tra chuyên ngành…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn VBF 2017. |
Chủ tịch VCCI nêu rõ, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong 11 tháng đầu năm 2017, đã có 10.814 doanh nghiệp giải thể và 55.664 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, lần lượt tăng 3,3% và 3% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, những gánh nặng về thủ tục hành chính vẫn đang là một trở ngại lớn của quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2016 (PCI) VCCI công bố vào tháng 3 năm 2017 thì 35% doanh nghiệp đang dành trên 10% quỹ thời gian để thực hiện thủ tục hành chính. Cũng theo kết quả khảo sát này, cứ 4 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp cho biết khó khăn lớn nhất của họ là thủ tục hành chính phiền hà.
“Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, chi phí kinh doanh tại Việt Nam cao và đang tăng nhanh. Mức lương tối thiểu tăng nhanh trong nhiều năm qua, cao hơn tốc độ tăng năng suất, kéo theo đó là gánh nặng đóng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn và các khoản phí bắt buộc khác…”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết.
Đặc biệt, cũng theo Chủ tịch VCCI, Việt Nam là quốc gia xuất nhập khẩu lớn nhưng chi phí logistic của Việt Nam cao và kém cạnh tranh với nhiều nước. Do vậy, các giải pháp nhằm cắt giảm chi phí kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hoá từ Việt Nam cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Giảm tối đa rào cản, phân biệt đối xử trong đầu tư kinh doanh
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh, việc mở rộng thị trường từ các hiệp định thương mại tự do và tiếp cận các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ tạo ra môi trường và công cụ đắc lực giúp Việt Nam có cơ hội tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất bãi bỏ các quy định bất hợp lý, giảm tối đa rào cản, giảm rủi ro, xóa bỏ phân biệt đối xử trong đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực hơn trong đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp; tăng cường liên kết sản xuất, tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới; xây dựng thương hiệu và “chữ tín” trong kinh doanh; chăm lo đào tạo phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và quy định của pháp luật; bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động; bảo đảm về môi trường và phát triển bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – ông Vũ Tiến Lộc phát biểu tại VBF 2017. |
Liên quan đến quy định bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động nước ngoài sẽ được triển khai từ tháng 1/2018, Ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) cho rằng, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang lo lắng về sự gia tăng trong chi phí.
Các câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp chưa rõ là khi việc thi hành được quyết định thì người nước ngoài sẽ được hưởng ưu đãi gì khi bị bệnh, bị tai nạn lao động hay bị tai nạn tử vong đồng thời sau khi nộp bảo hiểm xã hội thì khi trở về nước có được lĩnh đúng theo quy định hay không... “Những điều này cần phải được quy định rõ ràng thì người nước ngoài mới có thể yên tâm đóng phí bảo hiểm”, ông Ryu Hang Ha nói.
Đánh giá cao Diễn đàn VBF trong 20 năm qua đã luôn đồng hành cùng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã ngày càng trưởng thành, lớn lên cùng đất nước, là động lực hàng đầu đưa GDP tăng trưởng cao, tăng gấp 8 lần, GDP năm 11997 đạt 27 tỉ USD thì năm 2017 đạt gần 220 tỉ USD.
“Niềm tin, sự hứng khởi và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đang lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà cũng chính là “lá phiếu” ủng hộ đối với Chính phủ, các cấp, các ngành trong nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ và là nguồn động viên để Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, chung tay cùng phát triển trong ngôi nhà chung Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh./.