Trái bóng World Cup đã lăn, bữa tiệc thể thao tràn ngập trong một tháng tới hứa hẹn sẽ mang đến nhiều cảm xúc cho người hâm mộ trên khắp hành tinh. Tại Việt Nam, Đài THVN là đơn vị độc quyền truyền thông World Cup trên các nền tảng truyền hình, di dộng và Internet. Bên cạnh niềm vui, sự hào hứng, phấn khởi, nỗi lo về tình trạng vi phạm bản quyền cũng bắt đầu.

Ở những kỳ World Cup hay Euro Cup trước, Đài THVN từng bị cảnh báo cắt sóng nếu không ngăn chặn được những kênh lậu trên lãnh thổ Việt Nam. Tháng 2/2021, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đã yêu cầu ngăn chặn hơn 40 website vi phạm bản quyền ngoại hạng Anh của K+. Đơn vị này cho biết bị thiệt hại hơn 300 tỷ đồng/năm do vi phạm bản quyền, có tới 4.000 đường link vi phạm/tháng, tương ứng với hàng triệu lượt xem mà K+ đã phát hiện. Vào tháng 6/2021, khi trận Việt Nam – UAE tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022 diễn ra, hàng loạt trang mạng xã hội, trang web lậu đã phát sóng trận đấu này mà không được sự đồng ý. Ước tính, mỗi trận đấu loại vòng bảng World Cup có đội tuyển Việt Nam tham gia thì có hơn 20.000 tài khoản Facebook, Youtube, hơn 30 trang web lậu, cá độ cờ bạc, cá độ bóng đá tiếp sóng trái phép. Một thống kê cho thấy, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới về số lượng người xem lậu các giải bóng đá quốc tế.

Cách đây 4 năm, chỉ trong 3 ngày kể từ World Cup 2018 khai mạc, Đài THVN đã phát hiện hơn 700 trường hợp vi phạm bản quyền trên Internet. Dù Việt Nam là quốc gia cuối cùng mua được bản quyền nhưng vẫn bị cảnh cáo cắt sóng vì tình trạng vi phạm bản quyền từ các kênh, trang web lậu. Với World Cup 2022, Đài THVN đang nỗ lực để bảo vệ bản quyền theo yêu cầu của Liên đoàn bóng đá thế giới.

Đài Truyền hình Việt Nam đã chủ động rà soát toàn bộ các vấn đề về bảo mật tín hiệu đường truyền, thực hiện mã hóa để đảm bảo tín hiệu phát sóng không phát tán ra ngoài bất hợp pháp. Đài THVN cũng nhận được sự hỗ trợ của FIFA trong việc thực thi bảo vệ bản quyền World Cup. Sau khi Đài THVN báo cáo các trường hợp vi phạm, FIFA sẽ có công cụ xử lý trang, kênh vi phạm trong tối đa 2 phút. FIFA cũng phối hợp với các nền tảng mạng xã hội để xử lý về mặt pháp luật các trường hợp vi phạm.

"Chúng tôi thực hiện phương án rà quét song song khi trận đấu bắt đầu. Phương án của FIFA tương đối hoàn chỉnh. Sau khi trận đấu thúc, một loạt hệ thống mạng xã hội cũng sẽ đưa tín hiệu này lên thì chúng tôi sẽ phải sử dụng các hệ thống của Đài THVN, của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử để rà quét, phát hiện và xử lý những vi phạm còn tồn tại", ông Nguyễn Vũ Hoàng – Trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ, Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số, Đài THVN chia sẻ.

Đài THVN cũng đã lên phương án phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để đảm bảo chống vi phạm bản quyền trong thời gian diễn ra World Cup 2022. "Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã phối hợp với VTV rà quét để phát hiện những kênh vi phạm trên Youtube, Facebook, để từ đó có thông báo cho chủ sở hữu mạng xã hội, các đơn vị nắm giữ bản quyền, để có động thái ngăn chặn ngay", ông Phạm Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm Bản quyền Nội dung số Việt Nam cho biết.

Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, Đài THVN cũng mong muốn khán giả đồng hành trong việc bảo vệ bản quyền World Cup bằng cách theo dõi các trận đấu trên các kênh sóng, nền tảng số chính thức của VTV. Có như vậy, khán giả mới có một mùa World Cup trọn vẹn, cũng như bảo vệ hình ảnh Việt Nam trước bạn bè quốc tế.

Năm nay, FIFA sẽ vào cuộc mạnh mẽ hơn để hỗ trợ VTV chặn các tài khoản vi phạm trên mạng xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các giải pháp công nghệ mới nhất. Đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả, Đài THVN sẽ có nhiều kế hoạch phát sóng để phục vụ khán giả hiệu quả nhất.

Cụ thể, toàn bộ 64 trận đấu sẽ được tường thuật trực tiếp trên các kênh VTV2, VTV3, VTV5, VTV Cần Thơ, cũng như các nền tảng số của VTV là VTVGo, VTV News hay các trang mạng xã hội chính thức của VTV là VTVGo và Trung tâm Tin tức VTV24, đảm bảo khán giả có thể tiếp cận với nội dung World Cup trên mọi nền tảng, từ sóng đến số, và trên mọi thiết bị từ màn hình tivi đến các thiết bị di động thông minh.

Điều đáng mừng là hành lang pháp lý bảo vệ bản quyền trên môi trường Internet càng hoàn thiện. Tháng 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, trong đó có nội dung rất mới liên quan đến trách nhiệm của các đơn vị trung gian thứ 3 như nhà mạng. Theo đó, các chủ sở hữu tác quyền như VTV có thể trực tiếp yêu cầu các nhà mạng gỡ bỏ nội dung vi phạm, thay vì phải đi đường vòng qua các cơ quan chuyên trách như Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, tiết kiệm thời gian và công sức rất nhiều.

Thực tế, dù nỗ lực đến mấy thì các giải pháp công nghệ không thể giải quyết triệt để tình trạng vi phạm nếu ý thức của người dùng không thay đổi. Sử dụng miễn phí hay được gọi là "xài chùa" đã thành thói quen lâu năm của nhiều người Việt. Nghiên cứu mới đây nhất cho biết hơn 80% số người được hỏi tại Việt Nam chưa có thói quen trả bản quyền. Đây chính là điều cần thay đổi lâu dài.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương – Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: "Việc giáo dục về bản quyền, quyền liên quan tới sở hữu trí tuệ cần được tiến hành từ trường học, các cấp học ở Việt Nam. Càng được học sớm thì càng ngấm sâu vào nhận thức của người dân, sẽ tạo ra việc thực thi bản quyền tốt hơn. Chúng ta coi bản quyền như thực thi luật liên quan an toàn giao thông, làm như vậy sẽ hiệu quả hơn".

Không chỉ với bóng đá mà còn với bản quyền trên không gian số nói chung, Việt Nam luôn đứng đầu khu vực về tỷ lệ vi phạm bản quyền - một vị trí mà có lẽ chẳng ai mong muốn. Đến nay, đã 20 năm Việt Nam mua bản quyền World Cup, giá bản quyền đã tăng từ 1 triệu USD lên hàng chục lần. Đài THVN đã hết sức nỗ lực để thỏa thuận được quyền phát sóng. Nếu bản quyền không được tôn trọng thì nguy cơ FIFA cắt sóng sẽ luôn hiện hữu. Khi đó, không chỉ hoài phí công sức của VTV mà khán giả cũng sẽ mất quyền lợi của chính mình. Vì thế, niềm vui theo trái bóng cũng phụ thuộc phần nhiều vào ý thức của chính khán giả. Hãy nói không với vi phạm bản quyền.