Tổng thống Iran bắt đầu nhiệm kỳ 2 trong “bão căng thẳng” với Mỹ
Tại một buổi lễ chính thức, lãnh tụ tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei đã thông qua kết quả bầu cử hồi tháng 5 vừa qua, với chiến thắng thuộc về đương kim Tổng thống Rowhani.
Tổng thống Iran Hassan Rowhani tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2. Ảnh: Reuters |
Đây là bước đi, dù mang tính hình thức song lại cần thiết để ông Rowhani có thể bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2 và cũng là cuối cùng của mình. Theo kế hoạch, ngày 5/8 ông Rowhani sẽ tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội Iran.
Nếu như nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Rowhani bắt đầu trong bối cảnh Iran và các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ vẫn trong cuộc đối đầu nghiêm trọng liên quan tới chương trình hạt nhân, thì nhiệm kỳ thứ 2 lại bắt đầu giữa lúc căng thẳng Iran và Mỹ lên cao, mà nguyên nhân cũng là vấn đề hạt nhân. Điều này đặt Tổng thống Rowhani trước những thách thức không hề nhỏ.
Từng được xem là “người hùng” khi giúp Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc phương Tây chấm dứt cuộc căng thẳng kéo dài hơn 1 thập kỷ liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi, cũng như giúp Iran thoát khỏi các lệnh trừng phạt kéo dài đè nặng lên nền kinh tế đất nước, song hiện nay, ông Rowhani lại đang vấp phải những chỉ trích mạnh mẽ ở trong nước. Phe bảo thủ chỉ trích người đứng đầu Nhà nước quá “nhân nhượng” các cường quốc và phớt lờ những cảnh báo về Mỹ.
Đạt được hồi tháng 7/2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức), thỏa thuận hạt nhân Iran yêu cầu nước này hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lại nhận được sự dỡ bỏ từ các lệnh trừng phạt quốc tế.
Tuy nhiên, trái ngược với chính quyền người tiền nhiệm Barack Obama, chính quyền của Tổng thống Donald Trump, ngay từ khi nhậm chức đã thể hiện thái độ thù địch với Iran và chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân. Ngay trong ngày bắt đầu nhiệm kỳ cầm quyền thứ 2 của Tổng thống Iran Rowhani, Chính phủ Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Iran, với lý do nước này không tuân thủ tinh thần của thỏa thuận hạt nhân, cũng như hỗ trợ các nhóm mà Mỹ cho là khủng bố.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói: “Không phải chỉ riêng Mỹ, mà nhiều nước khác cũng cho rằng, Iran không phải là một hàng xóm tốt tại khu vực. Iran đã không chấm dứt chương trình tên lửa đạn đạo của mình và vì thế có thể nói là vi phạm tinh thần của thỏa thuận hạt nhân. Có rất nhiều lựa chọn với Iran và chúng tôi đang sử dụng thỏa thuận này để thúc đẩy các chính sách của mình cũng như mối quan hệ với Iran”.
Phản ứng trước quyết định của Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi tuyên bố, nước này sẽ xem như thỏa thuận hạt nhân đã bị vi phạm và vì thế sẽ có những hành động phù hợp.
Ủy ban Cấp cao Iran giám sát việc thực thi thỏa thuận hạt nhân, trong đó có Tổng thống Rowhani đã thông qua 16 biện pháp chống lại hành động của Mỹ, trong khi Quốc hội nước này cũng đang xem xét một dự luật tăng cường chương trình tên lửa đạn đạo.
Theo các nhà phân tích, việc Tổng thống Donald Trump ký ban hành luật trừng phạt Iran vào đúng ngày nhậm chức của Tổng thống Rowhani là “một sự trùng hợp không mấy vui vẻ”.
Ngay tại lễ nhậm chức, Tổng thống Rowhani cũng khẳng định nước này sẽ không bao giờ chấp nhận những biện pháp nhằm cô lập Iran khi chỉ vừa mới thoát ra khỏi nhiều năm chịu sự trừng phạt của quốc tế.
Ông Rowhani cũng nhiều lần nhấn mạnh, thỏa thuận hạt nhân là dấu hiệu thiện chí của Iran ở cấp độ quốc tế nhằm đạt được sự thỏa hiệp với phần còn lại của thế giới.
“Nước Cộng hòa Hồi giáo sẽ phản ứng mạnh mẽ trước các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ. Quốc hội sẽ có những bước đi đầu tiên trong vấn đề này. Chúng tôi sẽ thực hiện bất kỳ bước đi nào cần thiết vì sự phát triển và thịnh vượng của đất nước, bất chấp các biện pháp trừng phạt. và chính sách của họ. Chúng tôi sẽ đi theo con đường của mình”, ông Rowhani nhấn mạnh.
Trong khi đó, Đại giáo chủ Ali Khamenei, người có quyền ra quyết định cuối cùng trong các hồ sồ lơn của Iran đã khuyến cáo Tổng thống nên “quan tâm tới những vấn đề về con người”, làm sâu sắc hơn các mối quan hệ với thế giới và “phản kháng mạnh mẽ” chống lại những nước bá chủ, đặc biệt là chính phủ Mỹ. Theo ông Ali Khamenei, Iran ngày nay đã mạnh hơn so với trước đây bất chấp các lệnh trừng phạt và tư tưởng thù địch./.