Các nhà khoa học của Viện nghiên cứu sức khỏe dân số và Viện khoa học Bệnh tim mạch London, cùng các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Y khoa Glassgow (Anh) vừa phân tích dữ liệu dựa trên gần 4.500 trẻ em trong độ tuổi từ 9 và 10 đến từ 200 trường tiểu học tại các thành phố ở Anh. Những đứa trẻ được hỏi về khoảng thời gian trong ngày chúng dùng để xem TV hoặc chơi game trên điện thoại, máy tính bảng hay máy vi tính...

tre va he qua khong ngo tu viec dung thiet bi cong nghe qua nhieu

Trẻ tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nếu dành nhiều thời gian “dán chặt” vào màn hình các thiết bị công nghệ

Các nhà khoa học nhận thấy rằng những đứa trẻ dành nhiều thời gian “dán mắt” vào màn hình, từ TV, smartphone, máy tính bảng hay máy vi tính... đều có những dấu hiệu sinh học làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Những đứa trẻ này đều cho thấy dấu hiệu cơ thể của chúng không tốt trong quá trình chế biến đường, một tình trạng được gọi là kháng insulin, điểm đặc trưng của bệnh tiểu đường.

Kháng insulin là tình trạng mà cơ, mỡ và tế bào gan không phản ứng đúng với insulin, một hoocmon kiểm soát lượng đường trong máu, là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 2.

Đặc biệt, những đứa trẻ dành hơn 3 giờ mỗi ngày để sử dụng các thiết bị công nghệ sẽ có nguy cơ mắt tiểu đường tuýp 2 cao hơn 11% so với những đứa trẻ chỉ dành thời gian dưới 1 giờ mỗi ngày. Những đứa trẻ dành nhiều thời gian dùng các thiết bị công nghệ cũng có khối lượng mỡ cao hơn và lượng hoocmon gây ra sự thèm ăn cao hơn, dẫn đến nguy cơ bị béo phì.

Nghiên cứu trên vừa được công bố trên tạp chí khoa học về sức khỏe nhi khoa“Hồ sơ Bệnh án tuổi thơ” và lập tức được nhiều chuyên gia về nhi khoa ủng hộ.

Mark Tremblay, một nhà nghiên cứu về bệnh béo phì ở trẻ em và chuyên gia về lối sống lành mạnh thuộc Bệnh viện Nhi ở Easstern Ontario (Canada), người không tham gia vào kết quả nghiên cứu kể trên, nhưng ủng hộ kết quả nghiên cứu này và cho biết: “Ngồi trước màn hình các thiết bị điện tử quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nó không phù hợp với sự phát triển của trẻ em”.

Trước đó một nghiên cứu tương tự vào năm 2013 của Giáo sư Claire Nightingale thuộc đại học London (Anh) và các đồng sự cũng đã chỉ ra rằng thời gian ngồi trước màn hình các thiết bị công nghệ quá nhiều (từ TV, smartphone hay máy vi tính...) đều liên quan đến việc tăng Chỉ số Cơ thể (BMI), một thước đo mức độ béo phì của cơ thể dựa trên chiều cao và cân nặng ở trẻ em từ 9 đến 16 tuổi.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Anh như một “gáo nước lạnh” dội vào nhiều bậc phụ huynh, những người thường có thói quen cho con em của mình xem TV hay sử dụng smartphone, máy vi tính như một cách giải trí hoặc đơn giản là như một cách để trẻ chịu nghe lời.