Tuyên bố của Giggs và lộ trình của bóng đá Việt Nam
Thật ra khoảng thời gian từ nay đến năm 2030 nói dài không dài, nói ngắn cũng chẳng ngắn. 13 năm có thể là đủ để tạo ra những sản phẩm cầu thủ tài năng. Nhưng tài năng ở mức nào, tiếp cận được trình độ nào thì còn phụ thuộc vào môi trường phát triển.
Cũng cần lưu ý chi tiết bản thân Giggs khi ở vào thời kỳ vàng son của sự nghiệp chưa từng một lần được dự VCK World Cup. Đội tuyển Xứ Wales của Giggs trước đó thời chân sút cự phách Ian Rush không làm được. Đến thời của cầu thủ đắt giá nhất thế giới sau này là Gareth Bale cũng không!
Tức là để tạo ra một đội tuyển mạnh, xa hơn nữa là một nền bóng đá mạnh, đủ sức giành vé dự World Cup, thì việc cho ra lò một hoặc một vài cầu thủ tài năng thôi chưa đủ. Ngay cả khi một hay một nhóm nhỏ các cầu thủ đấy ở tầm thế giới như Ian Rush, Ryan Giggs hay Gareth Bale như đội tuyển Xứ Wales.
Giggs có quyền mơ về World Cup, bóng đá Việt Nam có quyền mơ về World Cup, nhưng quan trọng nhất vẫn là lộ trình từ đây đến đó |
Để đến được World Cup, người ta cần sự chuyển động đồng bộ của toàn bộ nền bóng đá. Đó là thay đổi hệ thống đào tạo trẻ, là thay đổi hệ thống thi đấu các giải quốc nội, và quan trọng hơn nữa là thay đổi chất lượng những người làm công tác định hướng, điều hành nền bóng đá.
Đó là về tổng thể, còn về cụ thể, ví dụ như ở khu vực châu Á, để vượt qua vòng loại World Cup châu lục, giành vé đến VCK năm 2030, bóng đá Việt Nam sẽ tiếp cận top mấy của châu Á? Sẽ cạnh tranh trực tiếp với nhóm các đối thủ nào?
Cứ cho rằng đến năm 2030, số lượng đội tham dự VCK World Cup đã được nâng lên con số 48 đội (thay vì 32 như hiện nay). Châu Á sẽ nhận được từ 8 – 8,5 suất theo phân bố của FIFA (thay vì 4,5 suất như hiện tại). Với số suất dự World Cup kể trên, đội tuyển Việt Nam lúc đó sẽ tấn công vào vị trí nào của bóng đá châu Á, để có vé đến giải thế giới?
Hiện tại, 5 quốc gia sẽ đại diện cho châu Á tham dự World Cup 2018 tại Nga, gồm Nhật Bản, Iran, Hàn Quốc, Saudi Arabia và Australia.
Giải V-League nói riêng và hệ thống các giải quốc nội nói chung cần được cải thiện để tiến đến một nền bóng đá ổn định về chất lượng |
Từ nay đến năm 2030, với sự ổn định về mặt kinh tế, khoa học kỹ thuật, cũng như nền tảng sẵn có của các nền bóng đá nọ, tin rằng họ vẫn trong nhóm đầu châu Á.
Tức là đội tuyển Việt Nam đến năm 2030, sau khi đã không tính 5 cường quốc bóng đá vừa nêu, sẽ cạnh tranh với nhóm gồm CHDCND Triều Tiên, UAE, Qatar, Trung Quốc, Lebanon, Bahrain, Syria, Jordan… và cả những người láng giềng Đông Nam Á gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Philippines nhằm cạnh tranh 1 trong 3 – 3,5 suất còn dành cho châu Á.
Thành ra, nói thì đơn giản, nhưng thực tế để đến được World Cup 2030, trong vòng 13 năm, bóng đá Việt Nam phải bắt kịp và vượt qua một loạt nền bóng đá hiện có trình độ cao hơn chúng ta. Từ đó mới thay công tác định hướng và chiến lược phát triển quan trọng như thế nào!
Cứ tiếp tục cho rằng khâu đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam từ nay đến năm 2030 sẽ có khởi sắc, nhờ sự quy củ của một số lò đào tạo trẻ như PVF, Viettel, HA Gia Lai, hay một số lò đào tạo khác có thể xuất hiện trong thời gian tới, thì chúng ta phải tiếp tục giải quyết thêm những khâu khác.
Đó là cải thiện chất lượng hệ thống giải quốc nội, hướng đến sự ổn định. Là cải thiện chất lượng khâu quản lý nền bóng đá, với những người quản lý có khả năng định hướng, có tầm nhìn và điều hành nền bóng đá theo chất lượng, thay vì chỉ đơn thuần chạy theo số lượng và chạy theo thành tích như hiện nay.
Giggs mơ về World Cup cho bóng đá Việt Nam là đúng. Người Việt Nam cũng có quyền nghĩ về World Cup. Dù vậy, điều quan trọng hơn hết là lộ trình mà chúng ta sẽ đi ngay từ bây giờ cho đến khi chạm đến giấc mơ đấy sau 13 năm nữa!
Trọng Vũ