Trồng rừng gắn với kinh tế trang trại cho hiệu quả kinh tế cao
Mô hình phát triển kinh tế đồi rừng của gia đình ông Hà Quang Cảnh, ở xóm Làng Chảo, xã Động Đạt, huyện Phú Lương cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. |
Gia đình ông Hà Quang Cảnh, ở xóm Làng Chảo, xã Động Đạt, huyện Phú Lương là một trong những người đi tiên phong trong phát triển kinh tế đồi rừng của xã. Năm 1994, do hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, nên ông Cảnh đã quyết định lên đỉnh núi Chúa để khai hoang, lập nghiệp. Ngoài ra, ông còn chăn nuôi bò, dê, ngựa và đào ao thả cá, vừa cải thiện đời sống, vừa tăng thêm thu nhập. Hiện nay, rừng keo của gia đình ông đang ở độ tuổi thứ 5 theo tính toán của gia đình ông, trong suốt chu kỳ 5 năm, đầu tư cho 1ha rừng keo từ tiền mua cây giống, công cuốc hố, trồng cây giống và bón phân lót… chi phí hết khoảng hơn 20 triệu đồng. Sau chu kỳ 5 năm là thu hoạch, nếu rừng keo được chăm sóc tốt sẽ đạt năng suất 120 tấn/ha. Với giá 1,3 triệu đồng/tấn như hiện nay gia đình ông có lãi bình quân khoảng hơn 60 triệu đồng/ha. Theo đó, mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ông Hà Quang Cảnh chia sẻ: "Địa điểm có nhiều sự phù hợp về nguồn nước sẵn, đồi rừng đất đai bằng phẳng nên tôi chọn nơi này để phát triển kinh tế".
Mô hình kinh tế VACR của gia đình anh Lèo Văn Toàn đang có 5ha rừng, 100 con dê, 8 con bò sinh sản và 7 ao thả cá, trừ chi phí đi mô hình của gia đình anh đem lại thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. |
Cũng giống gia đình ông Cảnh, gia đình anh Lèo Văn Toàn nhận thấy trên đỉnh núi Chúa điều kiện về thổ nhưỡng, đất đai rất thuận lợi cho việc phát triển mô hình kinh tế VACR - một mô hình khép kín tạo điều kiện để phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nên anh đã quyết định lên khai hoang, phát rẫy, lúc đầu, chủ yếu trồng cây sắn, song cho thu nhập không cao, đời sống gia đình vẫn khó khăn. Sau những trăn trở, anh cùng gia đình đầu tư cải tạo và canh tác trồng thêm các loại cây lấy gỗ; đồng thời, đào, đắp ao để thả cá. Thấy có hiệu quả, từ đó, gia đình anh tiếp tục đầu tư mở rộng trên diện tích lớn. Đến nay, mô hình của gia đình anh đang có 5ha rừng, 100 con dê, 8 con bò sinh sản và 7 ao thả cá, trừ chi phí đi mô hình của gia đình anh đem lại thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Anh Lèo Văn Toàn tâm sự: "Nói chung, chăn nuôi kết hợp trồng rừng phát triển kinh tế ổn định, rừng keo chu kỳ từ 8-10 năm khai thác, lúc đó cây gỗ to, bán được giá hơn".
Hiện nay, trên đỉnh Núi Chúa đang có 4 trang trại phát triển kinh tế VACR với diện tích 100ha. Những năm gần đây, rừng là hướng phát triển kinh tế chủ lực của người dân nơi này. Hiện, cây keo rất được giá, trung bình 1ha rừng, với chu kỳ trên dưới 5 năm, người dân có thể thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Cũng chính vì lý do này mà các chủ rừng rất chú trọng đến việc trồng và chăm sóc rừng theo đúng kỹ thuật đã được hướng dẫn. Với phương châm “không để đất trống”, người dân đã lựa thời tiết thích hợp để trồng rừng quanh năm.
Anh Đoàn Xuân Đăng, cán bộ lâm nghiệp xã Động Đạt cho hay: "Để nâng cao ý thức của nhân dân, hàng năm, chúng tôi tham mưu cho UBND xã ra công văn về xóm, tuyên truyền cho nhân dân bằng cụm loa truyền thanh và tuyên truyền trực tiếp, Trưởng xóm sẽ cùng chúng tôi trao đổi với người dân về cách thức bảo vệ phát triển rừng, đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy, chăm sóc rừng để phát triển, làm sao cây lâm nghiệp phát triển đạt kết quả cao nhất".
Xã Động Đạt hiện có tổng diện tích trên 1.700ha đất lâm nghiệp, trong đó, có gần 1.400ha diện tích rừng sản xuất. Tận dụng lợi thế đó, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã khuyến khích, tạo điều kiện để người dân đầu tư vào trồng rừng, bên cạnh kết hợp chăn nuôi các loại gia súc như: trâu, bò, dê… Nhờ trồng rừng và chăn nuôi kết hợp, nhiều hộ dân từ chỗ đời sống khó khăn, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 2,53%, thu nhập bình quân là 36 triệu đồng/người/năm.
Anh Nhâm Văn Núi, Phó Chủ tịch UBND xã Động Đạt cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền cho bà con nhân dân hiểu rõ hơn những lợi ích từ công tác phát triển rừng, đặc biệt là cho bà con đi thực tế tại mô hình hiệu quả để từ đó bà con nhân dân có những nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn về những chính sách phát triển kinh tế đồi rừng".
Toàn huyện Phú Lương có trên 35.000ha diện tích rừng tự nhiên, trong đó, có trên 13.000ha rừng trồng. Nhờ thực hiện tốt các quy định về đất đai và công tác tuyên truyền về lợi ích kinh tế từ trồng rừng đến người dân, nên diện tích trồng rừng ở Phú Lương năm sau luôn cao hơn năm trước. Việc bà con nông dân đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác trồng rừng đã giúp cho nhiều vùng đất trống với các loại cây mọc tự nhiên không có giá trị kinh tế nay được phủ lên các loại cây lâm nghiệp giá trị kinh tế cao. Qua đó, đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững, cải tạo được môi trường sinh thái và tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.
Ông Nguyễn Đức Tú, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Phú Lương nhấn mạnh: "Phương hướng để phát triển các mô hình kinh tế gắn với trồng rừng trong thời gian tới, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương, Phòng Nông nghiệp và Trung tâm dịch vụ tuyên truyền hỗ trợ cho bà con các chế độ về cây giống, con giống để bà con ổn định phát triển đời sống kinh tế gắn với công tác bảo vệ rừng ngày càng phát triển ổn định, nâng cao hiệu quả kinh tế vườn - rừng - ao - chuồng trên địa bàn huyện".
Phát triển trồng rừng đang là một trong những hướng đi của Phú Lương nói riêng và nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh nói chung về việc đa dạng hóa cây trồng, chuyển đổi ngành nghề lao động, nâng cao thu nhập, làm cơ sở để xây dựng nông thôn mới. Từ trồng rừng, bà con đã chuyển bớt diện tích vốn canh tác nghèo nàn lâu nay sang sản xuất lâu dài, có hiệu quả kinh tế cao./.